Theo sách "Hoàng Lê nhất thống chí", trong lần chạy sang cầu viện quân nhà Thanh lần thứ hai, Lê Chiêu Thống đã bị vua quan nhà Thanh đối đãi chẳng ra gì, mà còn cắt tóc, gọt đầu cho giống người Thanh. Theo sách trên, có lần, Phúc Khang An đã nói với Lê Chiêu Thống rằng:
Ngày xuất quân không còn xa, Vương nên tự mình đem tả hữu liêu thuộc làm quân dẫn đường đi trước. Nhưng bây giờ nên gọt đầu gióc tóc, thay đổi quần áo giống như người Trung Quốc, để khi về Nam quân giặc không thể phân biệt được, thì công lớn mới có thể thành. Sau khi khôi phục nước nhà, bấy giờ sẽ lại theo như tục cũ. Việc binh không ngại dùng cách xảo trá, Vương nên nghĩ tới chỗ đó.
Lê Chiêu Thống cho lời đó là phải và đáp:
May nhờ có quân thiên triều cứu viện, việc ấy thì có tiếc gì.
Thế là Khang An bèn làm một tờ biểu kín tâu với vua Thanh và nói rằng vua An Nam không còn có ý xin cứu viện nữa, vua tôi đều đã cắt tóc, cạo đầu và đổi đồ mặc, xin ở lại yên ổn trong đất nhà Thanh. Vậy xin bãi bỏ các đạo quân định đưa sang đánh dẹp phương Nam.
Lừa được Lê Chiêu Thống rồi, Phúc Khang An còn chơi trò làm nhục ông vua lưu vong bằng cách bố trí cho Lê Chiêu Thống chạm trán phái đoàn sứ bộ của Quang Trung, làm cho Lê Chiêu Thống rất tức tối.
Sau đó Khang An lại tìm cách ly gián Lê Chiêu Thống với các bề tôi còn chút tinh thần dân tộc. Trong số bề tôi này, đáng chú ý nhất là Lê Quýnh. Nguyên Quýnh đã từng theo Lê Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh năm 1788. Lúc quân Thanh kéo vào nước ta, Quýnh được dịp thả sức say mê tửu sắc. Khi vua chạy theo tàn quân Tôn Sỹ Nghị, Quýnh được giao ở lại để chiêu mộ lực lượng trong nước.
Trong thời gian ở Yên Kinh, chờ mãi vẫn không thấy có viện binh, Lê Chiêu Thống lại tiếp tục dâng biểu xin nhà Thanh cho viện binh về nước khôi phục nhà Lê. Nếu không được thì cũng cho mượn 2 châu Tuyên Quang, Hưng Hóa để xây dựng lực lượng, hoặc lẻn vào Gia Định cầu viện Nguyễn Ánh. Trong khi đó, bọn quan nhà Thanh thì luôn tìm cách dối quanh để khất lần. Có lúc chúng bảo cho mượn đất Khâm Châu (Quảng Đông), có lúc thì bảo cho về Tuyên Quang. Có lần, bực quá, một tên dắt ngựa của vua Lê là Nguyễn Văn Quyên, phải chửi: Bọn chó Ngô vô lễ, dám làm nhục vua ta.
Nói rồi Văn Quyên lấy gạch ở sân ném bừa vào bọn chúng. Đám quân lính giữ vườn nổi giận, xúm lại đánh Văn Quyên gần chết, đoạn bắt giam một tháng. Văn Quyên nhân thế bị bệnh mà chết.
Một người con của Càn Long biết sự tình của vua tôi Lê Chiêu Thống và có ý thương xót nên đã khuyên Hòa Thân có lời lẽ phải chăng. Hòa Thân tâu lại với vua nhà Thanh và sau đó dù là con nhưng đã bị vua Càn Long đánh đòn nặng. Về sau, người con này sinh bệnh mà chết. Từ đấy, vua Lê Chiêu Thống không còn dám nói đến việc xin quân cứu viện nữa, nhưng trong lòng uất ức khôn nguôi.
Mùa Hè năm Nhâm Tý (1792), con đầu của vua Lê bị bệnh thủy đậu rồi mất. Lê Chiêu Thống lo buồn sinh bệnh, thoi thóp nằm liệt không dậy được. Năm sau, bệnh tình của Lê Chiêu Thống ngày càng nguy kịch, rồi mất khi ấy mới 28 tuổi.
Ngày 11-10, niên hiệu Gia Khánh nhà Thanh (1799), thái hậu (mẹ Lê Chiêu Thống) cũng mất ở Tây An Nam doanh. Vua Thanh cho chôn cạnh lăng mộ của Lê Chiêu Thống. Ngày mồng 4 tháng 4 năm Gia Khánh thứ 5 (Canh Thân - 1800), Lê Quýnh và những người đi theo Lê Chiêu Thống được nhà Thanh thả ra khỏi ngục, dời đi ở cách phía Tây kinh thành mười hai dặm, tại Lam xưởng an trí ở doanh Hỏa Khí ngoài. Đầu tóc, ăn mặc được phép tự do. Phần mộ chúa cũ, được phép thăm viếng. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 7 năm 1883, Lê Quýnh bị quân Thanh bắt lại.
Lê Quýnh là một trong những trung thần của nhà Lê trung hưng và ông cũng là người phò thái hậu và hoàng tử (mẹ và con vua Lê Chiêu Thống) chạy sang Trung Quốc sau khi Lê Chiêu Thống đã sang nhà Thanh để cầu viện giúp nhà Lê chống lại Tây Sơn, giành lại ngai vàng. Nhưng nhân cách của Lê Quýnh hoàn toàn khác Lê Chiêu Thống. Khi quân Thanh bắt ông phải gióc tóc, gọt đầu, mặc quần áo của nhà Thanh, ông quyết không chịu nhục và kháng cự đến cùng. Mỗi lần nhà Thanh sai người đến thuyết phục, ông đều đáp rằng: "Chúng tôi đầu có thể chặt, tóc không thể gọt, da có thể lột, đồ mặc không thể đổi". Cũng chính trong khoảng thời gian ở nhà Thanh, Lê Quýnh đã viết tác phẩm "Bắc hành tùng ký" và tác phẩm này còn lưu truyền đến ngày nay.
Nhận định về "Bắc hành tùng ký", nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na đã viết: "Tác giả đã ghi lại tâm trạng đau khổ, uất ức, tủi nhục của mình nói riêng, của vua tôi nhà Lê nói chung trong những ngày sống trên đất Trung Hoa. Tác phẩm như một tấm gương phản tỉnh những ai có ảo tưởng "phục quốc" bằng con đường dựa vào người nước ngoài". Xin mượn lời trên để kết thúc bài viết này. Mong rằng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, hậu thế xin đừng ai quên điều này.