Nhà nghèo phải làm nghề quét rác để sống qua ngày nên khi đỗ Tiến sĩ, dân gian yêu mến gọi ông là Trạng Quét để nhớ những ngày dù nghèo khó vẫn bền gan vững chí.
Ông là Lê Quát - một danh sĩ nức tiếng thời Trần, cũng là học trò nổi tiếng của thầy Chu Văn An. Cùng với người đồng môn Phạm Sư Mạnh, hai ông đã để lại những câu chuyện bất hủ về đạo nghĩa thầy trò, về sứ mệnh của nhà Nho chân chính đối với giang sơn xã tắc.
Quét rác thành tài
Các nguồn sử liệu cho biết, Lê Quát sinh năm 1319 ở hương Phủ Lý, huyện Đông Sơn, trấn Thanh Hoa thuộc dòng dõi Thái sư Lê Văn Thịnh. Người cha của ông không may mất sớm, mẹ phải tần tảo làm lụng vất vả nuôi con nhỏ.
Người mẹ không có tài sản gì, bản thân lại bệnh tật nên phải quét chợ và mở quán nước để kiếm sống. Người dân trong vùng thường gọi là bà quét. Lớn lên trong hoàn cảnh đó, Lê Quát hàng ngày quét chợ giúp mẹ, làm lụng vất vả mong có miếng ăn sống qua ngày.
Nghề quét rác luôn bị coi là thấp hèn nên mẹ con Lê Quát phải chịu không ít sự khinh bỉ. Dù khó khăn nhưng người mẹ vẫn cố gắng cho Lê Quát được học hành.
Cậu bé thông minh nên học đâu nhớ đó, học một biết mười nên chẳng bao lâu đã học hết chữ của thầy làng. Thầy khuyên cậu bé nên đến làng Phúc Triền có nhiều thầy giỏi để học. Lê Quát rời xa người mẹ hiền đến Phúc Triền để tầm sư học đạo.
Giai thoại dân gian kể lại rằng, một lần Lê Quát khát quá mới đánh liều vào một nhà để xin nước. Không ngờ đó là nhà của một vị hưu quan. Nghe cậu bé xin nước nói mình là học trò, quan liền hỏi về kinh sử, Lê Quát trả lời trôi chảy. Thấy học trò này thông minh, vị hưu quan đã chu cấp tiền bạc để cậu bé học thành tài.
Làng Phúc Triền vốn nổi tiếng là nơi có nhiều thầy giỏi, nhưng nhà Nho ở đây hết điều truyền thụ và khuyên Lê Quát đến kinh đô thụ giáo danh sư Chu Văn An. Lê Quát lên Thăng Long được thầy Chu Văn An nhận là học trò, tận tình chỉ bảo, giảng giải những điều mà ông chưa biết nên tiến bộ rất nhanh.
Học trò của thầy Chu có đến trăm người, nhưng xuất sắc nhất có lẽ là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh. Khoa thi năm 1345 thời vua Trần Minh Tông, Lê Quát thi đỗ Thái học sinh, được triều đình trọng dụng phân quan bổ chức. Dân gian từ đó vẫn gọi ông là Trạng Quét để ghi nhớ về một con người dù cơ hàn vẫn vững chí học hành.
Triều Trần lúc này xuất hiện nhiều nhân tài tham gia vào triều chính như Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu… Năm 1358, Lê Quát được bổ chức Tả tư lang kiêm Hàn lâm viện phụng chỉ và nhanh chóng có được sự tín nhiệm của nhà vua, sau ông được thăng chức Thượng thư hữu bộc xạ.
Đến năm 1366, vua cử Thượng thư hữu bộc xạ Lê Quát và Thượng thư tả bộc xạ Phạm Sư Mạnh đi duyệt sổ đinh (tương đương với sổ hộ khẩu ngày nay). Sau khi hoàn thành công tác, ông được thăng chức trở thành Thượng thư hữu bật, Nhập nội hành khiển.
Theo gương thầy can vua
Đương thời, Lê Quát có sáng tác thơ văn, nhưng nay chỉ còn 7 bài thơ trong "Tinh tuyển chư gia luật thi" và "Toàn Việt thi lục". Trong đó có các tác phẩm: Cưu trượng, Đăng cao, Đồng hổ, Nhạn túc đăng, Thư hoài 1, Thư hoài 2, Tống Phạm công Sư Mạnh bắc sứ. Ngoài ra, bài văn bia "Bắc Giang Bái thôn Thiệu Hưng tự bi ký" được ghi chép trong "Đại Việt sử ký toàn thư".
Lê Quát và Phạm Sư Mạnh đều làm quan đầu triều, nhưng vẫn đều đặn ghé thăm thầy mình là Chu Văn An. Cả hai ông đều được đánh giá là tài cao, đức trọng lưu danh sử sách. Sau khi vua Trần Minh Tông mất, các đời vua sau này chỉ lo hưởng lạc, rời xa hiền thần, dung nạp kẻ nịnh bợ.
Đến thời vua Trần Dụ Tông, nhà Trần đến hồi suy, vua đánh sưu cao thuế nặng nhằm có tiền xây cung điện lầu các, trọng dụng nịnh thần. Trước tình hình đó, Chu Văn An dâng tấu khuyên vua nhưng không được. Ông dâng "thất trảm sớ" xin vua chém ngay 7 tên nịnh thần, vua cũng không nghe. Chu Văn An từ quan về núi Phượng Hoàng dạy học, viết sách cho đến khi mất.
Lê Quát theo gương thầy, nhiều lần đưa ra các quyết sách nhằm thay đổi, phê phán những tiêu cực nhưng vua không chấp nhận, bản thân ông cũng bị trách mắng. Tuy giữ chức vụ cao, nhưng không để công việc hạn chế những suy nghĩ và ý tưởng phóng khoáng của mình.
Lê Quát luôn mong muốn chấn hưng Nho giáo. Tuy nhiên, triều đại nhà Trần bấy giờ đã bắt đầu suy yếu, vua không nghe lời can gián của ông. Cho đến khi qua đời, ông vẫn không thể hoàn thành tâm nguyện và ra đi trong ngậm ngùi.
Danh sĩ thời Nguyễn là Phan Huy Chú nhận xét về Lê Quát thế này: Chí ông chuộng chính học bài dị đoan. Do văn học mà (ông) được làm quan cùng nổi tiếng ngang với Phạm Sư Mạnh. Thời bấy giờ người ta đều khen "Lê, Phạm".
GS Nguyễn Huệ Chi nhận định: Qua bảy bài thơ còn lại, có thể thấy ông là người phóng khoáng, không lấy việc làm quan làm một sự ràng buộc hành vi và tư tưởng...
Đôi khi sau một đôi nét chấm phá đơn sơ mà sắc sảo về cảnh vật, nhà thơ hé cho ta thấy những nỗi cô đơn, sầu muộn đang làm xao xuyến lòng ông. Nó là cái buồn của cả một thế hệ sĩ phu cảm thấy triều đại nhà Trần đang không cưỡng lại được sự suy sụp.
Ở mặt khác, Lê Quát cũng là một nhà Nho hết lòng vì đạo, muốn ra sức đẩy lùi ảnh hưởng của Phật giáo để dành cho Nho giáo một vị trí trong đời sống tinh thần... Và bài bia ký ở chùa Thiệu Phúc mang tiếng là bài Phật ấy, thực chất chỉ là một lời tự thú về cái bất lực của một tín đồ nhà Nho trước cảnh hiu quạnh, tiêu điều của môn phái mình...
Nhưng nói chung, dù mỏi mệt chán nản, hay cố giữ tư thế tích cực của một mẫu người nhập cuộc; cảm hứng chung toát ra từ nghệ thuật thơ văn của Lê Quát vẫn là một cảm hứng trong sáng chứ không gò gẫm nặng nề.
Lòng yêu đất nước đã giúp nhà thơ tạo được một bút pháp tả cảnh sinh động: Cảnh quyện lấy tình; và cái nét nhẹ nhõm, hài hòa trong thơ ông cũng là phong cách chung của văn học của cả thời đại.
Hổ phụ sinh hổ tử
Con trai Lê Quát là Lê Giốc, làm quan trải đến chức Thượng thư hữu bật nhập nội hành khiển. Theo tài liệu "Bản xã tiên hiền" và "Lê gia chính phả" thì Lê Giốc học giỏi, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi (1331), triều vua Trần Hiến Tông. Sách "Đại Việt lịch triều đăng khoa lục" lại viết ông đỗ Thái học sinh khoa thi năm Giáp Tuất (1334).
Thời vua Trần Nghệ Tông, Lê Giốc làm Tuyên phủ sứ Nghệ An. Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", thời gian đó quân Chiêm Thành liên tiếp đánh ra Bắc, quân nhà Trần bại trận. Sau khi em Trần Nghệ Tông là Trần Duệ Tông bị tử trận năm 1377 khi đi đánh Chiêm tại Chà Bàn, thế lực nhà Trần càng yếu hơn.
Cũng trong năm đó, Chế Bồng Nga lại đánh ra Nghệ An, lập hoàng thân Ngự Câu vương Trần Húc (đầu hàng trong trận Chà Bàn) làm vua. Tháng 6 (âm lịch) năm 1378, quân Chiêm đánh vào sông Đại Hoàng rồi đánh vào kinh thành Thăng Long. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mang vua cháu Trần Phế Đế (con Duệ Tông) bỏ chạy.
Lúc bấy giờ Lê Giốc đang giữ chức Kinh doãn tại kinh thành, bị quân Chiêm bắt được. Sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú chép: "...Nhiều người theo mệnh lệnh của giặc, chỉ trừ có ông. Ông bị giặc bắt, giặc bảo lạy, ông cả giận nói: "Tao là trọng thần nước lớn, há lại lạy mày là quân tiểu man à?" (Rồi) chửi không ngớt miệng, bị giặc giết. Về sau, triều đình gọi (ông) là "mạ tặc trung vũ hầu" (nghĩa là ông hầu trung dũng chửi giặc).
Nhà sử học đời Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên đã khen ngợi Lê Giốc: Bỏ sống để giữ nghĩa còn hơn là sống, cầu sống mà chịu nhục người quân tử không làm. Kinh Dịch nói: Người quân tử thà hy sinh tính mạng để thực hiện chí hướng của mình, Giốc là người như vậy".
Thời nhà Nguyễn, nhà sử học Phan Huy Chú xếp Lê Giốc vào nhóm 7 bề tôi tiết nghĩa đời Trần. Và vua Tự Đức cũng có thơ vịnh Lê Giốc: Đời mạt văn tàn võ chẳng trau/ Quân thua một trận thật là đau/ Chỉ đem tấc lưỡi la quân giặc/ Để tiếng ngàn thu "Mạ tặc thần".
Ở làng Kẻ Rỵ có đền thờ Lê Giốc, người dân nơi đây từ lâu đã tôn ông làm Tiên hiền với duệ hiệu là Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Mạ tặc trung vũ hầu Lê tướng công. Trong đền thờ có đôi câu đối: Mạ tặc trung thần thanh vạn đại/ Thướng thiên ánh tuyết bạch tam quan (nghĩa là: Trung thần chửi giặc tiếng lưu vạn đại/ Ánh hào quang trên trời vẫn rọi chiếu cửa đền).
Ngoài ra, theo "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam" thì Lê Giốc còn được sắc phong là phúc thần và có miếu thờ ở ven sông Đại Hoàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.