Dân Việt

Ngôi chùa cổ ở Thủ đô lưu giữ dấu ấn lịch sử đất kinh kỳ

Duy Huy - Song Phúc 19/06/2023 06:40 GMT+7
Bối Khê là ngôi chùa cổ tại xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Ngôi chùa nổi tiếng là một trong số ít các chùa còn lưu lại những dấu vết kiến trúc gỗ nguyên bản thời Trần.

Video dấu ấn ngôi chùa cổ Bối Khê với kiến trúc độc đáo. Thực hiện: Duy Huy - Song Phúc.

Ngôi chùa gần 700 năm tuổi

Chùa Bối Khê có tên chữ là Đại Bi tự, là một trong những ngôi chùa gỗ cổ nhất Việt Nam với niên đại gần 700 năm tuổi. Ngày 20/4/1979, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận chùa Bối Khê là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt.

Ngôi chùa cổ ở Thủ đô lưu giữ dấu ấn lịch sử đất kinh kỳ - Ảnh 2.

Tam quan chùa Bối Khê.

Theo sử sách ghi lại tại chùa Bối Khê, đây là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất ở vùng Bắc Bộ. Tương truyền, chùa xây dựng từ năm 1338, thời Trần. Chùa thờ Phật, Tam Tòa Thánh Mẫu, thờ Đức thánh Bối Nguyễn Đình An – người có công đánh giặc phương Bắc, và cũng lưu giữ nhiều dấu tích tôn giáo của phái Trúc Lâm, Đạo giáo, Khổng giáo.

Chùa Bối Khê là một ngôi chùa đặc trưng cho dạng thức "tiền Phật, hậu Thánh". Chùa thờ Phật ở phía trước. Tuy nhiên các pho tượng được văn bia mô tả trước thời Nguyễn đều không còn, chỉ trừ hai pho tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay và Bà Hậu (thời Mạc) ở vị trí tôn chủ của Thượng điện. 

Ngôi chùa cổ ở Thủ đô lưu giữ dấu ấn lịch sử đất kinh kỳ - Ảnh 3.

Chùa Bối Khê là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt.

Tam quan được dựng vào năm 1603 thời Lê Trung Hưng. Hạng mục kiến trúc này được sửa chữa vào năm 2006. Kiến trúc chính của chùa Bối Khê được bố cục theo kiểu "tiền Phật, hậu Thánh", trên diện tích 5.000m2.

Việc thờ Phật được bố trí ở tòa tiền đường và tiền bái. Tiếp đó đến tòa thiệu hương và thượng điện là nơi thờ thánh. Nhìn tổng thể, ngôi chùa có hình "nội công ngoại quốc" bởi hai bên có hai dãy hành lang.

Di vật mang dấu ấn lịch sử

Chùa cổ Bối Khê là một điển hình của dạng chùa cụm Đồng bằng Bắc Bộ với kiến trúc gỗ kéo dài theo trục dọc, mở rộng theo tuyến ngang, một nét mới của kiến trúc Phật giáo Việt Nam xuất hiện từ thời Trần.

Ngôi chùa cổ ở Thủ đô lưu giữ dấu ấn lịch sử đất kinh kỳ - Ảnh 4.

Những mảng chạm khắc tinh xảo độc đáo từ thời Nguyễn.

Chùa Bối Khê là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt. Người tham quan vào chùa qua hệ thống cổng ngũ môn và cầu là tới tam quan gồm ba gian bằng gỗ theo kiểu hai tầng tám mái. Phía trên tam quan là gác chuông.

"Kiến trúc chùa Bối Khê được bố trí theo trục Tây - Đông rất độc đáo. Chúng tôi đã từng đến ngôi chùa này tham quan, vãn cảnh và thấy rằng đây là một trong số những ngôi chùa cổ kính. Nếu có thể, địa phương có thể nghiên cứu đưa du khách đến với chùa để lan tỏa những giá trị, nét văn hóa đặc sắc cũng là điều hay", ông Hoàng Văn Công, ở xã Tam Hưng chia sẻ.

Bậc thềm phía trước thượng điện còn lưu giữ vết tích của gạch cả thời Mạc và thời Lê, với hoa văn và linh vật trang trí chạm nổi còn gần như nguyên vẹn. Một số mảng chạm còn xuất hiện ở cả phần mặt dưới của vì mái, nơi mà phần lớn các chùa khác thường để trơn, không chạm khắc gì.

Các mảng chạm gỗ của chùa phần lớn là từ thời Nguyễn. Các mảng chạm này độc đáo ở chỗ, thay vì những mô típ quen thuộc như tùng, cúc, trúc, mai, sen, rồng, phượng, hay tiên… thì một số mảng chạm lại mô tả tích thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh, hoặc hai con ngựa (hoặc nai) giỡn chơi với nhau ngã chổng vó, …

Ngôi chùa cổ ở Thủ đô lưu giữ dấu ấn lịch sử đất kinh kỳ - Ảnh 5.

Chùa Bối Khê hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật khá nguyên vẹn.

Từ chùa Phật đến cung Thánh được bao bằng vòng tường xây tạo thành dạng kiến trúc nội (nhị) công ngoại quốc. Ngoài vòng tường chữ "quốc" còn có một số kiến trúc khác ở phía Nam và ao, giếng, vườn cây.

Hậu cung thờ Đức thánh Bối, với kiểu kiến trúc hai tầng tám mái, bằng gỗ, với nhiều mảng chạm tinh xảo, cầu kỳ mang họa tiết hoa sen, hoa cúc, rồng, mây…

Theo lãnh đạo xã Tam Hưng, Bối Khê là một ngôi chùa đẹp và độc đáo, các hiện vật phản ánh nhiều giá trị lịch sử, văn hoá thuần Việt. Hiện nay, xã Tam Hưng mong muốn đưa chùa Bối Khê trở thành điểm du lịch tâm linh và kiến trúc, mở rộng tiềm năng du lịch của địa phương.