Ký ức Hà Nội: Tổ phục vụ nước sôi ở phổ cổ một thời

Nguyễn Văn Ất Chủ nhật, ngày 18/06/2023 07:00 AM (GMT+7)
Thời ấy "tổ phục vụ" nước sôi phát triển mạnh lắm. Hầu như phố nào cũng có. Các điểm "phục vụ nước sôi" thường là đôi thước vỉa hè trống của một con phố hoặc khoảng nho nhỏ của cái sân chung trong một số nhà tập thể...
Bình luận 0

Hà Nội, các phố "Hàng" nơi 36 phố phường. Ai đã từng sống ở đấy và trải qua những năm tháng xã hội thăng trầm mới có thể thấu hiểu. Thoạt nhìn mặt ngoài phố buôn bán sầm uất, nhưng đi sâu vào bên trong tận mắt chứng kiến điều kiện sống, cảnh quan, môi trường vệ sinh của các hộ thì thật là … kinh hoàng. Nhất là ở thập kỷ 60-70-80 khi kinh tế xã hội vô cùng khó khăn.

Thời xa xôi mỗi số nhà một chủ thì không nói làm gì. Sau năm 1954, ở các phố cổ này mỗi số nhà chia cho hàng chục hộ gia đình với mấy chục con người, thậm chí có số nhà ngót trăm người. Nhà ở đây hầu hết là nhà ống sâu hun hút. Các gia đình được chia thì quây lại một gian; nhà được gian to, nhà được gian nhỏ, thậm chí có nhà chỉ được một gian nhỏ xíu nhỉnh hơn chiếc chiếu đôi.

Vì nhà diện tích nhỏ, không đủ chỗ nằm ngủ cho các thành viên trong gia đình, nhất là nhà lại có tới 3-4 thế hệ ở cùng nên phải làm thêm gác xép.

Ký ức Hà Nội: Tổ phục vụ nước sôi ở phổ cổ một thời - Ảnh 1.

Các điểm “phục vụ nước sôi” một thời ở Hà Nội. Ảnh minh họa, sưu tầm.

Có thể nhiều người trẻ tuổi bây giờ không tưởng tượng được "gác xép" là thế nào. Gác xép chính là gác lửng trong nhà được làm từ các thanh xà gỗ cắm vào tường, trên các thanh xà đó đặt các tấm ván lấy từ các thùng bao bì hoặc gỗ dán kiếm được từ đâu đó. Từ nền nhà tới đáy gác xép chỉ tầm 1,7 đến 1,8 mét, ai cao quá khổ rất dễ chạm đầu vào đáy các thanh xà.

Cửa lên gác xép là một lỗ chui lọt người. Nhà nào rộng một chút thì còn làm được cái cầu thang gỗ be bé bắc lên dựng đứng. Nhà nào hẹp, không để được cầu thang thì phải làm mấy thanh sắt uốn hình chữ "U" cắm vào tường để làm bậc leo lên! 

Để trẻ con trên gác xép không bị rơi xuống dưới, cái lỗ chui lên gác xép làm thêm miếng ván nhỏ nhỉnh hơn quyển vở học trò được chống lên, hạ xuống giống nắp cái bẫy chuột!

Gác xép nhiều nhà do trần thấp nên khi đã ở trên đó thì chỉ có ngồi hoặc nằm. Khối người do quên hoặc buổi sáng ngủ dậy mắt nhắm mắt mở, cứ tưởng mình đang ở dưới nhà, thản nhiên đứng lên thì …ôi thôi…! Ôm đầu và sờ lên đầu thấy có "quả ổi" to tướng!

Ở chật chội như thế thật khổ cho gia đình nào có mấy đôi vợ chồng anh em ruột ở chung. Đôi nằm gác xép, đôi nằm dưới sàn đã là hạnh phúc. Nhiều nhà không được như thế, cái gác xép chật chội bé tí ấy chứa 2 thậm chí 3 đôi vợ chồng trẻ. 

Khi màn đêm buông xuống, đến lúc phải nghỉ ngơi thì ranh giới giữa các cặp vợ chồng ấy chỉ là tấm ri - đô vải mỏng manh. Nhiều đôi vợ chồng trẻ đêm "yêu nhau" không dám thở mạnh… Ngày ấy lấy đâu ra "nhà nghỉ" hay khách sạn để các cặp vợ chồng trẻ có chỗ đi "sơ tán" để tạo điều kiện "chiều" nhau…

Có thể nói những năm ấy là "thời hoàng kim của gác xép"!

Những căn nhà lớn trước đây chỉ có một chủ, nay chia thành nhiều gian cho các hộ gia đình nên nhiều nhà không có tí ánh sáng mặt trời nào, suốt ngày phải thắp đèn. Thời điện đóm phập phù thập niên 60,70,80 thậm chí sang đầu những năm 90, ban ngày bị cắt điện thì nhiều nhà phải thắp ngọn đèn dầu. 

Ngồi trong nhà ban ngày mà tù mù cứ như đang ngồi trong cái am thờ! Và thật trớ trêu, những ngày giữa năm 2023 của thế kỷ XXI này việc cắt điện luân phiên tái diễn thì cảnh trên lại được tái hiện!

Ký ức Hà Nội: Tổ phục vụ nước sôi ở phổ cổ một thời - Ảnh 2.

Nhà tắm, nhà vệ sinh nơi phố cổ. Ảnh: N.V.A.

Chỗ nằm đã vậy, lối để vào nhà trong vô cùng bất tiện bởi phải đi qua nhà ngoài. Lối đi ngăn ra chỉ rộng chừng 70 phân. Thời chỉ có xe đạp còn dễ dắt ra dắt vào. Nhưng đến thời xe máy thì quả là gian nan: Muốn dắt xe máy ra, vào chỉ có mỗi cách là ngồi lên yên xe rồi dùng chân "bơi"! 

Đấy là xe máy cỡ nhỏ và cỡ "trung" kiểu xe Honda có "yếm", còn anh chị nào có xe tay "côn", ghi-đông xe máy vểnh như sừng trâu thì chỉ có "nước" đi gửi xe ngoài bãi! Ấy là còn may có chỗ để mà ngăn ra lối đi riêng. 

Nhiều số nhà do diện tích nhỏ hẹp, ngăn lối đi riêng thì hết nhà, nên các hộ bên trong cứ "nghễu nghện" vào ra phải đi qua nhà ngoài, bất kể nhà bên ngoài lúc ấy mọi người đang ăn cơm, tiếp khách hay đang nằm nghỉ! 

Chỗ ở là vậy còn chỗ nấu nướng ăn uống cũng không kém phần gian nan!

Sống trong điều kiện chật chội ấy thì gầm giường là "tổng kho": thùng gạo, can dầu hỏa để đun hay thậm chí bó củi dự trữ… cũng nằm dưới đó.

Đun nấu thì mỗi nhà có cái bếp dầu hay bếp mùn cưa "chạy" lưu động, tiện chỗ nào đặt đun chỗ đó! Mà ngày ấy quà bánh hay cơm hàng lấy đâu ra. Muốn có cái ăn thì phải ngày đỏ lửa bếp 2- 3 lần, không thì nhịn đói! Mỗi khi đun nấu xong, tắt bếp dầu mùi khét nồng nặc "tra tấn" cả xóm! Sống trong khung cảnh như thế, nhà ai ăn gì, uống gì… chẳng giấu nhau được!

Chỗ nấu nướng chật chội, cái đun khó khăn, đến đun ấm nước sôi pha trà tiếp khách cũng không hề đơn giản! Nên khi nhà có khách thì chủ nhà đành chịu khó xách cái phích ra chỗ tổ phục vụ ở đầu phố làm 5 xu, 1 hào nước sôi.

Thời ấy "tổ phục vụ" nước sôi phát triển mạnh lắm. Hầu như phố nào cũng có. Các điểm "phục vụ nước sôi" thường là đôi thước vỉa hè trống của một con phố hoặc khoảng nho nhỏ của cái sân chung trong một số nhà tập thể. 

Nó được quây bằng mấy cái cọc tre và phủ dăm tấm giấy dầu. "Trang thiết bị" của tổ phục vụ nước sôi này là mấy cái thùng phuy, cái gáo tôn, bếp lò than tự đắp với mấy nắm than bùn hoặc rổ than quả bàng! 

Thời ấy chưa có than tổ ong. "Cán bộ kiêm nhân viên" của các tổ phục vụ nước sôi này là mấy ông bà già lớn tuổi sống ngay trong khu phố ấy.

Ký ức Hà Nội: Tổ phục vụ nước sôi ở phổ cổ một thời - Ảnh 4.

Hun hút ngõ hẻm nơi phố cổ. Ảnh: N.V.A.

Các tổ phục vụ nước sôi này đắt hàng lắm. Đặc biệt nhiều khi "cháy hàng" vì đun không kịp. Nhất là những ngày mùa đông, nhiều người cố mua cho được phích nước để về pha ra tắm hoặc những ngày áp Tết hàng dài người xếp hàng cố chờ mua nước sôi về để "chế" thêm vào nồi bánh chưng đang luộc…

Cái ăn, chỗ ở đã vất vả, cái chỗ để giải quyết ‘đầu ra" giờ nghĩ lại vẫn thấy kinh hoàng và không khỏi rùng mình!

Mấy chục con người của cả chục gia đình trong mỗi số nhà ấy chỉ có một nhà vệ sinh duy nhất kiểu "hai ngăn", cửa giả sập sệ, hỏng hay gẫy cũng chẳng ai thay, ai chữa vì "cha chung không ai khóc", nên nó đã trở thành nhà "mất vệ sinh" đúng nghĩa! 

Mỗi lần cần vào "chỗ ấy" để "giải quyết" thì cách từ mấy bước trước đó phải "dặng hắng" đánh tiếng để xem có tiếng "dặng hắng" hay tiếng nói "có người" ở trong vọng ra hay không! Không thấy thì mới dám chui vào.

Nhà "vệ sinh" kiểu ấy mỗi khi để lâu không có người đến lấy phân, các hố bị quá tải, phân trào ra như giống như dòng "nham thạch" nhỏ đùn ra từ khe núi lửa mi- ni!

Chuyện tắm rửa cũng gian truân chẳng kém. Nhà tắm của các hộ nơi phố cổ hầu hết là gầm cầu thang ngoài trời của chung cả số nhà. Số nhà nào cầu thang chung vững chãi rộng rãi còn đỡ, số nhà nào cả nhà lẫn cầu thang xuống cấp ọp ẹp thì thật khổ. 

Trong những năm chiến tranh Hoa Kỳ ném bom Hà Nội cuối thập niên 60 đầu thập niên 70, các gầm cầu thang này kiêm thêm chức năng hầm trú ẩn mỗi khi có còi báo động của thành phố rú lên. 

Hết chiến tranh, gầm cầu thang chỉ còn chức năng làm nhà tắm của cả số nhà. Ai tắm thì tự hứng nước từ cái vòi nước chung chảy ri rỉ bên ngoài, xách xô vào. Cửa giả xộc xệch, đèn đóm không có, chuột bọ làm ổ, gián bay vù vù… Cái nhà tắm ấy chủ yếu chỉ "phục vụ" cho đàn bà, con gái, còn đàn ông và trẻ con thì tắm ở ngoài sân. Trời rét hay nóng cũng chỉ có thế!

Tình trạng này kéo dài tới đầu những năm 2000 và đến nay vẫn còn không ít.…

"Phục vụ nước sôi" cùng nơi ăn, chỗ ở một thời là như thế…

Chẳng bao giờ quên…

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem