DNA của vi khuẩn Yersinia pestis vừa được tìm thấy trên răng của 2 thanh thiếu niên và một phụ nữ được chôn cất khoảng 3.800 trước ở hạt Somerset và hạt Cumbria ở Anh.
Điều gây sốc chính là cái tên Yersinia pestis - vi khuẩn gây bệnh dịch hạch đã gây ra đại dịch liên tiếp suốt 500 năm kể từ thế kỷ XIV, tàn phá châu Âu và Trung Đông.
Chưa rõ cái chết của những người cổ đại này có liên quan đến vi khuẩn dịch hạch hay không, nhưng điều này cho thấy mầm bệnh này có nguồn gốc cổ xưa hơn mọi người từng nghĩ. Ngoài ra, nó còn cung cấp những hiểu biết cực kỳ quan trọng cho nền y học hiện đại về cách một mầm bệnh có thể tiến hóa.
Chủng Yersinia pestis từ DNA 3 người 3.800 tuổi này không phải chủng Yersinia pestis cận đại, cho thấy vi khuẩn này đã đột biến gien để trở lại với nhân loại trong một phiên bản có độc lực và khả năng phát tán khủng khiếp hơn, đủ tạo ra đại dịch.
"Những bộ gien này có thể cho chúng tôi biết về sự lây lan và những thay đổi tiến hóa của mầm bệnh trong quá khứ. Hy vọng nó sẽ giúp chúng tôi hiểu được gien nào có thể quan trọng trong sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm" - nhà gien học Pooja Swali từ Viện Francis Crick (Anh) cho biết.
Chủng Yersinia pestis cổ đại cho thấy vi khuẩn này đã mất bớt gien theo thời gian, điều từng ghi nhận đối với các bệnh dịch có tính chất "tái xuất" khác. Chúng gây ra dịch hạch thể phổi, lây lan qua giọt bắn đường hô hấp từ người sang người và thiếu đi những yếu tố di truyền cần thiết để lây thông qua vật chủ trung gian là bọ chét như dịch hạch thời cận đại.
Trước đó một số dấu hiệu không rõ ràng bằng của vi khuẩn này đã từng được tìm thấy ở phần châu Âu lục địa, có niên đại gần 5.000 năm.
Phát hiện ở Anh cho thấy mầm bệnh cũ đã có khả năng lây lan xa, truyền từ lục địa sang quần đảo Anh từ rất sớm, dù chưa rõ con đường và độc lực của loại vi khuẩn cũ khác với loại mới hơn như thế nào.
Các nhà nghiên cứu cũng kỳ vọng sẽ tìm hiểu cách bộ gien của con người phản ứng với những căn bệnh "trở về từ quá khứ" như vậy như thế nào, một điều cần thiết trong nỗ lực toàn cầu nhằm chuẩn bị ứng phó với các mầm bệnh tương lai mà chính Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang thúc đẩy.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.