Kinh hoàng trận đại dịch hạch Bắc Kinh khiến nhà Minh sụp đổ

Thiên Cầm Thứ bảy, ngày 11/03/2023 20:30 PM (GMT+7)
Cuốn “Sùng Trinh thực lục” ghi lại rằng: “Năm thứ 16 (năm 1643) Bắc Kinh xảy ra đại dịch, hàng vạn người chết". Tỷ lệ tử vong của nhân khẩu tại Bắc Kinh là khoảng 40% trở lên. Tình hình dịch bệnh ở vùng ngoại ô Bắc Kinh cũng rất nghiêm trọng...
Bình luận 0

Bệnh dịch không chỉ quyết định số phận của một cá nhân, mà đôi khi còn quyết định vận mệnh của cả một triều đại. Xuyên suốt lịch sử nhân loại ở cả phương Đông và phương Tây, những trận đại dịch đều cho thấy sức tàn phá khủng khiếp. Năm 2013, bộ phim “Đại Minh Kiếp” được công chiếu tại Trung Quốc. Bộ phim kể về trận đại ôn dịch cuối thời nhà Minh, trong đó thần y Ngô Hựu Khả (một nhân vật có thật trong lịch sử với trước tác “Ôn Dịch Luận”) đã chữa lành ôn dịch tại bất cứ nơi nào ông đi qua với câu chân ngôn của Đạo giáo và bài thuốc Đạt Nguyên Ẩm. Tuy nhiên, phạm vi chữa trị của ông rất hạn chế, sự lây lan nhanh chóng của đại dịch hạch đã không thể được ngăn chặn, nhất là tại Bắc Kinh. Lần đại dịch này cuối cùng đã lắng xuống và biến mất, sau khi trực tiếp kéo theo sự sụp đổ của nhà Minh.

Bắc Kinh, thủ đô của vài triều đại Trung Quốc, có một vị thế chính trị, kinh tế và văn hóa không thể thay thế. Hơn 370 năm về trước, vào những năm cuối cùng của nhà Minh, tại Bắc Kinh đã xảy ra một trận đại dịch, nó không chỉ thảm khốc mà theo các tư liệu lịch sử còn vô cùng kỳ lạ. Nó cũng liên quan tới cuộc đánh chiếm Bắc Kinh của Lý Tự Thành, cuộc xâm chiếm Đại Minh của triều Mãn Thanh và việc hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh treo cổ tại Cảnh Sơn.

Cuộc nổi loạn thuận lợi “vượt mọi dự liệu”

Vào ngày mồng 1 năm Sùng Trinh thứ 17 (Ngày 8/2/1644), Lý Tự Thành đã thiết lập đội quân Đại Thuận tại Tây Kinh (nay là Tây An). Đa Nhĩ Cổn, người nắm quyền lực trong triều đại Mãn Thanh, đã viết thư cho Lý Tự Thành nhân danh Hoàng đế Thuận Trị (7 tuổi) và đề nghị ông cùng nhau đoạt lấy Trung Nguyên. Bởi tuyến phòng thủ của thành Đại Minh rất mạnh, đặc biệt là ở Bắc Kinh, nên thực sự không dễ tiến công. Cả Hoàng Thái Cực và Đa Nhĩ Cổn đều từng phải dừng bước dưới chân tường thành kiên cố. Lý Tự Thành đã bỏ qua đề nghị chia cắt trung nguyên của nhà Mãn Thanh.

Ngày 10/3, Lý Tự Thành đích thân chỉ huy một đội kỵ binh và bộ binh 500.000 người hành quân về phía đông, vượt sông Hoàng Hà từ Ngu Môn đến Sơn Tây. Kể từ đó, quân Đại Thuận tốc chiến tốc thắng, nhiều nơi chỉ nghe thanh thế đã xin hàng. Sau khi chiếm toàn bộ lãnh thổ Sơn Tây vào cuối tháng 3, những người lính đã chiếm được Chân Định và Bảo Định của Hà Bắc. Ngày 23/4, những người lính đã tiến đến ngoại thành Bắc Kinh (bên ngoài Tây Trực Môn). Cùng ngày, đội quân bảo vệ doanh trại nhà Minh đã bại trận và đầu hàng. Vào ban đêm, hoạn quan đã mở cổng Chương Môn ngoại thành xin hàng. Vào ngày 25, nội thành đã sụp đổ và hoàng đế Sùng Trinh không chạy trốn mà treo cổ tự tử ở Cảnh Sơn.

Cuộc tiến quân về phía đông giành lấy thiên hạ diễn ra thuận lợi, vượt quá dự liệu của mọi người, đặc biệt là Đa Nhĩ Cổn. Sau đó, đại quân Đại Thuận nổi tiếng đã tra khảo các quan viên ở Bắc Kinh, truy tìm quân lương. Tướng sĩ của phiến quân hoành hành ngang ngược, dâm loạn vô độ, những người bị ép quy hàng chuẩn bị quy thuận tướng Ngô Tam Quế tại Sơn Hải Quan. Lý Tự Thành tiến quân về phía đông đến Sơn Hải Quan, Ngô Tam Quế thỉnh cầu người Mãn Thanh, quân Đại Thuận bị quân Thanh công phá, chạy trốn tán loạn. Chỉ 39 ngày sau khi Lý Tự Thành tiêu diệt Đại Minh, giang sơn lại đổi chủ.

Kinh hoàng trận đại dịch hạch Bắc Kinh khiến nhà Minh sụp đổ - Ảnh 2.

Kỵ binh Bát Kỳ của nhà Thanh, tiền thân là Bát Kỳ Đại Kim. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Đại dịch dịch hạch hoành hành

Lý Tự Thành có thể diệt nhà Minh thuận lợi như thế, nhưng trước quân Mãn Thanh thì lại không chịu nổi. Trong khi đó, cần nhắc lại rằng quân Mãn Thanh đã nhiều lần phải dừng bước lui về trước khả năng phòng thủ của quân Minh. Đây quả là một điều kỳ lạ.

Phiến quân của Lý Tự Thành không có một khởi đầu thuận lợi. Đội quan này đã bị tiêu diệt ba lần, và ba lần lại ngoan cường nổi dậy, bắt đầu từ năm Sùng Trinh thứ 14 (năm 1641), thời vận mới biến chuyển. Năm 1642, Lý Tự Thành xưng bá ở Hà Nam. Năm 1643, Lý Tự Thành tiêu diệt đại quân của Tôn Truyền Đình, lực lượng chính của nhà Minh ở Đồng Quan. Năm 1644, phiến quân tiến về phía đông quét sạch Sơn Tây và Hà Bắc, dễ dàng chiếm được Bắc Kinh.

Vì sao đột nhiên mọi chuyện lại trở nên thuận lợi như vậy? Đối chiếu với một dữ liệu lịch sử khác có thể thấy rằng: Dịch bệnh đã khiến điều đó xảy ra.

Năm 1641, ôn dịch đã khởi phát và bắt đầu hoành hành nghiêm trọng. Khu vực lây lan của đại dịch tương đương với Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc, Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải, Sơn Đông, Hà Nam và An Huy. Một số nơi, mười hộ gia đình, thì chết chín. Một ngõ hơn trăm gia đình không còn sót lấy một nhà, một nhà 10 người, cũng không ai sống sót, liên tục hoành hành đến năm 1644.

Sự kiện lịch sử này cũng được thể hiện trong bộ phim “Đại Minh Kiếp”. Nếu không nhờ thần y Ngô Hựu Khả, thì đội quân của Tôn Truyền Đình đã hoàn toàn mất đi sức phản kháng. Nhưng Ngô Hựu Khả không hề đến Bắc Kinh, mà tình hình đại dịch ở Bắc Kinh mới là tồi tệ nhất. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh tiêu điều xơ xác, không có bóng trẻ em chơi đùa trên phố. Đến tháng 4/1644, khi Lý Tự Thành bao vây Bắc Kinh, Bắc Kinh về cơ bản đã bị đại dịch quét sạch, không còn sức phản kháng.

Trận đại dịch năm đó là dịch hạch. Từ triệu chứng mà xét, thì nó là một “bệnh dịch hạch hỗn hợp” giữa nhiều loại dịch hạch như dịch hạch viêm phổi, dịch hạch nhiễm trùng máu… Sức truyền nhiễm, cấp độ nguy hiểm của nó trong điều kiện y tế thời đó có thể còn cao hơn cả dịch viêm phổi Vũ Hán trong điều kiện y tế thời nay.

Cuốn “Sùng Trinh thực lục” ghi lại rằng: “Năm thứ 16 (năm 1643) Bắc Kinh xảy ra đại dịch, hàng vạn người chết". Tỷ lệ tử vong của nhân khẩu tại Bắc Kinh là khoảng 40% trở lên. Tình hình dịch bệnh ở vùng ngoại ô Bắc Kinh cũng rất nghiêm trọng. Tại Thông Châu, “Đại dịch tháng 7 mùa hè, được gọi là bệnh ung nhọt, truyền nhiễm từ nhà này sang nhà khác, thông thường cả gia đình đều chết mà không có người nhận thi thể”.

Trong cuốn “Minh quý bắc lược” chép rằng:

“Tào Lương Trực, đại quan Binh Khoa Cấp Sự Trung (chức danh) thời nhà Minh có khách tới nhà, và ông đang ngồi đối diện với khách uống trà, vừa cầm tách trà lên, cúi xuống mời khách uống trà, còn chưa ngồi dậy thì đã chết ngay tại chỗ. Lương Hy Lai thuộc Bộ Binh vội vàng trở về nhà sau khi từ biệt khách, vừa bước vào nhà thì đã chết. Võ tướng Tiền Tấn Minh, đang nói chuyện với khách, chưa dứt lời thì chết ngay lập tức. Một lúc sau, vợ và người hầu của ông liên tiếp lăn ra chết, tổng cộng 15 người”.

“Lại có hai người nữa cưỡi ngựa, một người đi trước một người đi sau, vừa đi vừa trò chuyện. Người phía sau hỏi một câu, người phía trước không nói gì nữa, đến gần nhìn, mới phát hiện ra người phía trước đã chết, thi thể vẫn ngồi trên lưng ngựa, cây roi đang giơ trong tay tự động rủ xuống”.

“Còn có một gia đình giàu sang, cả nhà bị nhiễm dịch hạch, chết sạch không còn một ai. Hai tên trộm thừa cơ lấy cắp đồ, một tên trộm vào phòng để đóng gói đồ đạc, một tên khác nằm trên mái hiên, cúi xuống đỡ túi đồ. Hai người phân công nhau cùng hợp tác, đồ đạc đã được chất đống trên mái hiên, bên dưới vẫn còn rất nhiều đồ. Kẻ trộm dưới nhà lại nâng một túi đồ lên, kẻ trộm trên mái nhà đỡ lên. Hai người đột nhiên đều chết cứng, túi đồ trong tay ai nấy đều chưa kịp tiếp đất"...

Khi quân của Lý Tự Thành vào đến Bắc Kinh, quân Bắc Kinh đã chết quá nhiều vì đại dịch hạch. 154.000 lỗ châu mai trong và ngoài Bắc Kinh chỉ được bảo vệ bởi 50.000 binh sĩ. Những người lính may mắn sống sót trong đại dịch, “quần áo rách nát, như những người ăn xin”, hoàn toàn mất đi sức phòng thủ.

Bệnh dịch hạch là do vi khuẩn gây ra, không chỉ lây qua bọ chét trên chuột. Những sự thực lịch sử ở trên và các lý thuyết khoa học ngày nay đã xác nhận rằng dịch hạch truyền nhiễm qua người. Bệnh truyền nhiễm nhanh và dữ dội, vi khuẩn lây lan qua hơi thở và tiếp xúc. Vậy, tại sao ở thành phố Bắc Kinh, nơi đại dịch hạch hoành hành ngang ngược, phiến quân của Lý Tự Thành lại không bị nhiễm dịch hạch ác tính này. Sau 31 ngày (thời gian ủ bệnh của dịch hạch thể huyết từ 2-8 ngày, và thời gian ủ bệnh của dịch hạch thể phổi từ 3-5 ngày, nhưng đôi khi dịch hạch chỉ cần vài giờ, 31 ngày là vượt quá xa thời gian ủ bệnh của dịch hạch) vẫn đánh nhau ác liệt với quân của Ngô Tam Quế tại Sơn Hải Quan?

Nó cho chúng ta thấy một sự thật sâu sắc rằng: Dịch hạch lúc bấy giờ không lây nhiễm cho phiến quân của Lý Tự Thành. Những “giả thuyết” nói rằng quân đội của Lý Tự Thành đã nhanh chóng bị quân Thanh đánh bại vì dịch bệnh chỉ là những suy đoán vô căn cứ. Những ghi chép lịch sử ghi lại rằng: Quân đội của Lý Tự Thành đã đánh rất ngoan cường vào thời điểm đó, sức phản kháng vô cùng mạnh mẽ. Họ đã chống lại đội quân kỵ binh dũng mãnh của Ngô Tam Quế tại Sơn Hải Quan. Nếu không phải hướng gió thay đổi đột ngột, đại quân Mãn Thanh thừa cơ tấn công, thì đội kỵ binh dũng mãnh đã bị Lý Tự Thành tiêu diệt toàn bộ. Vào thời điểm đó, một số đội quân của Ngô Tam Quế dẫu liều chết cũng không thể chống cự, một số đã đầu hàng.

Các tài liệu lịch sử của nhà Thanh cho biết: Tàn quân của Lý Tự Thành đi đến đâu, sẽ mang theo ôn dịch đến đó, đây cũng chỉ là một hiện tượng bề mặt. Sự thực là quân đội nhà Thanh truy đuổi tới đâu, sẽ phát hiện nơi đó dịch bệnh vẫn còn lưu lại tàn dư. Trên thực tế, dịch hạch sớm đã lan rộng ở những nơi đó và nó không được mang đến bởi những người lính bại trận. Nếu nó thực sự được mang đến bởi những người lính bại trận, thì sẽ không có chuyện quân Lý Tự Thành đại chiến ở Sơn Hải Quan, cũng không có chuyện quân Thanh sẽ thoát khỏi đại dịch do tiếp xúc với quân của Lý Tự Thành.

Liệu có khả năng quân đội của Lý Tự Thành “miễn dịch cộng đồng”?

Khoa học hiện đại có ba kết luận về bệnh dịch hạch:

Kết luận 1: Ngày nay, nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, tỷ lệ tử vong của bệnh dịch hạch thể huyết là khoảng 75% và tỷ lệ tử vong của bệnh dịch hạch thể phổi là 100%. Trước khi con người tìm ra thuốc kháng sinh, thì không có loại thuốc đặc hiệu nào và con người phải đối mặt với tỷ lệ tử vong như vậy. Kết luận thứ 2: Cơ thể con người không có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với vi khuẩn hình que của bệnh dịch hạch và rất dễ lây nhiễm, đều dễ bị lây nhiễm. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm bệnh. Kết luận thứ 3: Những người đã nhiễm dịch hạch có thể có được khả năng miễn dịch lâu dài và hiếm khi bị tái nhiễm.

Các triệu chứng của đại dịch hạch cuối thời nhà Minh cho thấy đó là một bệnh dịch hạch hỗn hợp. Không một ai có sức đề kháng và rất ít người sống sót sau khi nhiễm bệnh. Dịch bệnh bắt đầu ở Sơn Tây vào năm Sùng Trinh thứ 6 (năm 1633), và sau đó lan ra cả nước. Dịch bệnh bùng phát liên tục, từng đợt một, không hình thành “miễn dịch nhóm”, những người may mắn sống sót cũng không thể ngăn dịch bệnh bùng phát trở lại.

Vậy quân Thanh thì sao? Họ cũng không cách ly bệnh nhân, không đeo khẩu trang, không rửa tay thường xuyên, không cách ly xã hội với người dân… Và họ cũng không mắc bệnh.

Để giải thích hiện tượng kỳ lạ rằng quân Thanh không bị nhiễm dịch hạch, một số học giả đã đưa ra “Thuyết chiến mã kháng dịch”, nói rằng quân Thanh chủ yếu là kỵ binh, và mùi trên cơ thể ngựa chiến có thể xua đuổi bọ chét, vì vậy quân Thanh không mắc dịch hạch. Tuy nhiên, lời giải thích này chỉ để giải thích mà thôi, không có được chỗ đứng vững chắc.

Quân Thanh cũng có bộ binh. Vì sao bộ binh không nhiễm bệnh? Quân đội nhà Minh cũng có kỵ binh, vậy tại sao sức chiến đấu của họ suy giảm mạnh bởi dịch bệnh? 500.000 quân Đại Thuận của Lý Tự Thành tiến công về phía Đông chủ yếu là bộ binh. Tại sao họ không nhiễm bệnh?

Hơn nữa, như đã đề cập trước đó, sự lây lan của bệnh dịch hạch không chỉ phụ thuộc vào bọ chét trên chuột. Khi gặp gỡ nói chuyện (lây nhiễm qua giọt bắn), chạm vào vết thương, đồ vật, hàng hóa, tài sản, v.v., vi khuẩn vẫn truyền từ người sang người. Hơn nữa, từ tình trạng bi thảm của dịch bệnh được ghi lại trong các tài liệu lịch sử ở trên, bệnh dịch hạch lúc đó không phải chỉ đang lây lan dịch bệnh, mà là lây lan sự chết chóc, hoàn toàn không cần đến bọ chét. Vậy nên, việc người dân, rồi quân đội nhà Minh ở Bắc Kinh chết la liệt vì bệnh dịch, trong khi quân Đại Thuận và Mãn Thanh không hề hấn gì đến nay vẫn là một ẩn số khó lý giải.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem