Đi lên từ gian khó
Về thăm lại huyện miền núi Tây Giang trong không khí hân hoan, hướng đến dịp kỷ niệm 20 năm tái lập huyện (6/8/2003-6/8/2023), chúng tôi thật không khỏi ngỡ ngàng và vui mừng vì sự đổi thay ngoạn mục của huyện nghèo trên non cao.
Huyện Tây Giang có tổng diện tích tự nhiên là 91.368,3ha, với 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 8 xã biên giới và 14 dân tộc đang sinh sống (dân tộc Cơ Tu chiếm trên 95%).
"Qua 20 năm xây dựng và phát triển, dù đời sống mọi mặt có khởi sắc nhưng so với mặt bằng chung toàn tỉnh và các địa phương lân cận thì Tây Giang vẫn là huyện nghèo, còn nhiều khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh để địa phương có thêm nguồn lực đầu tư về giao thông, y tế, trường học. Qua đây, chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đến với Tây Giang để hỗ trợ cho bà con nghèo xoá dần nhà tạm, tạo sinh kế nhằm từng bước thoát khỏi khó khăn, nâng cao đời sống…", ông Nguyễn Văn Lượm – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang.
Ông Nguyễn Văn Lượm – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: "Có thể nói buổi ban đầu tái lập huyện Tây Giang hầu như chưa có gì, cái có chủ yếu lúc bấy giờ là cái đói, cái nghèo và cái khó khăn mọi bề. Sau 20 năm tái lập, tuy vẫn còn là huyện nghèo nhưng so với ngày đầu thì huyện đã có những đổi thay rất lớn, ấn tượng nhất là trên các lĩnh vực điện - đường - trường - trạm".
Hiện nay, hầu hết các thôn đã sử dụng mạng lưới điện quốc gia; các tuyến đường đến xã, đến thôn đều được bê tông hoặc cứng hoá thay cho những con đường mòn dân sinh; đường giao thông đã thông suốt trên địa bàn, nối liền từ đường Hồ Chí Minh lên cửa khẩu; đường nội thị trung tâm hành chính được nâng cấp.
Con em địa phương được học tập dưới mái trường khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không còn quá vất vả khi mang con chữ đến với vùng cao. Hiện nay, toàn huyện có 23 trường học các cấp bậc, với 9 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II, 9 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất.
Chính quyền huyện Tây Giang luôn quan tâm chăm lo sức khoẻ nhân dân, tuyên truyền nâng cao nhận thức khám chữa bệnh theo phương pháp khoa học – hiện đại, xây dựng 10/10 trạm y tế cấp xã đạt chuẩn quốc gia, có đội ngũ nhân lực chuyên môn cao, Trung tâm y tế huyện có quy mô đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh trong nhân dân.
Theo ông Lượm, ngày mới tái lập, hầu hết các thôn, các điểm dân cư trên địa bàn huyện đều hoang sơ, hạ tầng gần như chưa được đầu tư, người dân đa số sống rãi rác bên sông, bên núi nên rất dễ bị tác động tiêu cực bởi thiên tai, bão lũ, sản xuất manh mún, chủ yếu tự cấp, tự túc.
Với quyết tâm "thay da, đổi thịt" miền quê nghèo khó, Tây Giang đã quy hoạch trên 370ha đất, sắp xếp tập trung gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng cơ bản, tạo điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá, nâng cao thu nhập, giúp cuộc sống người dân đổi thay rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần.
Phát triển kinh tế vườn – rừng – du lịch
Ông Lượm chia sẻ, Tây Giang là một huyện miền núi cao nên địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xuất phát điểm trong xây dựng nông thôn mới còn thấp, bình quân số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn ban đầu chỉ 2 tiêu chí/xã. Xây dựng nông thôn mới có sự chênh lệch lớn so với các huyện miền núi thấp và đồng bằng.
Khó khăn là vậy, nhưng bằng quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân. Thời gian qua, Tây Giang tập trung trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới và đã đạt được nhiều kết quả nhất định.
Đến nay, 63/63 thôn, với 115 điểm, hơn 370ha đất đã được quy hoạch, sắp xếp tập trung gắn với đầu tư đồng bộ về hạ tầng (đường giao thông nội vùng được bê tông hoá; có đủ nước, điện sinh hoạt, một số đã có điện chiếu sáng; sóng viễn thông cơ bản phủ khắp...); các vùng nguyên liệu, vườn cây ăn quả hình thành cho thu nhập ổn định; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Anông, xã Lăng, Atiêng.
Điểm sáng trong công cuộc phát triển kinh tế của huyện Tây Giang sau 20 năm tái lập là về nguồn thu ngân sách. Nếu như ngày đầu chia tách, huyện chỉ có vỏn vẹn 92 triệu đồng, thu ngân sách gần như bằng không, thì tổng ngân sách hiện nay là hơn 800 tỷ đồng, trong đó thu nội địa năm 2022 là 43,5 tỷ đồng (vượt 19,5 tỷ đồng so với chỉ tiêu tỉnh giao).
Nền kinh tế huyện nhà có bước phát triển đa dạng, thương mại – dịch vụ chuyển biến đáng kể, kinh tế nông nghiệp phát triển khá.
Tận dụng lợi thế về kinh tế vườn – rừng, địa phương triển khai xây dựng các mô hình kinh tế mới để nâng cao thu nhập cho người dân như: trồng rừng, trồng chuối, chăn nuôi bò, heo….
Đặc biệt, hiện nay toàn huyện Tây Giang có hơn 941ha trồng cây dược liệu (chủ yếu là đảng sâm, ba kích), với hơn 1.000 hộ tham gia, giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Tây Giang đã và đang kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có tâm huyết đến đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, khai thác tốt tiềm năng khí hậu – môi trường – tài nguyên rừng, sông suối và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
"Tây Giang có được như ngày hôm nay là nhờ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Trung ương và của tỉnh Quảng Nam, bên cạnh đó là sự nỗ lực, quyết tâm của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, Đảng viên và sự chung sức, đồng lòng của người dân Tây Giang trong hành trình xây dựng quê hương.
Thời gian tới, Tây Giang sẽ tiếp tục tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng, hoàn thiện các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như: chợ huyện; tuyến đường đi huyện Đông Giang; nâng cấp tuyến giao thông nội thị; trung tâm hội nghị, trụ sở UBND huyện; mở rộng công viên huyện; kè dọc sông A Vương; tuyến đường lên cửa khẩu phụ Tây Giang – Kạ Lừm...", ông Nguyễn Văn Lượm – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) cho hay.