Chiều 15/6, Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột (BUH) tiếp nhận bệnh nhân N.V.Đ (Nam, 67 tuổi, Krông Nô – Đắk Nông) trong tình trạng cấp cứu nhồi máu não giờ thứ 7.
Bệnh nhân đến trong tình trạng liệt và mất cảm giác hoàn toàn nửa người bên phải, nói khó, tri giác giảm.
Ekip Đột quỵ não của Bệnh viện gồm: ThS.BS. Nguyễn Văn Điền - Cố vấn chuyên môn và các bác sĩ can thiệp BUH đã nhanh chóng tiếp nhận người bệnh, đánh giá nhanh và ngay lập tức khởi động quy trình cấp cứu.
Các bác sĩ đã tiến hành chụp động mạch não, xác định vị trí tắc tại đoạn M1 động mạch não giữa bên trái. Bệnh nhân ngay sau đó được thực hiện kỹ thuật hút - kéo huyết khối tái thông mạch não qua da. Đây là trường hợp nhồi máu não đầu tiên được cứu sống bằng kỹ thuật hiện đại này, ngay tại khu vực Tây Nguyên.
Vợ của bệnh nhân N.V.Đ chia sẻ: "Trưa ngày 15/06/2023, chồng tôi đi đám cưới bạn, trong lúc đang ăn thì anh bỗng nhiên thấy nóng bừng người và bắt đầu nghiêng người về bên phải không gượng dậy được, miệng bắt đầu méo đi và liệt một bên người. Gia đình nhanh chóng đưa anh tới cơ sở y tế để cấp cứu. Nhận định các dấu hiệu của đột quỵ, các bác sĩ tư vấn cho gia đình nên chuyển lên tuyến trên tại TP Hồ Chí Minh để điều trị.
Rất may mắn gia đình tôi biết được thông tin tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột có các bác sĩ hoàn toàn đủ năng lực để điều trị tốt các trường hợp này. Sau khi nhập viện, rất nhanh chóng các bác sĩ đã cấp cứu cho chồng tôi. Sau 12 tiếng chồng tôi đã có thể nói và cử động tay chân được, tôi và gia đình rất mừng và thực sự cảm kích".
Theo thông tin từ ekip điều trị, bệnh nhân trước khi tới BUH đã được cấp cứu bằng phương pháp dùng tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch trong giờ "vàng" (giờ thứ 4). Tuy nhiên, sau đó, nhận thấy lâm sàng bệnh nhân không cải thiện, các bác sĩ đã quyết định chuyển viện để can thiệp mạch não.
Nhập viện tại BUH vào giờ thứ 7, các bác sĩ BUH đã phối hợp hội chẩn, tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá và nhận thấy vùng nhồi máu diện rất rộng, tổn thương huyết khối vẫn chưa biến mất, động mạch não giữa bên trái đoạn M1 vẫn còn trong tình trạng tắc nghẽn. Ngay lập tức bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành hút huyết khối qua da bằng dụng cụ React kết hợp sử dụng stent kéo huyết khối Solitaire X.
Toàn bộ quy trình chẩn đoán và cấp cứu bệnh nhân đều được thực hiện đúng theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa Kỳ/Hội Đột quỵ Hoa Kỳ (AHA/ASA) và Bộ Y Tế. Nhờ vậy bệnh nhân đã được điều trị kịp thời và nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Ngay sau khi thực hiện, cơ lực bệnh nhân ngay lập tức có dấu hiệu cải thiện và sau gần 24h, cơ lực đã hồi phục 4/5, hình ảnh CT đánh giá lại không thấy chuyển dạng xuất huyết.
ThS.BS. Thái Bình Dương – Phụ trách Khoa Nội Tim Mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột thông tin thêm: "Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian chính là não, chính là mạng sống của bệnh nhân. Đột quỵ thường có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào nên nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến những di chứng không thể phục hồi, tạo gánh nặng về kinh tế cho cả gia đình và xã hội. Vậy nên, người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin về các dấu hiệu đột quỵ và đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế có đủ năng lực xử trí. Nếu được cấp cứu trong khung giờ vàng, bệnh nhân sẽ có cơ hội phục hồi hoàn toàn ngay sau khi can thiệp".
Hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã tiếp nhận và đã điều trị hiệu quả cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. Đồng thời sự phối hợp giữa các khoa chuyên môn và đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đã giúp quá trình cấp cứu bệnh nhân được diễn ra nhanh chóng, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Theo khuyến cáo, một số dấu hiệu nhận biết nguy cơ bị đột quỵ theo dấu hiệu F.A.S.T như sau: