Dân Việt

Chuyển đổi số Đà Nẵng: Xác định những "điểm nghẽn" để không bị tụt hậu

Diệu Bình 19/06/2023 17:15 GMT+7
Là địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số, Đà Nẵng xác định những "điểm nghẽn" để không bị tụt hậu.

Địa phương đi đầu

Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 về truyền khai Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó xác định chuyển đổi số là "động lực" trong phát triển thành phố, là "chìa khoá" quan trọng để triển khai và thực hiện mục tiêu của ghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị.

Đà Nẵng thực hiện cách tiếp cận chuyển đổi số triển khai theo 3 trục: hạ tầng - dữ liệu - thông minh; trong đó hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng, nền móng; ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.

Cụ thể, chuyển đổi số là chuyển đổi hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tạo không gian phát triển mới; cuối cùng là giúp cuộc sống, làm việc của người dân được thuận lợi, chất lượng hơn.

Chuyển đổi số Đà Nẵng: Xác định những "điểm nghẽn" để không bị tụt hậu - Ảnh 1.

Bộ phận một cửa tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Ảnh: D.B

Thời gian qua, công cuộc chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đã diễn ra mạnh mẽ, toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân thành phố đã chủ động, tích cực tham gia triển khai và đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của thành phố đã được chú trọng đầu tư khá đồng bộ; đã hình thành một số cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành, triển khai cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước; phát triển các nền tảng số dùng chung và các ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, chuyển đổi số đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố. Năm 2022, Kinh tế số đóng góp đáng kể trong cơ cấu GRDP thành phố với tỷ lệ 17,5%. Xã hội số từng bước hình thành và phát triển, dần tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân.

Chuyển đổi số Đà Nẵng: Xác định những "điểm nghẽn" để không bị tụt hậu - Ảnh 2.

Người dân thực hiện thủ tục giao dịch hành chính trực tuyến. Ảnh: D.B

Thành phố Đà Nẵng đã được nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; đặc biệt là hai năm liên tiếp (2020 và 2021) xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Minh chứng, Đà Nẵng 2 năm liên tiếp xếp hạng nhất Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); 3 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc"; 3 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam"…

Thách thức chuyển đổi số

Năm 2023, Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số giao nhiệm vụ trọng tâm cho thành phố Đà Nẵng Tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình trong năm 2023.

Thực hiện chủ trương trên và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Thành ủy về chuyển đổi số; hướng đến thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ vào năm 2025, Đà Nẵng đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số năm 2023 là "Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới" và đã ban hành Kế hoạch hành động Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2023 với 40 chỉ tiêu và 35 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai.

Tuy nhiên, so với mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra, công tác triển khai chuyển đổi số tại thành phố còn gặp nhiều rào cản, vướng mắc liên quan đến chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực...

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục chuyển đổi số Quốc gia (Bộ TT&TT) cho hay, nhiệm vụ của Đà Nẵng năm 2023 là Tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình. Do đó, Đà Nẵng cần thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột ở tất cả các quận huyện, phường xã trên địa bàn là: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.

Theo ông Tiến, Đà Nẵng cần triển khai để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp dữ liệu thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

"Doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất kinh doanh. Cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ máy sinh ra theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp", ông Tiến nói.

Chuyển đổi số Đà Nẵng: Xác định những "điểm nghẽn" để không bị tụt hậu - Ảnh 3.

Người dân thực hiện thủ tục giao dịch hành chính trực tuyến. Ảnh: D.B

TS Nguyễn Nhật Quang – Phó Chủ tịch hiệp hội phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam nhận định, để chuyển đổi số thành công thì Đà Nẵng không được cát cứ, độc quyền dữ liệu.

Ông Quang cho rằng, chuyển đổi số thông minh nằm ở nguyên tắc chia sẻ dùng chung dữ dữ liệu. Vì thế Sở TT&TT hay các sở khác khi làm dữ liệu cần nghĩ đến quận huyện, xã phường, không nên có sự độc quyền trong dữ liệu.

TS Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng, dữ liệu số là phần quan trọng nhất của trong chuyển đổi số, không có dữ liệu thì mọi nền tảng công nghệ, ứng dụng tạo ra rất khó thực hiện. Dữ liệu càng hiểu quả chính xác thì hiệu quả chuyển đổi số càng cao.

Ông Quân góp ý, thời gian đến Đà Nẵng nên bổ sung thêm cơ sở dữ liệu về các tổ chức khoa học công nghệ, tích hợp. Cần xây dựng sản phẩm chủ lực về công nghiệp công nghệ thông tin. Ngoài phần mềm còn có phần cứng, hệ thống điều khiển số, thiết bị số. Kêu gọi doanh nghiệp và các cơ quan khoa học công nghệ cùng triển khai thực hiện…

Chuyển đổi số Đà Nẵng: Xác định những "điểm nghẽn" để không bị tụt hậu - Ảnh 4.

Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số giao nhiệm vụ trọng tâm cho thành phố Đà Nẵng Tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình trong năm 2023. Ảnh: D.B

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thành phố xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng, càng chia sẻ, khai thác dùng chung thì càng tạo ra giá trị, đưa dữ liệu trở thành thành phần cốt lõi trong mọi hoạt động chỉ đạo, điều hành và ra quyết định của mỗi cơ quan, đơn vị.

Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ. Phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn; không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin nếu thông tin đó đã có trong các cơ sở dữ liệu quốc gia và thành phố.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, mang tính chất toàn cầu, toàn dân và toàn xã hội. Nếu không chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu và Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu thế đó.