Dân Việt

Nghệ An: Dẫn đầu cả nước trong kết nối việc làm thành công cho lao động

Minh Nguyệt 20/06/2023 05:30 GMT+7
Nghệ An là tỉnh dẫn đầu cả nước trong thực hiện hoạt động kết nối việc làm thành công cho lao động, nhất là lao động nghèo. Đây là một trong những nội dung trong Tiểu dự án 4.3 về “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Kết nối hỗ trợ việc làm thành công cho hàng nghìn lao động

Vừa qua, trong báo cáo giữa kỳ gửi Cục việc làm về tình hình triển khai thực hiện Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững”,  thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An đã có những đánh giá cụ thể về việc thực hiện nội dung này.

Để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và các nội dung thuộc tiểu dự án 4.3, tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện; UBND cấp xã quyết định thành lập Ban quản lý cấp xã do Chủ tịch  UBND xã làm trưởng ban để triển khai. UBND tỉnh ban hành 17 Quyết định, 5 Kế hoạch và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

tư vấn giới thiệu việc làm thành công

Các lao động ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) được tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: TTCC

Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương thực hiện nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Phát hành các tài liệu về công tác giảm nghèo cho cán bộ cấp huyện, cấp xã để có căn cứ triển khai thực hiện Chương trình; Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình địa phương đã tổ chức tuyên truyền, truyền tải thông tin về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững của nhà nước.

Ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐTBXH) tỉnh Nghệ An cho biết năm 2022, toàn tỉnh được giao hơn 5,5 tỷ đồng để thực hiện tiểu dự án 4.3, tuy nhiên tỉnh chỉ giải ngân được hơn 3,5 tỷ đồng (đạt 64,58%). Số vốn còn lại được chuyển sang năm 2023 và đang tiếp tục thực hiện.

Ông Trần Hữu Thượng – Phó giám đốc trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, đơn vị chính thực hiện các nội dung thuộc Tiểu dự án 4.3, “Hỗ trợ việc làm bền vững” cho biết hiện nay trung tâm đang triển khai khá nhiều nội dung. Trong đó, nội dung tổ chức phiên giao dịch việc làm, kết nối việc làm thành công được làm tốt nhất trong cả nước.

Năm 2022, tỉnh thực hiện hỗ trợ cập nhật thông tin việc làm cho 216.312 người, tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm (trong tổng 81 phiên) với 3.700 lao động được tư vấn giới thiệu việc làm, có 1.690 người lao động được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Ngoài nội dung trên, tỉnh cũng đang triển khai tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 830 thực hiện giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025; UBND tỉnh thực hiện báo cáo chuyên đề về tình hình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 báo cáo HĐND tỉnh kỳ họp cuối năm 2022; Tháng 3 năm 2023, Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành V đã thực hiện kiểm toán Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 từ khi triển khai chương trình đến hết năm 2022 tại tỉnh Nghệ An. Nhìn chung, kết quả các cuộc kiểm tra, giám sát, kiểm toán đánh giá tốt, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh kịp thời, đầy đủ, đúng quy định.

Mới đây, trung tâm đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm ở huyện nghèo Kỳ Sơn và huyện Thanh Chương. Đây là một trong 32 phiên giao dịch việc làm được tổ chức từ đầu năm tới nay. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức 2 ngày hội việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trong đó có lao động nghèo. Thông qua các phiên giao dịch việc làm tỉnh cũng kết nối giới thiệu việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó có hàng nghìn người được giới thiệu, kết nối việc làm thành công.

“Khó khăn khi triển khai nội dung này là các doanh nghiệp sau khi được giới thiệu xong họ ít báo cáo lại với trung tâm về việc kết nối việc làm thành công. Nếu muốn xác định, thành công hay không phải chờ hồ sơ chứng từ, hợp đồng lao động... của doanh nghiệp hoặc lao động gửi về. Có giấy tờ này mới có thể thanh quyết toán tiền hỗ trợ. Tuy nhiên việc này mất khá nhiều thời gian, không phải lao động nào cũng làm được. Chính bởi vậy, tới giờ trung tâm vẫn chưa làm được thanh quyết toán dù đã kết nối việc làm thành công cho hơn 1.600 lao động”, ông Thượng nói.

Kiến nghị các biện pháp đẩy nhanh tốc độ thực hiện

Đánh giá về quá trình thực hiện Tiểu dự án 4.3, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho biết thực tế việc triển khai thực hiện một số hoạt động của Tiểu dự án còn chậm do Trung ương hướng dẫn chưa kịp thời. Nguồn vốn phân bổ năm 2022 muộn về địa phương phải thực hiện phân bổ theo quy trình nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Một số nội dung mới, lần đầu tiên được thiết kế đưa vào Chương trình nên một số huyện còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Đặc biệt, một số nội dung về quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư mặc dù Bộ LĐTBXH có hướng dẫn “thiết kế, tổ chức cơ sở dữ liệu về người lao động” và “thu thập, chuẩn hóa, nhập dữ liệu tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể các khoản chi kinh phí, gây khó khăn cho các đơn vị triển khai thực hiện.

cung cấp tư vấn giới thiệu việc làm bền vững

Lao động huyện nghèo Kỳ Sơn được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Ảnh: TTCC

Trước những khó khăn này, Sở LĐTBXH đề nghị Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp đối với nội dung hỗ trợ “Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”  và một số điểm về đối tượng thống kê dữ liệu lao động… 

“Đề nghị Bộ LĐTBXH triển khai tập huấn, hướng dẫn cụ thể các bước thu thập, cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu về người lao động; Tăng cường tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025”, ông Vi Ngọc Quỳnh – Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An chia sẻ trong báo cáo.