Tốc độ triển khai “Hỗ trợ việc làm bền vững” còn chậm
Tốc độ triển khai “Hỗ trợ việc làm bền vững” ở các địa phương còn chậm
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 15/06/2023 05:30 AM (GMT+7)
Mới chỉ có 20/63 tỉnh thành phố có báo cáo về kết quả và tốc độ triển khai tiểu dự án 4.3 về “Hỗ trợ việc làm bền vững” gửi Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH). Bên cạnh một số nội dung được các địa phương làm khá tốt thì vẫn có những nội dung bị chậm tiến độ.
Kết quả triển khai tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững” trong Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững cho thấy bên cạnh những nội dung được triển khai tích cực thì vẫn có những nội dung gặp khó khi thực hiện.
Báo cáo tình hình thực hiện tiểu dự án 4.3 giữa kỳ cuối tháng 5/2023 cho thấy nhiều địa phương đang làm rất tốt nội dung tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm cho lao động. Có thể kể tới một số tỉnh thành như: Hà Giang; Cà Mau; Cao Bằng; Tuyên Quang…
Tại Hà Giang, tỉnh này đã tổ chức 12 Hội chợ việc làm với trên 12.000 lao động tham gia; Tổ chức 103 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm cho gần 3.000 người. Đồng thời tỉnh cũng tổ chức 6 lớp tập huấn cho 1.100 lượt cán bộ để nâng cao năng lực cho các tuyên truyền viên cơ sở trên địa bàn. Tổ chức 4 cuộc tuyên truyền cho gần 1.000 người tham gia; in ấn 5.000 tờ rơi, 2.538 cuốn sổ tay tuyên truyền về chính sách việc làm và dạy nghề. Tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp với 107 người.
Còn tại Tuyên Quang, tỉnh này đã triển khai gần xong nguồn kinh phí được phân bổ năm 2022. Kinh phí phân bổ năm 2022 cho tỉnh thực hiện tiểu dự án 4.3 là gần 1,2 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 4,1 tỷ đồng.
Kết quả, năm 2022 đã tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm tại trung tâm dịch vụ việc làm và các huyện. Chương trình của năm 2023 đang được triển khai ở cả 4 nội dung của tiểu dự án từ: Tổ chức phiên giao dịch việc làm; kết nối việc làm thành công; thu nhập dữ liệu về lao động, doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu người tìm việc – việc tìm người.
Ngoài các tỉnh trên, Cao Bằng cũng là một tỉnh có tốc độ triển khai tiểu dự án 4.3 tương đối nhanh ở một số nội dung.
"Báo cáo tổng hợp, 14/52 địa phương năm 2022 các địa phương đã tổ chức 234 phiên/ngày hội việc làm với 1.691 doanh nghiệp tham gia và tư vấn, cung cấp thông tin giới thiệu việc làm với 1.691 doanh nghiệp tham gia tư vấn, cung cấp thông tin giới thiệu việc làm cho gần 22,34 nghìn lao động vùng nghèo, vùng khó khăn".
Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH)
Theo báo cáo, năm 2022, tỉnh này đã tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm lưu động, tổ chức 106 hội nghị tuyên truyền. Qua đó hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, các huyện cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, kết nối việc làm cho 1.050 lao động. Tổ chức 1 hội nghị tập huấn thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm bền vững; 1 cuộc khảo sát thông tin thị trường lao động.
Bắc Giang tổ chức 3 ngày hội việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm trực tiếp cho 3.000 lao động. Đồng thời, tỉnh này cũng thực hiện thông tin tuyên truyền phổ biến thông tin thị trường lao động: In và cấp phát 32.400 tờ rơi; 3000 cuốn sổ tay; phát sóng 3 phóng sự truyền hình nhằm cung cấp thông tin việc làm cho lao động.
Tỉnh Sơn La thì đã tổ chức 21 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã với sự tham gia của 863 lao động; tuyên truyền phổ biến thông tin thị trường lao động trên sóng phát thanh và truyền hình (1 chuyên trang, 10 chuyên mục).
Tương tự các tỉnh như Lạng Sơn; Lào Cai; Yên Bái… cũng triển khai khá tốt các nội dung về tổ chức phiên giao dịch nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động nghèo.
Nhiều địa phương vẫn “dậm chân” tại chỗ
Bên cạnh một số tỉnh thành phố đạt được những kết quả tích cực trong việc triển khai nội dung liên quan tới việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm thuộc tiểu dự án 4.3 thì nhiều địa phương lại gặp khó và tốc độ triển khai còn khá chậm. Nhiều tỉnh vẫn dậm chân tại chỗ.
Ví dụ như Lạng Sơn, công tác thực hiện khá chậm, đến nay tỉnh mới bắt đầu triển khai và chưa có kết quả báo cáo.
Tương tự, Lào Cai; Yên Bái; Thái Nguyên; Bắc Kạn; Phú Thọ; Bắc Giang; Hòa Bình… cũng chưa có báo cáo cụ thể.
Ông Vũ Phạm Dũng Hà – Trưởng phòng Chính sách Việc làm (Cục Việc làm) cho biết, hiện nay Cục đã có văn bản yêu cầu các địa phương tiến hành báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện giữa kỳ Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững”. Tuy nhiên, mới chỉ có 20 địa phương có báo cáo gửi về Cục Việc làm.
Qua tổng hợp, tốc độ triển khai tại nhiều tỉnh thành còn chậm, chưa đạt tiến độ. Do việc phân bổ kinh phí năm 2022 chậm, cuối năm nên nhiều địa phương không kịp triển khai đã xin chuyển nguồn sang năm 2023. Vì thế năm 2023 các tỉnh vẫn đang triển khai theo nguồn kinh phí của năm 2022, còn kinh phí của năm 2023 thì chưa được duyệt nên nhiều tỉnh chưa triển khai.
“Tổng hợp cho thấy một số nội dung được các địa phương làm nhanh là: Tổ chức phiên giao dịch việc làm, tư vấn kết nối giới thiệu việc làm cho lao động; Tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trung tâm dịch vụ việc làm nhằm xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm hiện đại. Một số nội dung khác thực hiện chậm như: Kết nối việc làm thành công; thống kê, cập nhật dữ liệu về lao động, doanh nghiệp…”, ông Hà nói.
Để đẩy nhanh tốc độ thực hiện Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững", Bộ LĐTBXH sẽ bám sát thực tế triển khai tại các địa phương để có những hướng dẫn triển khai và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.