Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Sinh học tại Hà Nội cho biết: Nếu như trước đây, những câu phân hóa trong đề thi môn Sinh học thường liên quan chủ yếu đến các bài tập tính xác suất của Toán học thì hiện nay các câu hỏi, bài tập thiên về bản chất môn Sinh học, gắn liền với vận dụng thực tiễn được chú trọng nhiều hơn.
Trong đề thi tham khảo 2023, về cơ bản cấu trúc của đề thi vẫn tương tự như năm 2021, 2022 với 4 câu của lớp 11 (mức nhận biết và thông hiểu thuộc chương I: Chuyển hóa vật chất và năng lượng) và 36 câu của lớp 12, tuy nhiên số lượng câu hỏi lý thuyết tăng lên thành 31 câu (chiếm 77,5%), số lượng câu hỏi bài tập là 9 câu (chiếm 22,5%) và xuất hiện các câu hỏi mang "hơi thở cuộc sống".
Điểm nhấn của sự thay đổi ở đây là các bài tập đã giảm tối đa các phép tính toán, thay vào đó học sinh phải có sự suy luận dựa trên nền tảng kiến thức môn Sinh học thì mới làm được.
Bên cạnh đó, những ý tưởng cho các câu hỏi, bài tập từng thi những năm trước nay đã được thiết kế lại theo xu hướng đánh giá năng lực, đòi hỏi học sinh phải có khả năng phân tích và suy luận nhiều hơn thay vì chỉ dùng công thức giải nhanh hay một số "mẹo" để xử lý như trước đây. Ví dụ như câu 120 trong mã đề 223 của đề thi chính thức năm 2022, một câu về Sinh thái học ở mức độ vận dụng cao đã tạo ra một hiệu ứng rất mạnh khi được đông đảo giáo viên môn Sinh học và thí sinh dự thi thích thú.
Một ví dụ khác là câu 119 trong mã đề 223 của đề thi chính thức năm 2022, bài tập để chứng minh cho mô hình nhân đôi ADN theo nguyên tắc bán bảo toàn đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ giáo viên và học sinh, nay được thiết kế lại dưới một hình thức mới thông qua một thí nghiệm tạo ra tính phân hóa rất cao cho câu này, được rất nhiều thầy cô giáo viên Sinh học đánh giá cao và mong muốn đề thi chính thức năm 2023, 2024 cần mạnh dạn đưa vào những câu này nhiều hơn.
Chính vì những thay đổi rõ rệt trong môn Sinh học thời gian gần đây như vậy nên học sinh cũng cần có sự điều chỉnh trong quá trình ôn luyện để đạt kết quả cao nhất.
Theo thầy Khánh, học sinh cần có các kỹ năng ghi nhớ thông tin hiệu quả mà không cảm thấy nhàm chán vì học lý thuyết như sử dụng bảng biểu, sơ đồ tư duy theo các tiêu chí để lĩnh hội được kiến thức tốt nhất.
Ví dụ, khi học về bài Đột biến gen, học sinh cần thiết kế bài học theo quy trình: Khái niệm, phân loại, nguyên nhân, cơ chế, đặc điểm, hậu quả và vai trò, các dạng câu hỏi, bài tập điển hình tương ứng. Một điều cần nhấn mạnh ở đây là học lý thuyết xong thì học sinh cần thực hành các câu hỏi, bài tập tương ứng luôn để củng cố, khắc sâu được các kiến thức mình vừa học. Tương tự như vậy với các chuyên đề khác để các em sẽ hiểu được bản chất của đơn vị kiến thức này và rất dễ để ôn tập lại một cách tổng quát và đầy đủ khi cần.
Bên cạnh đó, một đề thi có 40 câu với tỉ lệ 30 câu mức độ nhận biết và thông hiểu, 10 câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, học sinh cần phải thực sự chắc chắn kiến thức của mình để đưa ra quyết định nhanh cho những câu dễ hơn (làm trong thời gian nhanh nhất nhưng độ chính xác cao nhất) để dành nhiều thời gian hơn cho các câu có tính phân hóa cao ở phía sau. Nhiều học sinh do thường chỉ chú tâm luyện câu hỏi, bài tập hay luyện đề tổng hợp luôn mà không học chắc lý thuyết nên thường hay bị mất nhiều điểm ở những câu dễ.
Tuy nhiên các em cần nhớ rằng, một câu mức nhận biết làm trong 10 giây và một câu mức vận dụng cao làm trong 6 phút mới xong đều có giá trị điểm như nhau. Trong quá trình làm, những câu nào mình cảm thấy khó khăn thì hãy để lại sau cùng và ưu tiên làm những câu khác trước.
Một lưu ý nữa học sinh cần chú ý là tùy theo mục tiêu của mỗi bạn mà cách ôn luyện và tiếp cận với đề thi cũng khác nhau. Các học sinh ôn thi môn Sinh học đều biết các câu hỏi có tính phân hóa cao nhất thường rơi vào 2 chuyên đề: Cơ chế di truyền và biến dị, Tính quy luật của hiện tượng di truyền. Nếu mục tiêu của mình không cao thì cần chú trọng ôn chắc chắn kiến thức trong sách giáo khoa các chuyên đề khác trước để đảm bảo lấy chắc điểm của 20 – 30 câu đầu tiên.
Với chuyên đề Cơ chế di truyền và biến dị, đề thi gần đây thường khai thác các dạng câu hỏi tích hợp các nội dung, gắn với thực tiễn, thực hành nên các em cần chú ý tập trung học chắc lý thuyết ngay từ đầu. Với chuyên đề Tính quy luật của hiện tượng di truyền, đề thi đang có sự chuyển dịch theo hướng không dùng các công thức giải nhanh để giải quyết bài toán lai như trước đây. Thay vào đó là các bài tập cần có sự suy luận nhiều bước, các dữ kiện đưa ra có thể được xử lý bằng các dạng quy luật di truyền khác nhau nên học sinh cần điều chỉnh việc học sao cho phù hợp.
Sau khi đã chắc chắn kiến thức lý thuyết ở các chuyên đề, một việc học sinh cần phải làm thường xuyên và tạo cảm giác như khi ngồi thi thật đó chính là luyện nhiều đề tổng hợp có chất lượng và được thẩm định kỹ lưỡng bởi giáo viên.
"Điều quan trọng thầy muốn nhủ đối với các em rằng thi tốt nghiệp THPT là một hành trình dài hạn. Các em cần lên kế hoạch học tập sớm, học thường xuyên và duy trì ổn định sự tập trung để không bị áp lực cho những tháng gần đến ngày thi. Cần đưa ra một thời gian biểu và thời gian học trong ngày hợp lý, nghiêm túc và có tính kỉ luật cao để hoàn thành tiến độ các môn học nói chung và các chuyên đề của môn Sinh học nói riêng một cách hiệu quả nhất.
Trong quá trình học cần thường xuyên tương tác, trao đổi với thầy cô, anh chị khóa trước và bạn bè để giữ được tinh thần học tập và tối ưu được thời gian học sao cho tiến bộ nhanh nhất. Bên cạnh đó, việc giữ cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần luôn ở trạng thái tốt sẽ giúp cho các em có một sự chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi. Song song với quá trình ôn luyện kiến thức thì cũng cần rèn cho mình các kỹ năng để làm bài thi đạt kết quả cao như sự tập trung, sự cẩn thận, thái độ bình tĩnh với mọi yêu cầu có trong đề thi", thầy Khánh cho hay.
>> Xem thêm: Thầy giáo "mách" nội dung thi tốt nghiệp THPT môn Hóa: Có câu thay đổi theo chương trình mới