Thầy giáo "mách" nội dung thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học, có câu thay đổi theo chương trình mới
Thầy giáo "mách" nội dung thi tốt nghiệp THPT môn Hóa: Có câu thay đổi theo chương trình mới
Tào Nga
Chủ nhật, ngày 18/06/2023 06:18 AM (GMT+7)
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Trần Mạnh Cường, giáo viên dạy Hóa, Trường THPT Kim Liên, Hà Nội đã có hướng dẫn cho thí sinh nội dung chính để ôn thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học.
Thầy Trần Mạnh Cường đã có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy Hóa, Trường THPT Kim Liên, Hà Nội. Thầy cũng là giáo viên hướng dẫn học và ôn thi trên các chương trình truyền hình phát sóng tại Hà Nội và một số tỉnh thành khác trong thời gian Covid-19.
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đang đến gần, thầy Cường đã có một số lưu ý với thí sinh như sau:
"Môn Hóa học những năm gần đây thường bị học sinh đánh giá là môn học khó so với các môn tự nhiên khác như Toán, Vật lý. Để làm tốt bài thi môn Hóa học, điều đầu tiên học sinh cần cần tìm hiểu kỹ nội dung chương trình học, các phần kiến thức có trong bài thi, thể hiện ở cấu trúc đề, ma trận đề.
Nói chung đề thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học các năm gần đây và đề tham khảo năm nay có cấu trúc gần giống nhau: khoảng 36 câu (chiếm 90%) thuộc chương trình lớp 12 và 4 câu thuộc chương trình lớp 10, 11 (thường là 1 câu lớp 10, 3 câu lớp 11). Đề thi không ra vào các phần đã có hướng dẫn tinh giảm.
- Mảng kiến thức lớp 11 thường vào các phần: Sự điện li, nitơ, cacbon, đại chương hóa hữu cơ, hiđrocacbon, ancol, phenol.
- Mảng kiến thức lớp 12 trải đều các chương.
+ Este-lipit: khoảng 5 câu.
+ Cacbohiđrat: khoảng 2-3 câu.
+ Amin, amino axit, peptit, protein: khoảng 3 câu.
+ Polime: khoảng 1-2 câu
+ Đại cương kim loại: khoảng 5-6 câu
+ Kim loại kiềm, kiềm thổ, nhôm: khoảng 6-8 câu.
+ Sắt và hợp chất: khoảng 3-4 câu.
Ngoài ra, cần chú ý các dạng bài tập sau:
+ Phân biệt, nhận biết.
+ Tổng hợp hóa hữu cơ, vô cơ
+ Hình vẽ thí nghiệm
+ Bài toán đồ thị
+ Điện phân
Mỗi dạng bài tập này thường có ít nhất 1 câu. Đây là các bài mức độ vận dụng và vận dụng cao, học sinh nên tiến hành ôn tập theo từng chuyên đề, không nên làm bài dàn trải, không có mục tiêu rõ ràng.
Đề thi tốt nghiệp THPT thường có khoảng 4 câu vận dụng cao (chiếm 10%) các câu này thường nằm ở các chuyên đề este-lipit, điện phân, tổng hợp vô cơ, tổng hợp hữu cơ,… Gần đây đề được ra theo hướng mới của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 (ví dụ như dạng câu đọc hiểu) và giảm các phần liên quan đến kỹ thuật tính toán, ít hàm lượng hóa học như phương pháp quy đổi đặc biệt với bài tập phần hữu cơ (ví dụ như đề thi năm 2022 không bài tập phần peptit).
Thời gian gần tới kỳ thi, các em học sinh nên tập trung vào việc luyện đề. Đề thi cần tham khảo các nguồn chính thống, có uy tín. Nên sưu tập các đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước, đề khảo sát của các Sở giáo dục, các trường có uy tín,…
Các đề này do các giáo viên có kinh nghiệm ra nên thường bám sát cấu trúc đề thi của Bộ, giúp học sinh nắm được cấu trúc đề một cách chính xác. Bên cạnh đó, việc luyện đề cần nghiêm túc, khoa học. Khi làm đề học sinh nên theo các bước sau:
- Bước 1: Làm đề đúng thời gian (50 phút), không sử dụng tài liệu. Cần bố trí thời gian, không gian hợp để đảm bảo giống như thi thật. Chú ý: làm đề khác với luyện giải bài tập.
- Bước 2: Sử dụng tài liệu vở ghi, sách giáo khoa, sách tham khảo để hoàn thành những bài chưa làm được hoặc kiểm tra kết quả nếu thấy chưa chắc chắn.
- Bước 3: Kiểm tra lại bằng đáp án chi tiết hoặc tham khảo trên mạng, hỏi giáo viên, trao đổi với các bạn,… nếu không có đáp án chi tiết.
Sau cùng, các em học sinh nên để thời gian để rút kinh nghiệm và ghi ra (lưu ý cần ghi ra, chứ không phải đọc lướt) những phần kiến thức mình còn thiếu khi giải đề vừa rồi. Thêm vào đó, các em tìm một số bài tập ở mảng kiến thức mà mình chưa làm tốt ở đề trên để luyện tập thêm.
Một vấn đề rất quan trọng là học sinh cần xác định khoảng điểm theo năng lực của cá nhân. Khoảng điểm này các em có thể kiểm tra kết quả các kỳ thi khảo sát các em đã tham gia. Sau đó, học sinh cần chú trọng ôn tập các phần cao hơn 1 chút so với năng lực của mình. Không nên luyện tập các bài ở mức quá cao, hiệu quả thu được sẽ thấp. Ví dụ nếu các bạn xác định điểm của mình ở mức 6-7 thì không nên tập trung ôn các câu ở mức điểm 9-10, tránh gây hoang mang, căng thẳng cho bản thân.
Học sinh cần đảm bảo nắm chắc điểm các bài tập ở mức độ biết, hiểu. Để làm được điều đó học sinh cần nắm vững các kiến thức cơ bản, đặc biệt là các khái niệm, công thức và phương trình hóa học. Nhiều trường hợp học sinh quá chú trọng vào các bài tập khó mà bỏ các bài ở mức biết (chỉ cần học thuộc). Các em nên chú ý điểm số mỗi câu là như nhau. Các câu hỏi ở mức dễ các bạn chỉ cần tốn rất it thời gian để có điểm. Trong khi một câu khó sẽ tốn thời giải bài bằng nhiều câu dễ.
Khi làm bài thi, thí sinh cần chú ý đọc kỹ đề. Không nên làm lần lượt theo thứ tự các câu. Mặc dù về cơ bản đề thi được sắp xếp theo độ khó tăng dần nhưng chưa hẳn đã phù hợp với kiến thức của thí sinh. Theo thầy, các em nên chia các bài trong đề thi theo 3 mức sau:
- Mức 1: Các bài chắc chắn làm được nhanh. Khi đọc đến đề bài các em làm luôn.
- Mức 2: Các bài các em nghĩ sẽ làm được, nhưng sẽ mất nhiều thời gian. Các em đánh dấu lại và tiếp tục đọc đề.
- Mức 3: Các bài các em cảm thấy khó hoặc là không thể làm nổi.
Sau đó các em quay trở lại làm các bài đã đánh dấu mức 2. Cuối cùng mới làm đến các bài ở mức 3.
Cuối cùng, học sinh nên để thời gian (ít nhất 5 phút) để tô đáp án. Phần này cần tập trung, không vội vàng. Tránh nhầm lẫn đáng tiếc như tô nhầm đáp án, tô lệch câu".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.