LTS: Sau khi Dân Việt đăng tải 2 bài viết của ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), báo đã nhận được một số ý kiến chuyên gia. Dân Việt xin biên tập và đăng tải trên báo và mong tiếp tục nhận được ý kiến từ nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hơn nữa về vấn đề của ngành điện.
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề đổi mới toàn diện, đa dạng hoá lưới truyền tải; xây dựng cơ chế, vận hành chuỗi bán lẻ điện cạnh tranh, tiến tới cho phép tư nhân tham gia vào thị trường truyền tải điện, PGS, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhấn mạnh: Cần cải tổ ngành điện sâu sắc hơn, trong đó cho phép tư nhân tham gia truyền tải để cạnh tranh, hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh quá trình vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Theo ông Lược, những vấn đề như: các dự án điện tái tạo không huy động hết, dư thừa; thiếu điện cục bộ tại miền Bắc, cắt điện diện rộng tại nhiều địa phương rồi vấn đề lỗ lớn của ngành điện lên đến hơn 1,1 tỷ USD (hơn 26.000 tỷ đồng)… là bức tranh không mấy sáng sủa của ngành điện.
"Điện là một lĩnh vực được xem như chưa đổi mới, vẫn tồn tại như thời kỳ trước đây. Ngành điện vẫn chưa có thay đổi như một bước ngoặt để đáp ứng đòi hỏi rất nhanh của thời cuộc", ông Lược cho hay.
Theo TS Võ Đại Lược, với diễn biến khó đoán của điều kiện tự nhiên hiện nay, không ai đảm bảo năm sau sẽ không hạn hán, khi thuỷ điện chiếm 42% tổng sản lượng điện miền Bắc, nếu thuỷ điện thiếu điện, chúng ta không lấy nguồn ở đâu được khi mà nhiệt điện chỉ có vậy, và cũng không thể chạy liên tục để duy trì điện nền ổn định…
"Nhân sự kiện này, tôi cho rằng Chính phủ cần khẩn trương lập tổ nghiên cứu về tư nhân hoá truyền tải điện, xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh", ông Lược bày tỏ quan điểm.
Theo ông Lược, điện lực là ngành sản xuất, tại sao các ngành khác có cơ chế thị trường tại sao ngành điện lực không phải là ngành có cơ chế thị trường? Việc tách bạch đâu là việc kinh doanh có lãi, có hiệu quả, đâu là đảm bảo lợi ích quốc gia, an ninh năng lượng, ổn định xã hội cần được làm rõ.
PGS Võ Đại Lược phân tích, với tầm quan trọng đặc biệt, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Chính phủ cần có Luật riêng về tư nhân hoá truyền tải điện, trong đó nêu rõ quyền, lợi ích và những vấn đề cần nêu ra để đa dạng hoá truyền tải điện từ nguồn phát đến lưới điện, truyền tải điện tiêu thụ, sản xuất (truyền tải trung, hạ áp…).
Theo ông Lược, ở các thành phố lớn, nơi đông dân cư cần cho phép tư nhân tham gia vào phát triển lưới điện, A0 chỉ tham gia với tư cách điều phối, chuyển nguồn, các tư nhân tham gia vào truyền tải có trách nhiệm đầu tư, đảm bảo đường dây hoạt động an toàn, hiệu quả. Nhà nước thông qua đó, trả tiền thuê hạ tầng cho nhà đầu tư. Đối với địa bàn khó khăn đặc biệt, thưa dân, có yếu tố an ninh quốc phòng, không có nhà cung cấp tư nhân, Nhà nước cần đầu tư nguồn lực để vận hành lưới điện.
"Nguyên tắc đơn giản là cái gì tư nhân làm được hoặc có thể làm được, kêu gọi họ làm và Nhà nước rút ra. Luật cần xây dựng dựa trên sự cạnh tranh, hiệu quả kinh tế. Ở đây, vốn Nhà nước cần tối ưu hoá để dồn cho các khu vực khác cần hơn", ông Lược cho hay.
Theo ông Võ Đại Lược, đối với cơ chế bán điện trực tiếp nguồn phát và khách hàng, thị trường điện bán lẻ cạnh tranh, nhiều năm trước Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, tuy nhiên đến nay thị trường điện bán lẻ cạnh tranh vẫn chưa có.
"Hiện mới chỉ xây dựng được thị trường phát điện cạnh tranh, song khi nhiều người bán, chỉ có một người mua khiến ngành điện đang phát triển thiếu cân đối. Điện tái tạo thừa, trong khi không huy động hết, Việt Nam thiếu điện ở miền Bắc. Yếu tố khách quan đòi hỏi chúng ta phải có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, người mua trả tiền người bán trên cơ sở giá thoả thuận, tôn trọng chi phí sản xuất, yếu tố thị trường. Muốn vậy, giá điện phải bỏ cơ chế định giá, chuyển sang cơ chế mua bán điện theo giá thị trường, điều này sẽ giúp thị trường điện tự do cạnh tranh, minh bạch", ông Lược nhấn mạnh.
"Tôi thấy rằng, điện là ngành đang "phi thị trường nhất", không có ngành nào phi thị trường hơn", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới nêu.
Theo ông Lược, vai trò, trách nhiệm của EVN được nêu ra nhưng chúng ta chưa có cách để làm sao ngành điện huy đổi mới toàn điện từ phát điện, truyền tải đến tiêu dùng. Cơ chế giá đang bó chân, bó tay doanh nghiệp điện; lấy lý do an ninh năng lượng để bảo vệ quan điểm một doanh nghiệp truyền tải đã phát sinh những vấn đề về hiệu quả, cơ chế xin cho.
Cũng trao đổi với PV Dân Việt, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Cơ bản những ngành có dáng dấp độc quyền như ngành điện cần phải có giám sát độc quyền. Để có phương án xử lý độc quyền ngành điện, thì truyền tải phải chia nhỏ mạng lưới điện, để nhiều đầu mối quản lý.
"Chúng ta cần tham khảo cách làm của các nước, vì sao họ cắt truyền tải điện ra thành nhiều khâu, nhiều đối tượng quản lý để tránh cơ chế tác động của độc quyền tự nhiên gây nên", ông Doanh nói.
Theo TS Doanh, vấn đề phát triển tự do cạnh tranh trong ngành điện được các chuyên gia nói nhiều năm trước, nhưng giai đoạn vừa qua, việc thiếu điện, cắt điện và điện dư thừa không huy động được đã phơi bày những vấn đề của ngành.
"Tình hình thiếu điện gay gắt như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội và của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thiếu điện như vậy FDI có hoạt động tốt, có vào Việt Nam nữa hay không? Vấn đề này cần được xem xét, thảo luận nghiêm túc", TS Lê Đăng Doanh cho biết.
Theo vị chuyên gia từ CIEM, nguồn điện phía Bắc có đặc điểm phụ thuộc lớn vào thuỷ điện, khi tác động tiêu cực của tự nhiên, sản lượng điện suy giảm, không thể lấy đâu nguồn khác thay thế. Đây là lúc vấn đề tư nhân hoá đường truyền tải điện và giá bán lẻ điện cạnh tranh được đặt ra gay gắt và cấp bách.
"Theo tôi, cần thí điểm việc tư nhân tham gia mạng lưới truyền tải bán lẻ điện ở các đô thị, vùng có nhiều khách hàng để đúc rút kinh nghiệm, triển khai rộng trên cả nước. Nhiều lĩnh vực khác, chúng ta đã làm thí điểm và thành công như viễn thông, nước…", ông Doanh nêu.
TS Doanh đề xuất lấy thành phố Thủ Đức của TP. HCM để làm nơi thí điểm tư nhân hoá truyền tải điện, bán lẻ cạnh tranh từ nguồn phát đến người mua bán điện, từ đó có kinh nghiệm, triển khai rộng ra các tỉnh thành, vùng miền khác.
Theo TS Lê Đăng Doanh, những sửa đổi, cải cách, thậm chí phá rào tư tưởng quan điểm về kinh tế, luôn luôn có những quan điểm khác nhau dựa trên chỗ đứng và cách nhìn nhận vấn đề, thậm chí có cả việc ý kiến quan điểm trái chiều nhau, đối lập.
Ông Doanh cho rằng, chính sách Khoán 10 trong nông nghiệp, chúng ta cũng phải qua nhiều năm, khi kiểm chứng có hiệu quả, lúc ấy mới đánh giá được. Và hiện nay, thực tiễn đặt ra, cần giải quyết và thích ứng.
Nguyên Viện trường Viện CIEM cho rằng, EVN và Bộ Công Thương đưa vấn đề truyền tải, kênh bán lẻ liên quan đến an ninh năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề "an ninh năng lượng" cần được nêu lên gồm tiêu chí cụ thể nào?
"An ninh năng lượng không phải là "con ngáo ộp" đưa ra để giữ độc quyền cho ngành, lĩnh vực nào đó. Không nên có tư tưởng vì an ninh mà chỉ có một đơn vị cung ứng được, mà chặn cơ hội của các đơn vị khác", ông Doanh nói.