Gần đây, mực nước hạ lưu thuỷ điện Hoà Bình xuống thấp, có lúc chỉ còn 7,5 - 8 m so với mặt nước biển. Điều này khiến cho một số đoạn sông phía hạ lưu trơ đáy.
Mặc dù vậy, trong thời gian tới, với việc Thủy điện Hòa Bình có thể bất ngờ vận hành thêm một số tổ máy sẽ gây nguy hiểm cho phương tiện vận tải thủy và cả người dân dưới hạ lưu.
Từ thực tế này, ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cảnh báo, hiện nay mực nước hạ lưu thuỷ điện Hòa Bình xuống thấp, các thuyền bè vận tải hàng hoá phải đi lại cẩn thận bởi có thể do điều tiết mà thuỷ điện Hoà Bình trong thời gian ngắn có thể vận hành thêm nhiều tổ máy phát điện khiến cho mực nước hạ lưu lên xuống rất nhanh dẫn đến nguy hiểm cho các phương tiện.
Người dân khu vực hạ lưu thuỷ điện Hoà Bình cũng cần cẩn trọng không quá hiếu kỳ ra sông khi mực nước thấp tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Do ảnh hưởng của nắng nóng, ít mưa đã khiến mực nước vùng hạ du hồ thủy điện Hòa Bình khô cạn. Nhiều nơi có thể nhìn thấy đáy sông, lộ rõ móng cầu Hòa Bình. Có nơi người dân có thể đi bộ qua sông Đà.
Nước sông Đà khô cạn không những làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất mà còn dẫn đến hoạt động vận tải đường thủy giữa các địa phương bị đình trệ. Theo đó, giá cát khu vực TP Hòa Bình tăng lên đáng kể khoảng 30 - 40% so với khi mực nước bình thường, do tàu thuyền không thể vận chuyển vật liệu xây dựng. Trong khi đó, nếu vận tải bằng đường bộ thì chi phí cao hơn rất nhiều so với giá bán hiện nay.
Ông Phạm Văn Vương cho biết, những ngày gần đây, tuy đã có mưa nhưng lượng nước đổ về không nhiều, lưu lượng nước đạt 103m, trong khi quy định mực nước tối thiểu là 81,9m nên nhà máy chỉ phát điện cầm chừng dẫn đến công suất phát điện thấp.
Cũng theo ông Vương, thượng lưu thuỷ điện Hoà Bình các hồ của thuỷ điện Sơn La và Lai Châu những ngày qua rất cạn, duy chỉ có hồ Hoà Bình về cơ bản vẫn ổn nhưng lượng nước về hồ không nhiều dẫn đến buộc phải phát cầm chừng. Có những thời điểm do bắt buộc nhà máy chỉ vận hành duy nhất một tổ máy phát điện.
Điều đáng nói, kể từ khi đưa vào vận hành, lần đầu tiên cả Nhà máy thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu (công suất 1.200MW) phải vận hành dưới mực nước chết. Có những thời điểm 3 - 4 ngày, các nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu gần như không hoạt động.
Nhiệm vụ của Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình ngoài việc phát điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của người tiêu dùng còn phải đảm bảo an toàn hệ thống cũng như an toàn con người, không để xảy ra hư hỏng nào và việc cấp nước cho hạ du vẫn được đảm bảo.