Thực trạng này được Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết tại hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023 do Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức ngày 22/6.
Theo ông Phú, rào cản lớn nhất trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM hiện nay không phải do hạn chế khoa học kỹ thuật, con người mà là những rào cản do chính sách.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết rào cản lớn hiện nay là đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, diện tích đất thực sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM hiện nay khoảng 60.000 ha, trong khi đó diện tích đất “danh chính ngôn thuận” đủ điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tức có khả năng xây dựng nhà màn, nhà lưới chưa đến 1.000 ha.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, các huyện ngoại thành cũng cho biết đang gặp nhiều khó khăn về quy định xây dựng nhà màn, nhà lưới trên đất nông nghiệp. Nếu vấn đề này chưa được tháo gỡ thì rất khó phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Nguyễn Hữu Hoài Phú cho rằng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần có quỹ đất nông nghiệp chuyển đổi xây dựng nhà màn, nhà lưới.
Theo ông Phú, đến năm 2030 TP.HCM phải có khoảng 6.000 ha đất “danh chính ngôn thuận” thì nông nghiệp công nghệ cao mới phát triển được.
Lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM cho rằng hiện nay thành phố có lớp thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp với tinh thần dám nghĩ dám làm. Đây cũng là đối tượng thích ứng nhanh với khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển nông nghiệp, Sở NNPTNT TP.HCM cho biết hiện nay đang triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ các chủ thể sản xuất, nhất là các chủ thể phát triển các mô hình phù hợp định hướng nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.
Bà Hoàng Thị Mai - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết các loại cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao theo định hướng của ngành nông nghiệp TP.HCM như rau, tôm nước lợ, heo, bò sữa… mang lại giá trị kinh tế cao, TP.HCM đều có nhiều chính sách hỗ trợ.
Theo bà Mai, nổi bật là chương trình hỗ trợ lãi suất vay vốn. Suốt 20 năm qua, chương trình hỗ trợ lãi vay cho nhóm chủ thể sản xuất này được thực hiện liên tục. Tổng cộng có khoảng 24.000 lượt chủ thể sản xuất đã được hỗ trợ. Các chủ thể sản xuất có thể yên tâm vì chương trình hỗ trợ lãi vay này vẫn tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Không chỉ Sở NNPTNT TP.HCM, nhiều Sở ngành, đơn vị cũng có các chương trình ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Chẳng hạn, Sở KHCN TP.HCM có các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) chính sách hỗ trợ các dự án khởi nghiệp nông nghiệp, dự án công nghệ phụ trợ nông nghiệp.
Đại diện các đơn vị cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ các chủ thể sản xuất trong việc phát triển, nhất là các dự án nông nghiệp đổi mới sáng tạo, phù hợp định hướng và điều kiện phát triển của TP.HCM hiện nay.