Tại lễ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật của tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết trong thời gian vừa qua, thành phố đã tập trung, nỗ lực để đầu tư, phát triển đường sắt đô thị. Hiện đã quy hoạch 8 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 220km, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 25 tỷ USD.
Thành phố cũng đang trình chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến metro số 5 giai đoạn 1, kết nối nối tuyến metro số 1 đến metro số 2 từ Tân Cảng đến ngã tư Bảy Hiền.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, việc di dời hạ tầng tuyến metro số 2 là bước triển khai rất quan trọng, để thi công. Do đó, phải tập trung, nỗ lực để triển khai gói thầu chính, sau khi đã chuẩn bị được mặt bằng "sạch".
"Rút kinh nghiệm từ metro số 1 và các dự án hạ tầng giao thông đô thị của thành phố trong thời gian qua, chúng ta sẽ tập trung nỗ lực để giải phóng mặt bằng 'sạch', hạ tầng kỹ thuật 'sạch' 100% trước khi triển khai các dự án chính. Đặc biệt là đối với các dự án ODA có yêu cầu rất khắt khe trong quản lý hợp đồng", Phó chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu.
Để tránh khiếu nại, khiếu kiện phát sinh cho những nhà thầu chính của nước ngoài khi không đủ điều kiện để bàn giao mặt bằng, dẫn đến các gói thầu chính phải chờ trong quá trình thực hiện, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các quận liên quan tiếp tục đồng hành hỗ trợ cùng chủ đầu tư, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc để tập trung giải quyết dứt điểm.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Anh Huấn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết hiện nay, tuyến metro số 2 đang triển khai những hạng mục đầu tiên để khởi động dự án. Công tác giải phóng mặt bằng của dự án đạt gần 87%, trong đó, các quận đã cơ bản hoàn tất. Riêng quận 3 còn một số vấn đề vướng mắc cần xử lý. Lãnh đạo thành phố cũng đã xác định hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023.
Ông Huấn cho hay, rút kinh nghiệm từ metro số 1, metro số 2 sẽ tránh được những khiếu nại, khiếu kiện trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo dự án được thi công thông suốt, đảm bảo tiến độ đã đề ra.
"Đặc biệt, từ tuyến metro số 1, đơn vị đã xác định được cơ chế phối hợp rõ ràng. Đồng thời, việc ứng dụng mô hình BIM (mô hình thông tin xây dựng) đã được triển khai ngay từ đầu giai đoạn thiết kế, xác định được cái khúc mắc, sự cố cần phải xử lý. Từ đó, các nhà thầu, các đơn vị chủ sở hữu hạ tầng giao thông cũng xác định được những vướng mắc, để cùng nhau tháo gỡ, xử lý vấn đề", ông Huấn khẳng định.
Cũng theo ông Huấn, việc di dời hạ tầng của tuyến metro số 2 dự kiến sẽ vất vả, do trục đường Cách Mạng Tháng Tám có lưu lượng giao thông lớn, mặt bằng hẹp. Tuy nhiên, để chủ động trong việc triển khai dự án sắp tới, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị liên quan, như 16 đơn vị chủ sở hữu công trình viễn thông, 5 công trình thi công thoát nước, 4 công ty điện lực, để có thể xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công.
"Chúng tôi cũng xác định hết sức cẩn trọng trong thi công sát nhà dân, đảm bảo an toàn công trình. Trục đường Cách Mạng Tháng Tám là trục đường chính của tuyến đường tàu điện ngầm số 2, chúng tôi chủ yếu thi công ban đêm, theo phương thức cuốn chiếu khoảng 20-30m, làm đến đâu sẽ san lấp đến đó. Như vậy sẽ hạn chế được sự ảnh hưởng của người dân", Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM nói.
Ông Trịnh Văn Tuấn, nhà thầu thi công, cũng cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo trật tự giao thông, đồng thời nỗ lực việc gián đoạn cung cấp điện, nước, viễn thông để tránh ảnh hưởng tới người dân.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng nhận định, hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2, bao gồm nhiều hạng mục lớn, trong đó có di dời các đường điện cao thế, đường điện hạ thế, tuyến đường ống cấp thoát nước, hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thông tin tín hiệu liên lạc trên một trục chính của thành phố.
Ông Cường yêu cầu thi công phải đảm bảo điều hành hợp lý, không gây ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn, môi trường cũng như mỹ quan đô thị.
"Đặc biệt, phải đảm bảo được việc không gián đoạn cung ứng các dịch vụ hạ tầng dọc tuyến, nhất là về cấp điện, cấp nước trong quá trình thi công. Tổ chức thi công tiết kiệm, tránh lãng phí, đảm bảo không thất thoát, không tăng tổng mức đầu tư trong quá trình thực hiện dự án", Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), công tác thi công di dời công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án được thực hiện trong khoảng 20 tháng, tại 12 vị trí trên dọc tuyến tàu điện ngầm số 2 (9 vị trí nhà ga ngầm, 2 đoạn đào hở và 1 nhà ga trên cao).
Gói thầu chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm thi công xây dựng hệ thống cấp và thoát nước; điện cao thế (110kV) bố trí một lần vào hành lang 5m hai bên hông nhà ga ngầm, nhà ga trên cao; di dời tạm các công trình điện...
Giai đoạn 2 thi công di dời tái lập ngầm vĩnh viễn công trình điện (trung và hạ thế), công trình viễn thông vào hào kỹ thuật ngầm, đảm bảo phù hợp thiết kế, cảnh quan đô thị hiện đại, toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật đều được ngầm hóa.