Sáng nay 25/6, tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khởi công dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong giai đoạn 1 của dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được chia làm 2 dự án thành phần với tổng vốn đầu tư 5.886 tỷ đồng.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16 km đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp, với tổng vốn đầu tư 3.640 tỷ đồng.
Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp phụ trách. UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao cho Ban quản lý dự án công trình giao thông của tỉnh làm chủ đầu tư.
Còn dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang phụ trách với tổng vốn đầu tư 2.246 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 có chiều dài 11,43 km đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp.
Cũng theo UBND tỉnh Đồng Tháp, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu trong giai đoạn 1 được đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 mét, vận tốc tối đa 80 km/giờ.
Dự án có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và điểm cuối giao với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Thời gian thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu từ năm 2022 đến 2027.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là tuyến đường quan trọng trong mạng lưới giao thông của tỉnh, giúp Đồng Tháp là một địa phương "khuất nẻo" trở thành địa phương có lợi thế, dễ dàng kết nối 3 trung tâm lớn: TP.HCM, TP.Cần Thơ và Phnôm Pênh (Campuchia).
Ngoài ra, tuyến đường còn góp phần hình thành kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả khu vực.
Theo ông Nghĩa, đây là lần đầu tiên, tỉnh Đồng Tháp được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách.
Với quyết tâm của tâm và nỗ lực cao của các ngành chức năng và ủng hộ của người dân, công tác chuẩn bị đầu tư dự án thành phần 1 đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
Đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt tỷ lệ đồng thuận cao. Tính đến ngày 24/6, số hộ dân đã nhận tiền bồi thường 511/533 hộ, đạt tỷ lệ 96%, số tiền đã giải ngân 478,33/512,83 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 93,3%, còn diện tích đã bàn giao 84,34/89,3 ha, đạt tỷ lệ 94,5%.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mong nhận được sự hỗ trợ hết mình từ các nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát cùng toàn thể bà con nhân dân trong vùng dự án để có được một công trình chất lượng, đúng tiến độ, đưa vào vận hành như mong đợi.
Về phía UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ quyết tâm thực hiện hoàn thành các phần việc còn lại và phối hợp chặt với các Bộ, ngành trung ương, tỉnh Tiền Giang, các nhà thầu để sớm hoàn thành công trình theo đúng tiến độ đề ra, theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến dự án trên, trước đó, trao đổi với báo chí, ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án được đầu tư công từ nguồn phục hồi phát triển kinh tế xã hội và vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ không thu phí hoàn vốn. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông và phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, ngày 24/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1). Đến ngày 28/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phân cấp thực hiện dự án và dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến cao tốc theo hình thức đầu tư công. Trong đó, giao tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản thực hiện thành phần 1 của dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu.