Đối với những người sẵn sàng trả tiền và chấp nhận rủi ro, công ty nghiên cứu du lịch OceanGate Expeditions cung cấp hành trình trải nghiệm kéo dài 8 ngày.
Dịch vụ này cho phép khách hàng khám phá xác tàu Titanic ở độ sâu 4.000 m bằng cách sử dụng tàu ngầm 5 chỗ được chế tạo từ sợi carbon và titan.
Theo trang web của công ty, trải nghiệm ngắm xác tàu này có giá 250.000 USD/người.
Nick D'Annunzio, chủ sở hữu của TARA, Ink., công ty quan hệ công chúng chuyên tổ chức các sự kiện đặc biệt, nói với CNN: "Với giới siêu giàu, tiền không phải là vấn đề khi nói đến trải nghiệm. Họ muốn một cái gì đó mà mình sẽ không bao giờ quên".
Thám hiểm xác tàu Titanic là một phần của ngành du lịch mạo hiểm chỉ dành cho những người cực kỳ giàu.
Gideon Kimbrell, Giám đốc điều hành và người sáng lập của InList, ứng dụng di động được sử dụng để đặt kỳ nghỉ sang trọng, cho biết: "Những người giàu sẵn sàng chi một khoản tiền lớn cho các chuyến du lịch vòng quanh thế giới bằng máy bay riêng trong 24 ngày, đi trực thăng lên đỉnh Everest và thậm chí là những chuyến du hành vào vũ trụ".
Những chuyến du lịch mạo hiểm thế này đồng nghĩa với chi phí đắt đỏ, phải chuẩn bị kỹ và chấp nhận rủi ro cao.
Hôm 18/6, tàu ngầm mang tên Titan của OceanGate đã mất tích khi đang chở khách thám hiểm xác tàu Titanic ở Đại Tây Dương. Phương tiện này được cho cạn oxy dự trữ trong ngày 22/6, nhưng lực lượng cứu hộ gặp nhiều trở ngại, chưa thể xác định con tàu đã nổi lên mặt nước hay vẫn bị chìm.
Ngoài ra, việc tàu ngầm Titan bị mất tích còn gây tranh cãi vì không tuân theo các quy định, tiêu chuẩn an toàn. Nhà điều hành tour du lịch tuyên bố công nghệ này còn quá mới và chưa được xem xét.
Năm 2018, cựu Giám đốc hoạt động hàng hải tại OceanGate, David Lochridge, từng viết một báo cáo kỹ thuật lưu ý rằng loại tàu ngầm được công ty này phát triển cần thêm thời gian thử nghiệm.
Báo cáo cũng cho biết hành khách có thể gặp nguy hiểm khi tàu ngầm đạt đến "độ sâu quá lớn".
OceanGate đã kiện Lochridge vào năm đó, cáo buộc ông vi phạm thỏa thuận không tiết lộ thông tin.
"Sự đổi mới nằm ngoài hệ thống đã được chấp nhận. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là OceanGate không đáp ứng các tiêu chuẩn. Nó có nghĩa là sự đột phá nằm ngoài hiểu biết của ngành", công ty cho biết trong một bài đăng năm 2019.
Sal Mercogliano, giáo sư tại Đại học Campbell, đồng thời là nhà sử học hàng hải, khẳng định tàu ngầm Titan không cần tuân thủ các quy định an toàn, vì nó hoạt động ở vùng biển quốc tế.
Trên một podcast vào tháng 11/2022 do phóng viên CBS David Pogue thực hiện, Rush cho biết việc thám hiểm vốn dĩ đã đi kèm với rủi ro.
Ông cũng tuyên bố các quy định về tàu ngầm hiện tại không cần thiết phải ưu tiên an toàn cho hành khách.
"Với một số lĩnh vực, an toàn chỉ là sự lãng phí. Ý tôi là nếu bạn chỉ muốn được an toàn thì đừng ra khỏi giường, đừng lên xe, đừng làm gì cả. Tôi nghĩ rằng mình có thể làm điều này một cách an toàn khi phá vỡ các quy tắc", Rush nói.
Tuy nhiên, không chỉ thám hiểm đáy đại dương mới đi kèm nguy hiểm. Các loại tàu vũ trụ do Virgin Galactic, Blue Origin hoặc SpaceX thiết kế cũng vậy.
Những khách hàng trả tiền khi du hành vũ trụ phải ký vào các biểu mẫu "informed consent" (đồng ý sau khi được giải thích) để chấp nhận mọi nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình thám hiểm.
Nick D'Annunzio, chủ sở hữu của TARA, Ink., nói rằng trong hầu hết trường hợp, mọi thứ diễn ra suôn sẻ vì các công ty đã nhận rất nhiều tiền của khách hàng và có trách nhiệm lên kế hoạch chu đáo.
Ann Epting, phó chủ tịch cấp cao về máy bay tư nhân và du lịch đặc biệt của Abercrombie & Kent, cho biết công ty du lịch xa xỉ này thường lên kế hoạch cho các chuyến đi mạo hiểm trước 18 tháng để đảm bảo an toàn cho du khách.
Epting nói rằng công ty sẽ thiết lập các biện pháp phòng ngừa rủi ro từ đầu. Trong chuyến du ngoạn đến một ngôi làng miền núi ở Oman, Abercrombie & Kent từng "xây dựng các bậc thang lên sườn núi và một cây cầu gỗ dài 15 m để du khách di chuyển dễ dàng hơn".