Hiện thực hóa nhận thức chung cấp cao
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Trung Quốc - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước duy trì xu thế phát triển tốt đẹp, nhất là từ sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm 2022; hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc và nhiều lĩnh vực khác tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu.
Theo Người Phát ngôn: Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2022 là 175 tỷ USD. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hội kiến với nhiều lãnh đạo chủ chốt Trung Quốc, trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai nước nhằm tiếp tục hiện thực hóa nhận thức chung cấp cao đạt được trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc.
Chuyến thăm cũng nhằm thực hiện Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc tháng 11/2022, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Hai bên cũng trao đổi các biện pháp để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tham dự Diễn đàn Việt Nam - Trung Quốc, gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Trung Quốc và tiếp một số nhân sĩ hữu nghị doanh nghiệp lớn của Trung Quốc.
Liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và WEF, thời gian quan quan hệ giữa 2 bên tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hợp tác giữa hai bên ngày càng thực chất, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như tư vấn chính sách vĩ mô, giảm rác thải nhựa, nông nghiệp bền vững, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số.
Với chủ đề là doanh nghiệp, động lực của kinh tế toàn cầu, hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF sẽ tập trung vào các nội dung về điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên, khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể, dự và phát biểu tại phiên làm việc của các lãnh đạo về ngăn ngừa một thập kỷ mất mát, gặp nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều WEF Klaus Schwab, tiếp xúc song phương với lãnh đạo chính phủ một số nước và lãnh đạo các doanh nghiệp.
3 ý nghĩa của chuyến thăm
Nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết: Trung Quốc là nước lớn, nước láng giềng có chung đường biên giới, là nước bạn bè truyền thống xã hội chủ nghĩa và có quan hệ mật thiết với Việt Nam.
Chuyến thăm lần này có 3 ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ nhất, đây là chuyến thăm tiếp nối truyền thống tiếp xúc và giao lưu cấp cao giữa hai nước. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và Trung Quốc đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự coi trọng của hai Đảng, hai nước trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc và quyết tâm phát triển mối quan hệ này ngày càng bền vững hơn, ổn định hơn và thực chất hơn.
Thứ hai, chuyến thăm là một bước phát triển mới rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai những kết quả thực chất của chuyến thăm hết sức thành công của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 11/2022, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới suy giảm. Chuyến thăm này sẽ tập trung vào tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đặc biệt là giao lưu thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước, giữa các địa phương ngoài nước cũng như tìm cách tháo gỡ nhằm thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn còn tồn tại giữa hai nước.
Thứ ba, chuyến thăm lần này cũng sẽ góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy việc tìm ra những giải pháp đối với những vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề trên biển, tăng cường giao lưu giữa người dân, giữa địa phương hai bên, từ đó góp phần làm cho mối quan hệ hai nước ngày càng ổn định hơn thực chất hơn và bền vững hơn, góp phần vào hòa bình, ổn định hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó của chuyến thăm và với sự coi trọng, sự tích cực phối hợp với phía Trung Quốc cho thành công của chuyến thăm lần này, tôi tin tưởng, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thành công tốt đẹp và tiếp tục góp phần đưa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào phát triển ổn định, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và hòa bình ổn định cho khu vực.
Kêu gọi đầu tư
Về hội nghị của các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới lần này diễn ra tại Thiên Tân (WEF Thiên Tân), Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết: Đây là Hội nghị hết sức quan trọng diễn ra trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu đang có sự suy giảm và các nước đang tìm mọi cách để thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để phục hồi kinh tế.
Hội nghị có sự tham gia của rất nhiều các nhà lãnh đạo Chính phủ và hơn 1.000 doanh nghiệp từ các nơi trên thế giới. Việc Việt Nam là một trong bốn lãnh đạo Chính phủ chủ chốt được mời tham dự Hội nghị này cho thấy sự coi trọng của WEF cũng như là cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế vai trò của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quyết tâm cải cách và mở cửa nền kinh tế của Việt Nam.
Trong lúc bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tôi tin tưởng rằng, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam lần này sẽ góp phần rất quan trọng cho thành công chung của Hội nghị, trong đó có ba khía cạnh.
Thứ nhất, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi và có độ mở lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp khu vực và toàn cầu cũng như các Chính phủ trong bối cảnh ngày càng khó khăn như hiện nay cần phải tăng cường hợp tác, mở cửa thị trường hóa cho thương mại và đầu tư, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và khơi thông các nguồn lực để phục hồi kinh tế đang có xu hướng suy giảm hiện nay.
Thứ hai, thông qua Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những kinh nghiệm, bài học của các nền kinh tế thành viên khác cũng như các doanh nghiệp lớn trong việc tạo dựng khơi thông, kích hoạt và tranh thủ các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn để góp phần hiện thực hóa các mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, sáng tạo dựa trên khoa học công nghệ và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
Thứ ba, thông qua Hội nghị rất quan trọng này, với sự tham dự đông đảo của Chính phủ và các doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu tiếp tục quan tâm và tăng cường đầu tư hơn nữa vào thị trường Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng sẽ nêu bật những vị thế, tiềm năng, lợi thế của nền kinh tế Việt Nam cũng như những định hướng ưu tiên trong phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam, nhất là các lĩnh vực ưu tiên để từ đó thu hút các nguồn lực đầu tư chất lượng cao và các doanh nghiệp hàng đầu tham gia hợp tác cùng có lợi vào các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, trình độ, năng lượng, phát triển khoa học công nghệ, phát triển nền kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế số.
Trong các bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng sẽ nêu một số kiến nghị liên quan tới các mô hình hợp tác công tư, mô hình phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp cũng như các biện pháp để thu hút các nguồn tài chính xanh, bền vững vào nền kinh tế Việt Nam.
Tôi tin rằng những đóng góp và sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chắc chắn sẽ đem lại nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần vào thành công chung của Hội nghị - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.