Phát biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Dự án Luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế và Hội Kinh tế y tế Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: "Nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc về BHYT hiện nay, cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các Luật mới được ban hành trong thời gian qua mà gần nhất là Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, việc xây dựng Luật BHYT sửa đổi là cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện nay".
Bà Thanh Hà, Ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cũng đánh giá, chính sách BHYT hiện nay đang rất ổn định; Tỷ lệ bao phủ BHYT cao; Gói quyền lợi BHYT đầy đủ; Người bệnh tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh BHYT dễ dàng; BHYT chi cho khám chữa bệnh ngày càng tăng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 12/2022, toàn quốc có hơn 91,067 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 91,1% dân số.
Bên cạnh đó, khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở ngày một tăng, đến nay đã đạt hơn 70% lượt khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện và xã, 80% trạm y tế xã tổ chức khám chữa bệnh BHYT, Quỹ BHYT chi trả 100% tại tuyến xã.
Tuy nhiên, Quỹ BHYT cũng đang đứng trước thách thức khi tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90%, tuy nhiên chưa đảm bảo cân đối thu chi trong năm, chi nhiều hơn thu.
Tỷ lệ bệnh nhân nội trú trái tuyến gia tăng, bệnh nhân khám chữa bệnh tuyến xã giảm, tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng; Tiền túi mà người dân phải bỏ ra khi đi khám chữa bệnh vẫn còn cao, chiếm hơn 39,6% chi phí khám chữa bệnh.
"Mục tiêu của chúng ta là phát triển BHYT toàn dân, tuy hiện nay đã có hơn 91% người dân tham gia BHYT nhưng phát triển 9% còn lại là vô cùng khó khăn. Chúng ta cũng đang và sắp phải đối phó với già hóa dân số, đồng nghĩa với người già nhiều, chi phí cho khám chữa bệnh sẽ lớn", bà Hà nhận định.
Theo bà Hà, trong khi đó, mức đóng BHYT bình quân ở Việt Nam còn thấp, chính sách đang có xu hướng thu hẹp số người tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước đóng và đóng 1 phần, tuy nhiên, tỷ lệ này còn rất cao.
Mặc dù trong Luật BHYT quy định: "BHYT là hình thức bắt buộc" nhưng chế tài xử phạt chỉ có tác dụng với đơn vị sử dụng lao động còn với người dân vẫn "bất lực".
Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách BHYT năm 2023 của Chính phủ, vấn đề bất cập của chính sách thông tuyến khám chữa BHYT dẫn đến tình trạng bệnh nhân sử dụng dịch vụ vượt tuyến không cần thiết, làm gia tăng chi phí cho KCB BHYT ảnh hưởng đến cân đối quỹ BHYT cũng như làm mất vai trò "chăm sóc sức khoẻ ban đầu và y tế dự phòng" của TYT xã".
Công tác chăm sóc sức khỏe của y tế cơ sở bị ảnh hưởng do tác động của một số chính sách như quy định về thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, áp dụng chính sách tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã làm giảm tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế của người bệnh tại tuyến y tế cơ sở".
Thông tuyến huyện khiến mọi người "đổ xô" đi khám tuyến huyện cũng là nguyên nhân nhiều bệnh viện tư nhân chỉ thích xuống hạng 3 để "đón" nhiều bệnh nhân hơn thay vì hạng 2 đúng thực lực.
Theo bà Hà, thông tuyến huyện, tuyến tỉnh cũng khuyến khích bệnh nhân nội trú vì nếu trái tuyến thì BHYT không chi trả cho ngoại trú.
"Trong khi đó, chưa có tiêu chí nhập viện nội trú, tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chưa đầy đủ hoặc hướng dẫn theo hướng mở, không có cơ chế kiểm soát số lượng, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh nên dẫn đến hiệu suất sử dụng Quỹ BHYT còn chưa cao", bà Hà cho biết.
Bà Hà cho rằng, Luật BHYT sửa đổi cần có những quy định để giảm chi phí tiền túi của người dân, hạn chế nhập viện không cần thiết, tăng khám chữa bệnh tuyến dưới, giảm chi phí tại bệnh viện… nhằm hướng tới không bội chi quỹ BHYT.
Về sửa đổi Luật BHYT, ông Nguyễn Trí Dũng - phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, dự thảo Luật BHYT sửa đổi sẽ có nhiều điểm thay đổi, đặc biệt là mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Đáng nói, dự thảo sửa đổi đưa nhiều quyền lợi được hưởng BHYT "mới tinh" như: Phục hồi chức năng; khám thai định kỳ và sinh con; Sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con đối với phụ nữ mang thai; Sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm một số bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Khám sức khỏe định kỳ…
Bên cạnh đó bổ sung chi trả khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng; sử dụng vaccine, sinh phẩm và dinh dưỡng sử dụng trong điều trị; Vận chuyển người bệnh trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển người bệnh đến cơ sở y tế khác theo yêu cầu chuyên môn trong khám chữa bệnh.
Người tham gia bảo hiểm y tế được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, được cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu quản lý.
Về việc đưa sàng lọc, chẩn đoán sớm 1 số bệnh vào danh mục BHYT chi trả, bà Tống Song Hương - Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng, Tổng hội Y học Việt Nam; nguyên Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, điều này cần phải có quy định, lộ trình và đánh giá tác động.
"Việc mở rộng quyền lợi, đưa sàng lọc, khám sức khỏe định kỳ vào danh mục BHYT cho trả nhằm làm tốt công tác dự phòng chủ động, phát hiện bệnh từ sớm, giảm chi phí điều trị khi bệnh đã nặng lên.
Tuy nhiên, trong điều kiện Quỹ BHYT có hạn như hiện nay chúng ta cần cân nhắc kỹ. Cần làm rõ bệnh gì cần sàng lọc, sàng lọc sớm là làm các dịch vụ gì và có đánh giá tác động và lợi ích của việc sàng lọc sớm bệnh đó.
Nếu hiệu quả chúng ta sẽ mở rộng sang các bệnh khác, chứ không thể cùng lúc sàng lọc nhiều bệnh. Như vậy, Quỹ BHYT sẽ không chịu nổi".
Ngoài ra, bà Hương cũng cho rằng, việc mở rộng danh mục thuốc chi trả cho bệnh nhân cũng rất hợp lý. Bà Hương phân tích, một trong những lý do bệnh nhân vượt tuyến ngoài việc chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới chưa thật tốt, chưa tạo được sự tin cậy cho người bệnh còn có lý do là thuốc mà bệnh nhân BHYT tuyến dưới được hưởng còn ít.
"Đơn cử như bệnh tiểu đường, tuyến dưới bệnh nhân được cấp ít thuốc mà thuốc lại không hiệu quả, còn lên tuyến trên thuốc nhiều hơn, tốt hơn nên nhiều người bệnh vẫn không ngại khó ngại khổ vượt tuyến", bà Hương nói.
Về những thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo, giá trị lớn mà BHYT chưa chi trả, bà Hương cũng cho rằng nên cân nhắc để BHYT chi trả 1 phần, đảm bảo người bệnh được hưởng quyền lợi khi tham gia BHYT mà không nằm ngoài khả năng chi trả của quỹ.
Bà Hương cũng cho rằng, việc đưa các gói BHYT bổ sung là rất hợp lý, dành cho các đối tượng muốn được hưởng quyền lợi nhiều hơn dịch vụ mà BHYT chi trả.
"Hiện nay như thủy tinh thể có giá giao động rất lớn từ 700.000 đồng đến 24 triệu đồng. Quỹ BHYT chi trả ở mức 3 triệu đồng. Nếu có thêm các gói BHYT bổ sung để bệnh nhân được hưởng dịch vụ cao hơn hoặc giúp bệnh nhân không phải đồng chi trả nữa đều rất tốt", bà Hương chia sẻ.