Tối 29/6, Bộ Công an cho biết Cơ quan CSĐT vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 cá nhân về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Vụ án nêu trên xảy ra tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và một số đơn vị liên quan.
Căn cứ kết quả điều tra, nhà chức trách xác định các bị can Trương Thanh Phong (cựu Tổng giám đốc), Trần Văn Vẹn (cựu Chủ tịch HĐQT), Trần Bảy (cựu Trưởng Phòng kế hoạch chiến lược) của Vinafood 2 đã có sai phạm trong việc quản lý, sử dụng khu đất diện tích trên 7.600 m2 tại địa chỉ 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP.HCM.
Hành vi vi phạm của 3 cá nhân trên gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Họ bị cáo buộc vi phạm khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Sau khi Vụ 5 thuộc VKSND Tối cao phê chuẩn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các quyết định, lệnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật.
Bộ Công an đang tập trung điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản thất thoát cho Nhà nước.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo thông tin ban đầu, cơ quan điều tra cho rằng các bị can đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí từ 1 tỷ đồng trở lên nên mới truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự, khung hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Đây là khung cao nhất của tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí là một trong các tội danh quy định tại chương XVIII Bộ luật hình sự, nhóm tội xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế.
Điều luật này quy định người nào có chức vụ quyền hạn, được giao quản lý tài sản của Nhà nước nhưng đã vi phạm chế độ quản lý sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.
Đây là tội danh không mới và được áp dụng đối với nhiều bị can trong thời gian gần đây khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra những vụ việc "chảy máu đất công", tài sản của Nhà nước bị sử dụng vô tội vạ, thiếu trách nhiệm.
Thậm chí xuất hiện những hiện tượng tiếp tay, dung túng cho những sai phạm để biến tài sản công thành tài sản tư nhằm trục lợi cá nhân hoặc phục vụ lợi ích nhóm.
Ông Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ chức năng nhiệm vụ quyền hạn, vai trò của các bị can đối với việc quản lý sử dụng tài sản công là đất đai của doanh nghiệp này. Làm rõ chế độ sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc sử dụng đất, quản lý tài sản công.
Đồng thời làm rõ hành vi sai phạm của các bị can, đã thực hiện như thế nào dẫn đến thất thoát, lãng phí tài sản công của Nhà nước. Và, làm rõ các quyết định hành chính, các hợp đồng, giao dịch giữa công ty đối với các tổ chức cá nhân có liên quan để xác định hành vi vi phạm pháp luật và đánh giá hậu quả thiệt hại mà các bị can đã gây ra đối với Nhà nước.
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, trường hợp bị kết tội, các bị can trong vụ án phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh là phạt tù từ 10 đến 20 năm.
Đây là mức hình phạt rất nghiêm khắc đối với các bị can là người có chức vụ quyền hạn được Nhà nước tin tưởng giao quản lý tài sản nhưng đã vi phạm chế độ quản lý tài sản, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.