Phạm Công Bân là bố vợ Hồ Quý Ly, ông ngoại Hồ Nguyên Trừng, thuộc dòng dõi làm nghề thuốc nổi tiếng ở Thăng Long. Với tài trị bệnh cứu người, Phạm Công Bân đã được vua Trần Anh Tông (1293-1314) mời giữ chức Thái y lệnh, chuyên trông nom sức khỏe cho nhà vua, các quan trong triều và hoàng tộc.
Trong thời gian phục vụ trong triều đình, ông vẫn về nhà chữa bệnh cho nhân dân. Ông đặc biệt quan tâm đến bệnh nhân nghèo khổ. Ông thường tự bỏ tiền của mình ra để mua thuốc tốt và thóc gạo dự trữ tại nhà, sẵn lòng nuôi và chữa bệnh cho những người nghèo khổ neo đơn. Vì vậy, người bệnh đến nương nhờ và chữa bệnh ngày một đông.
Dưới thời vua Trần Anh Tông, mấy năm mất mùa liền, dân tình đói khổ, bệnh dịch phát sinh, Phạm Công Bân phải xây thêm nhà để đón chữa những người bệnh đói khổ, chăm sóc cứu sống được rất nhiều người. Ông không nề hà với những người mắc bệnh lây lan, hôi thối và những bệnh nhân tàn tật. Gặp người cô đơn, đói khổ, bệnh tật, ông đem về nhà nuôi cơm cháo, chữa bệnh làm phúc, nên nhiều người đến nương nhờ chữa bệnh. Vì vậy, tên tuổi của ông được người đương thời nể phục và kính trọng.
Trong tác phẩm "Nam Ông Mộng Lục" của Hồ Nguyên Trừng ở thế kỷ XV, có nội dung như sau:
Một lần có người đến gõ cửa khẩn cấp mời ông: Thưa thầy, vợ tôi mới sinh nhưng bị băng huyết, máu ra nhiều, sắc mặt tái xanh... đang nằm bất động trên giường...
Nghe người nhà bệnh nhân nói vậy, ông liền vội vã lên đường, nhưng vừa bước ra đến cửa thì gặp sứ giả của nhà vua đến truyền lệnh: Quý phi ở trong cung bị cảm sốt, khi nóng, khi lạnh đã một ngày nay mà chưa bớt bệnh, mời ông đến chữa trị ngay cho.
Nghe người trong cung nói vậy, Phạm Công Bân liền trả lời rằng: Bệnh ấy thì không cần phải gấp. Nay ở nhà dân có người bệnh nặng hơn nhiều, tính mạng chỉ chờ trong khoảnh khắc. Tôi đi cứu người ấy đã, lát nữa sẽ vào cung hầu quý phi sau.
Viên sứ giả nghe Phạm Công Bân nói vậy liền tức giận mà rằng: Cái lẽ mà kẻ bề tôi phải giữ cho tròn, sao lại có thể như vậy được. Ông muốn cứu tính mạng cho người khác mà không giữ tính mạng của mình chăng?
Ngay lúc đó, Phạm Công Bân đã trả lời rằng: Đã đành làm như vậy là ta mắc tội rồi, nhưng không hề gì. Người bệnh kia mà không cứu ngay thì chỉ chốc lát sẽ chết, còn tính mạng của kẻ bề tôi nhỏ mọn này thì còn trông mong được nhà vua tha chết, các tội khác ta xin gánh chịu hết. Xin ông cứ về tâu với đức vua và quý phi như vậy. Tất tật tội vạ do vua giáng xuống ta chịu hết, ông cứ an tâm trở lại cung.
Nói xong Phạm Công Bân tay xách hòm thuốc, chân bước vội theo chồng của người bệnh. Thật may, Phạm Công Bân đến kịp và người sản phụ kia đã được cứu sống. Sau đó, ông đến gặp vua. Vừa bước vào cung, ông liền bỏ mũ ra rồi vừa tạ tội vừa bày tỏ tấm lòng của mình: Cúi xin bệ hạ lượng thứ cho thần! Là người thầy thuốc bao giờ cũng phải căn cứ vào bệnh cấp hay bệnh tử mà chữa trước hay chữa sau, có thế mới cứu được mạng người, chứ không thể nào căn cứ ở kẻ sang người hèn được!
Nghe xong những lời ông nói, vua Trần Anh Tông không những không hề trách cứ nhà danh y, trái lại vua còn khen ông là một lương y chân chính, đặt y đức lên trên mọi quyền thế.
Về sau, con cháu ông mấy đời nối nghiệp làm thuốc, chữa bệnh và đều là những thầy thuốc giỏi đương thời.
Từ thượng cổ cho đến ngày nay, mọi người đều phải thừa nhận rằng học và phấn đấu để trở thành một lương y, một thầy thuốc chân chính không phải dễ. Và để trở thành một "Lương y như từ mẫu", lại có nghiệp vụ giỏi, có tinh thần trách nhiệm cao ngày đêm hết lòng phục vụ người bệnh càng khó khăn hơn. Thế vẫn chưa hết, là một thầy thuốc mà dám từ chối lệnh của một ông vua - người không những có quyền quyết định chức tước, bổng lộc, mà cả tính mạng của mình để đi cứu một người dân nghèo bệnh tình nguy kịch trước, thì quả là đáng khâm phục, đáng tôn vinh. Chỉ riêng với việc này, có lẽ từ xưa cho đến nay chắc chắn chưa ai dám làm.
Tiếc rằng tấm gương của lương y Phạm Công Bân ngày xưa sáng là vậy, nhưng có mấy ai là thầy thuốc thời nay học và làm theo ông được. Chẳng những vậy mà còn có người vừa chữa trị cho bệnh nhân lại vừa tổ chức nhậu ngay tại phòng khám. Chưa hết, có người phẫu thuật xong để luôn cả cục bông trong bụng bệnh nhân rồi khâu lại. Và cho đến nay, không ai có thể thống kê được đã có biết bao bệnh nhân bị chết oan vì sự tắc trách của những người thầy thuốc. Vâng, không biết bao giờ mới đến ngày xưa, để trên đời này có nhiều hơn những thầy thuốc như danh y Phạm Công Bân?