Được chúa Trịnh mời ra Đàng Ngoài làm quan, Đào Duy Từ phản ứng ra sao?
Được chúa Trịnh mời ra Đàng Ngoài làm quan, Đào Duy Từ phản ứng ra sao?
Kim Ngọc
Thứ năm, ngày 29/06/2023 22:30 PM (GMT+7)
Chúa Trịnh lập mưu sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng để nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài, nếu trở về sẽ được triều đình trọng vọng, cho giữ chức quan to...
Năm 1627, chúa Trịnh Đàng Ngoài muốn bắt họ Nguyễn ở Đàng Trong thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc của vua Lê vào phong cho Sãi Vương và đòi lễ vật cống nạp. Chúa Sãi không chịu, nhưng bề ngoài chưa biết xử trí ra sao, bèn hỏi ý kiến Lộc Khê Đào Duy Từ. Theo một số tư liệu, chính Duy Từ là người khuyên chúa bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi sau sẽ tìm kế đối phó. Ba năm sau, thấy thời cơ đã thuận lợi, bấy giờ Lộc Khê mới bàn với Sãi Vương cho thợ làm một chiếc mâm đồng có hai đáy, bỏ sắc vua Lê phong kèm với một tờ giấy có 4 câu chữ Hán vào giữa, rồi hàn kín lại. Trên mâm cho bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, rồi cử sứ giả mang ra Thăng Long, để tạ ơn vua Lê, chúa Trịnh.
Triều đình Đàng Ngoài nhận được mâm lễ vật tỏ ý ngờ vực, bèn cho khám phá bí mật ở phía trong và cuối cùng họ đã phát hiện chiếc mâm có hai đáy. Khi đem đục ra thì thấy có sắc vua phong dạo trước và tờ giấy viết bốn câu chữ Hán như sau: Mâu nhi vô dịch, Mịch phi kiến tích. Ái lạc tâm trường, Lực lai tương địch. Dịch nghĩa từng câu là: Chữ "mâu" không có dấu phết; chữ "mịch" bỏ bớt chữ "kiến"; chữ "ái" để mất chữ "tâm" và chữ "lực" đối cùng chữ "lai".
Thoạt đầu, chúa Trịnh và cả đình thần không ai hiểu 4 câu trên ngụ ý nói gì. Sau chúa Trịnh phải cho vời viên quan thông thái nhất triều vào hỏi, thì mới vỡ lẽ rằng, trong chữ Hán, chữ "mâu" viết không có dấu phết thì thành chữ "dư". Chữ "mịch" mà bỏ chữ "kiến" thì là chữ "bất". Chữ "ái" nếu viết thiếu chữ "tâm" thì ra chữ "thụ" và chữ "lực" để cạnh chữ "lai" sẽ là chữ "sắc". Gộp cả 4 chữ mới lại thành câu: "Dư bất thụ sắc", nghĩa là "Ta chẳng chịu phong".
Chúa Trịnh thấy họ Nguyễn chối từ, trả lại sắc phong bằng một mẹo kế tài tình, thì vừa tức giận, vừa phục tài, bèn cho dò la và biết được kế ấy là do Lộc Khê Đào Duy Từ bày ra. Chúa tính kế làm sao để lôi kéo Lộc Khê bỏ chúa Nguyễn Đàng Trong về với triều đình Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài. Chúa Trịnh lập mưu sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng để nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài, nếu trở về sẽ được triều đình trọng vọng, cho giữ chức quan to. Đào Duy Từ đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp chúa Trịnh như sau:
Ba đồng một mớ trầu cay; Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không? Bây giờ em đã có chồng; Như chim vào lồng như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ; Chim vào lồng biết thuở nào ra?...
Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật hậu hơn, cầm thư chúa vào gặp Đào Duy Từ lần nữa. Lần này, ông mới viết nốt 2 câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:
Có lòng xin tạ ơn lòng; Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!
Từ đấy Đào Duy Từ ở lại giúp chúa Nguyễn ổn định và phát triển vùng đất miền trong, mở mang bờ cõi đất nước ta cho đến lúc qua đời. Ông đã đem tài trí của mình cống hiến cho xã hội về nhiều lĩnh vực. Ông là một nhà quân sự tài ba, kiến trúc sư xây dựng lũy Trường Dục ở Phong Lộc và lũy Nhật Lệ ở Đồng Hới, thuộc tỉnh Quảng Bình, để chống lại các cuộc tấn công của quân Trịnh từ Đàng Ngoài.
Lời bàn:
Theo các tài liệu lịch sử để lại, trong vòng 8 năm (1625-1633), với tư chất của một con người hành động, giàu ý chí, nghị lực, Đào Duy Từ đã hết mình giúp chúa Nguyễn dựng nên nghiệp lớn. Với tư cách một nhà chính trị, Đào Duy Từ đã giúp chúa Nguyễn đưa xã hội Đàng Trong từng bước đi vào thể chế ổn định. Với tư cách là một nhà quân sự, Đào Duy Từ có những đóng góp xuất sắc cả trên phương diện thực tiễn và lý luận. Là một nhà thơ, Đào Duy Từ đã để lại cho đời một số tác phẩm có giá trị. Cuộc đời và sự nghiệp của Đào Duy Từ giống như một thiên sử bi hùng. Bị gạt ra khỏi con đường khoa cử chỉ vì cha mẹ là nghệ sĩ nhưng Đào Duy Từ không vì thế mà bi quan yếm thế. Trái lại dường như trong ông càng nung nấu hơn ý chí phải tự vươn lên để khẳng định mình.
8 năm so với lịch sử dân tộc chỉ là một khoảnh khắc. Song, chính trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy mà Đào Duy Từ được các vua Nguyễn sau này xếp vào hàng đệ nhất khai quốc công thần. Thế mới biết tài năng khi được phát hiện và trọng dụng thì có ích biết nhường nào. Tất nhiên sự nghiệp rực rỡ của Đào Duy Từ không thể tách rời sự anh minh, sáng suốt và tài dùng người của Nguyễn Phúc Nguyên. Tiếc rằng hậu thế thời nay không ai có được tấm lòng như Đào Duy Từ, bởi thế mới có không ít người tài hèn, đức mỏng nhưng lại muốn ngoi lên bằng mọi cách. Và cũng chẳng mấy ai có được cách dùng người như Nguyễn Phúc Nguyên. Vì ở đâu đó có không ít người trọng bao thư hơn là tài năng. Lại có người cứ muốn cái ghế này, ghế kia là của con, em mình hoặc chí ít cũng là những người thân cận với mình...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.