Hai ngày qua, gia đình chị Lê Thanh Hoa (xin được đổi tên), quận Thanh Xuân, Hà Nội không chỉ buồn, hụt hẫng, ân hận mà thực sự còn căng thẳng và cuống cuồng. Phụ huynh này cho biết, từ lúc biết điểm thi 10 đến giờ mẹ khóc, con khóc, đóng cửa phòng không nhìn ai. Do con đầu thi vào 10 nên chị không có kinh nghiệm và nghĩ con học ổn mà không ngờ cuộc thi này quá khốc liệt.
"Con mình 9 năm học sinh giỏi, Toán, Văn đều trên 9,0 và được học thêm ở lớp và một giáo viên có kinh nghiệm luyện thi. Điểm thi thử của con cũng toàn 8,5 và 9. Con bảo chỉ thích Trường THPT Kim Liên, đăng ký nguyện vọng 1 vào trường, không quan tâm nguyện vọng 2. Mình bảo con tìm trường đăng ký thêm nguyện vọng và con miễn cưỡng đăng ký vào THPT Lê Quý Đôn, điền bừa thêm một trường nguyện vọng 3.
Hôm báo điểm thi con được 41,5 điểm, gia đình cũng mừng vì năm ngoái trường lấy 41,25 điểm. Nhưng điều tồi tệ đã xảy ra khi con trượt cả 2 nguyện vọng. Điểm chuẩn vào trường THPT Kim Liên 43,25 điểm, thiếu gần 2 điểm, còn THPT Lê Quý Đôn đủ điểm vào nguyện vọng 1 nhưng do đặt nguyện vọng 2 phải cộng 1 điểm nên lại trượt.
Giá như gia đình tư vấn con chọn trường nguyện vọng 2 phù hợp hơn thì con đã trúng tuyển với điểm số này. Bây giờ con trượt hết nguyện vọng, không còn trường nào để học", chị Hoa nghẹn ngào.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, quận Đống Đa cũng chung cảnh ngộ khi con đăng ký vào lớp 10 ở 2 trường top đầu Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại con anh đã trượt cả 2 nguyện vọng do thiếu 0,25 điểm.
"Chúng tôi buồn và rối bời vô cùng. Gia đình đang làm đơn phúc khảo mong con được cộng thêm 0,25 điểm Văn nữa thôi để đủ điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, tôi biết phúc khảo rất khó lên điểm. Điều khó khăn với gia đình bây giờ chỉ đăng ký có 2 nguyện vọng và trượt cả 2 nên phải làm hồ sơ vào trường dân lập. Hôm qua gia đình có việc về quê nên nhờ cô giáo chủ nhiệm đứng xếp hàng chờ nộp hồ sơ vào Trường THPT Phan Huy Chú. Tuy nhiên, cơ hội rất mong manh. Cả nhà chạy đôn chạy đáo mà chưa đâu vào đâu", anh Tùng cho hay.
Không chỉ có chị Hoa, anh Tùng mà hàng nghìn phụ huynh khác ở Hà Nội đang đôn đáo xuôi ngược khắp nơi để tìm chỗ cho con học. "Nếu như con học kém thì bố mẹ đã có phương án từ ban đầu không cho con thi hoặc tìm trường tư cho con. Đằng này con học giỏi, chỉ thiếu chút điểm may mắn đã trượt đau. Giờ thực sự tôi không biết cho con học trường nào vì không nghĩ có ngày con thi trượt. Trường ưng ý thì không đủ tiền trả học phí cho con. Trường không tốt thì quá thương con", một phụ huynh buồn bã chia sẻ.
Chị Bùi Thanh Loan, quận Cầu Giấy, Hà Nội có con học Trường THCS Dịch Vọng, đăng ký nguyện vọng 1 lớp 10 vào Trường THPT Cầu Giấy cho biết: "Sau khi có điểm chuẩn, các gia đình có con trượt công lập lớp 10 thật sự rất khổ. Chạy đôn chạy đáo ở cổng trường tư. Cha mẹ có con thi vào lớp 10 vừa hao tâm vừa hao túi tiền. Bọn trẻ lo 4 phần thì cha mẹ lo tới 6 phần. Từ mấy tháng trước, gia đình nào cũng đăng ký vào trường tư để đề phòng trượt trường công. Nộp hồ sơ các trường này mất 5, 6 triệu đồng/trường. Nếu học sinh nào không đỗ công lập thì lại phải đóng tiền đợt nữa vào trường tư để đặt chỗ, đóng muộn thì hết suất. Trong khi đó, học phí cao nên không phải ai cũng theo được trường tư.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự cạnh tranh rồi thất bại đau lòng này đừng nên trách bố mẹ gây sức ép. Ngành Giáo dục cần thay đổi chính sách thi vào lớp 10 để không tiếp tục xảy ra những sự việc thế này".
Qua mùa tuyển sinh năm 2023, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hảo, Tổ phó chuyên môn Văn, Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội tư vấn: "Thứ nhất, các bố các mẹ phải căn cứ vào lực học của con để chọn nguyện vọng cho phù hợp, không nên chỉ để 1 nguyện vọng. Thứ 2, đã chọn trường có điểm chuẩn cao vào nguyện vọng 1 thì không nên để nguyện vọng 2 ở trường có điểm chuẩn cách xa so với nguyện vọng 1. Thứ 3, nên để nguyện vọng 3 vào trường khác khu vực, thấp hơn hẳn nguyện vọng 2. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên tính dự phòng nộp hồ sơ vào 1 đến 2 trường dân lập có môi trường học tập tốt cho con",
Thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, năm 2023, số lượng học sinh Hà Nội đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023-2024 là gần 105.000 em. Trong khi, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000, chiếm 55,7%, cùng chỉ tiêu của một số trường chuyên.
Như vậy, hơn 30.000 học sinh không có cơ hội vào học tại các trường công lập. Trong trường hợp không đủ điểm vào lớp 10 công lập, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ có những lựa chọn học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các trường cao đẳng, trung cấp dạy hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học nghề; các trường ngoài công lập.
Tuy nhiên, cuộc đua vào lớp 10 ở các trường tư thục cũng khốc liệt không kém.
Chia sẻ với báo Dân Việt về việc xét tuyển thi vào lớp 10, cô Văn Liên Na, Hiệu phó Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, cho hay: "Bắt đầu từ ngày 3/7, nhà trường nhận hồ sơ vào lớp 10 cho đến hết chỉ tiêu. Năm nay, mỗi cơ sở tuyển 360 chỉ tiêu vào lớp 10. Trường xét tuyển theo 3 phương thức gồm: xét tuyển đặc cách học sinh lớp 9 của trường theo tiêu chí riêng; tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên và đạt 4 năm học sinh giỏi bậc THCS; tuyển thẳng học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba một trong các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Ngữ văn, Tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi cấp TP.
Ngoài ra, trường xét tuyển điểm của kỳ thi chung tuyển sinh lớp 10 của Sở GDĐT Hà Nội. Căn cứ vào kết quả học tập của 4 năm cấp THCS và kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024.
Năm nay về cơ bản tuyển sinh vào 10 giữ như mọi năm. Tuy nhiên, cách tính điểm của trường sẽ khác so với cách tính của Sở GDĐT là không nhân hệ số. Kỳ thi có 3 môn nên trường đang dự định sẽ lấy điểm 3 môn bằng nhau bởi vì theo chương trình mới, Toán, Văn, tiếng Anh là 3 môn bắt buộc nên không ưu tiên môn nào cả".
Cô Na cho biết, sau khi biết điểm thi vào lớp 10, trường sẽ tuyển sinh thêm 200 chỉ tiêu ở mỗi cơ sở. Điểm chuẩn 3 môn vào trường là 25,5 điểm. Như vậy, muốn vào học tại trường thì phụ huynh phải xác định con đạt 8,5 điểm trở lên mới đỗ.
Còn tại Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Văn Thọ, Hiệu trưởng cho biết: "Sáng 2/7, trường thông báo điểm chuẩn xét tuyển vào trường là 38,5 điểm. Nhà trường tiếp nhận hồ sơ nhập học vào lớp 10 từ 8h ngày 5/7 theo hướng dẫn của Sở GDĐT.
Nhà trường sẽ dừng nhập học khi đủ chỉ tiêu. Với học sinh có hồ sơ xét tuyển theo quy định, đủ thông tin và đã nộp đúng hạn từ ngày 20/4 đến ngày 20/6 theo Thông báo tuyển sinh của Nhà trường được cộng thêm 1 điểm. Trước đó, trường thông báo điểm chuẩn xét tuyển học bạ là 28,3 điểm".
Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa cũng đã thông báo điểm chuẩn trúng tuyển vào trường là 41 điểm. Điểm số khá cao nhưng ngày 1/7 vừa qua đã có rất đông phụ huynh đứng chờ ở cổng để được nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội để nộp hồ sơ. Cô Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội thông tin: "Năm nay trường tuyển sinh 400 - 420 học sinh và thực hiện nhận hồ sơ từ ngày 9/2 - 30/5.
Sau khi biết điểm chuẩn của Sở GDĐT, cũng có học sinh rút hồ sơ và cũng có học sinh nộp hồ sơ vào. Nhà trường đang ưu tiên giải quyết số học sinh rút hồ sơ và sau đó có căn cứ để thông báo tuyển sinh đợt 2. Số hồ sơ mới nộp khó có cơ hội xét tuyển vì nhà trường còn nhiều em đăng ký trước đó đang chờ tuyển bổ sung".