Thi lớp 10 Hà Nội: Học sinh giỏi òa khóc trượt oan, phụ huynh bạc trắng đầu thức đêm nộp hồ sơ

Tào Nga Thứ ba, ngày 04/07/2023 14:59 PM (GMT+7)
Kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội còn căng thẳng đến mức ngay khi vừa biết điểm chuẩn và bị trượt nguyện vọng, đã có học sinh chán nản bỏ nhà ra đi.
Bình luận 0

Một kỳ thi lớp 10 Hà Nội quá căng thẳng và áp lực

Ngày 3/7, hàng trăm phụ huynh có con đạt 41 điểm trở lên nhưng trượt nguyện vọng 1 vào lớp 10 Hà Nội đã đổ ra cổng Trường THPT Phan Huy Chú từ 2h sáng để giành một suất lớp 10 cho con. Mặc dù chen nhau khó khăn để giành 80 suất còn lại vào trường nhưng phụ huynh vẫn cố gắng vì với hy vọng con trượt trường công nhưng vẫn có thể học được một trong những trường tư tốt.

Điều đáng nói, hàng trăm phụ huynh này đều có con giành điểm số khá cao, thậm chí nhiều năm liền là học sinh giỏi.

Thí sinh xếp hàng trong đêm. Clip: Nhóm Đồng hành

Chị Nguyễn Mai Phương, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, từ lúc biết điểm chuẩn đến nay cả nhà chị không ngủ được vì dù con đạt 41,5 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Kim Liên và nguyện vọng 2 vào THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm. Cứ tưởng con đỗ vì thừa điểm so với điểm chuẩn năm ngoái nhưng cuối cùng cả gia đình suy sụp. Con khóc, mẹ khóc, cả nhà cùng khóc. 

"Nửa đêm trằn trọc không ngủ được lan man tìm trường phù hợp cho con thì đọc thông tin mọi người đang tập trung ở cổng trường THPT Phan Huy Chú để nộp hồ sơ. Tôi cùng chồng cầm hồ sơ lao ra trường thế mà vẫn ngậm ngùi vì chỉ có 80 phụ huynh được nộp hồ sơ thành công.

Nếu như con tôi học kém hẳn thì gia đình đã có con đường khác từ đầu. Đằng này con là học sinh giỏi 4 năm. Kỳ thi vào lớp 10 này tính ra con cũng được trung bình 8,3 điểm mỗi môn. Thế nhưng học giỏi cũng trượt oan uổng vì trường tăng hẳn 3 điểm. Cả gia đình đang không biết phải làm thế nào. Quá suy sụp", chị Phương buồn bã nói.

Thi lớp 10 Hà Nội: Học sinh giỏi òa khóc trượt oan, phụ huynh bạc trắng đầu thức đêm nộp hồ sơ - Ảnh 2.

Phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm trước cổng Trường THPT Phan Huy Chú. Ảnh: Nhóm Đồng hành

Không chỉ mình chị Phương mà hàng trăm phụ huynh khác cũng chung cảnh ngộ tương tự. Cầm trên tay hồ sơ của con với 43 điểm, anh Lê Đình Hùng, quận Thanh Xuân ngẩn ngơ, thẫn thờ vì con trượt cả 2 nguyện vọng khi Trường THPT Chu Văn An năm nay lấy 44,5 điểm nguyện vọng 1 và Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông lấy 43,25 điểm nguyện vọng 2. 

"Chúng tôi chỉ muốn con được vào trường công lập để học nhưng giờ con trượt đành tìm trường khác cho con. Buồn, chán mà không biết phải làm sao", anh Hùng bày tỏ.

Không chỉ phụ huynh lo đến bạc trắng đầu chỉ sau 3 ngày, nhiều học sinh cũng bày tỏ buồn bã sau cú số đầu đời. Em Nguyễn Thu Huyền, học sinh lớp 9 ở quận Hoàng Mai cũng chia sẻ với PV báo Dân Việt về việc mình hụt hẫng thế nào khi thiếu 0,25 điểm vào Trường THPT Việt Nam - Ba Lan: "Giờ em phải làm thế nào? Em nhập học trường nguyện vọng 2 hay em chờ nguyện vọng 1 hạ điểm? Em có nên phúc khảo điểm thi không để có thể 0,25 điểm không? Liệu phúc khảo có bị trừ điểm không? Hiện giờ em rối bời, buồn chán kinh khủng".

Thậm chí, có một học sinh sau khi biết điểm chuẩn, bị trượt vào lớp 10 đã bỏ nhà đi khiến phụ huynh nháo nhào đăng tin tìm kiếm. 

Phụ huynh và học sinh cần chuẩn bị phương án dự phòng và tâm lý tốt

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội phân tích, có 3 nguyên nhân làm điểm chuẩn vào lớp 10 tăng cao là do học sinh không còn ảnh hưởng bởi Covid-19 nên điều kiện học tập đầy đủ và thuận lợi hơn. Tâm lý các em cũng thoải mái hơn, không còn cảnh vừa học vừa chờ. 

Đề thi năm nay cũng cơ bản, dễ thở, có phân hóa xong phần cơ bản chiếm đến 85%. Cấu trúc đề quen thuộc, giữ nguyên cả chục năm nay, không đánh đố và không có yếu tố mới lạ, bất ngờ nên các em đạt điểm cao.

Tỉ lệ chọi năm nay cao nhất trong 3 năm qua (năm 2022: 1/67; năm 2023: 1/85). Hà Nội chỉ nhận được 55,7% học sinh vào công lập trong tổng số 115.000 học sinh lớp 9 (số học sinh lớp 9 đông nhất từ trước đến nay). Tỉ lệ chọi cao cũng tạo áp lực để học sinh chăm chỉ "cày cuốc" hơn. Thi vào 10 của Hà Nội còn căng hơn thi vào đại học.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội cũng đánh giá do lượng thí sinh dự thi toàn thành phố năm nay tăng nhưng tỉ lệ được tuyển vào trường công lại chưa đầy 60% nên độ cạnh tranh rất cao. Ngay trước khi diễn ra kỳ thi, cả thí sinh và phụ huynh đều xác định một tinh thần sẽ có hơn 40% thí sinh sẽ không đỗ vào lớp 10 trường công.

Tư vấn về việc đăng ký các nguyện vọng khi trúng tuyển, thầy Cường cho biết, với những thí sinh trượt nguyện vọng 1 mà đỗ nguyện vọng 2 hoặc 3 thì các em sẽ phải thực hiện đăng ký trúng tuyển theo quy định. 

Trường hợp các em nào không may bị trượt tất cả các nguyện vọng vào trường công, cha mẹ học sinh cần phải tìm hiểu và đăng ký cho con vào trường ngoài công lập phù hợp với bản thân.

Thầy Cường nhấn mạnh: "Điều quan trọng là khâu ổn định tâm lý cho các em bị trượt trường công. Bố mẹ hay bạn bè và thầy cô giáo cần chia sẻ để học sinh hiểu được, đó chỉ là một kỳ thi bước đầu vì đằng sau còn nhiều kỳ thi tiếp theo, cơ hội phía trước vẫn còn nhiều. Do đó, các em cần nhanh chóng ổn định tinh thần, không nên hoang mang và tránh vết thương tâm lý sẽ ảnh hưởng về sau".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem