Kí ức của tôi về Hà Nội là một ngày thong dong, lất phất chút mưa phùn đầu mùa thu. Vốn thích ngắm nhìn Thủ đô dưới cơn mưa phùn, tôi khẽ khàng chọn một góc nhỏ, khuấy đều một cốc cà phê trứng thơm tho, nhấm nháp chút bánh quẩy đùi gà nóng hổi được chị bạn thân mua cho ở đầu ngõ Thụy Khuê. Hà Nội sáng hôm ấy trời không lạnh lắm, nhưng cũng đủ làm se sắt lòng người.
Buổi trưa, tôi ngồi ở vỉa hè đường Lý Thường Kiệt với một người bạn, thưởng thức một bữa cơm bụi vỉa hè ngon ngon, nhấm nháp thêm một chén trà nóng bỏng tay. Dù cùng là chốn mưu sinh giữa thị thành, nhưng vỉa hè Hà Nội có vẻ bình yên, thâm trầm với vách tường rêu phong, khác hẳn hoàn toàn sự trẻ trung rực rỡ của vỉa hè Sài Gòn.
Nhẹ nhàng choàng vội chiếc khăn choàng màu đỏ, tôi đưa mắt ngắm nhìn những tán cây bên đường, vấn vương màu xanh óng ánh. Khẽ khàng ngắm nhìn dòng người xuôi ngược từ một góc vỉa hè, chợt thấy trân quý những giây phút nhàn tản trước mắt. Suốt mấy năm bận rộn xoay vòng với cuộc sống tất bật, cuối cùng cũng có lúc tôi có thể thư thái, ngồi yên lặng ngắm nhìn một Hà Nội nên thơ mà rất đỗi hiền hòa vào thời khắc giao mùa.
Chúng tôi thong dong đi dạo qua những nẻo đê sông Hồng rồi sông Đuống. Đi loanh quanh tìm mãi mà chưa thấy hoa cải vàng. Chỉ mơ màng thấy dọc bờ đê cỏ may mọc đầy. Màu hoa cỏ may cũng óng ánh sắc bạc. Tâm tư xao động trước cảnh vật hữu tình, chợt nhớ câu thơ Xuân Quỳnh: "Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may"; "Áo em sơ ý cỏ găm đầy".
Bờ đê cỏ may trước mắt tôi, hẳn đã có bao đôi lứa ngồi bên nhau, để rồi tinh ý nhận ra cái màn sương màu khói bàng bạc lan tỏa khắp không gian mùa thu, cũng tựa hồ như "lời yêu mỏng mảnh như màu khói". Con đường đê dài hun hút, như chạy mãi, xa tít tắp đến tận chân trời.
Giữa khung cảnh tươi đẹp ấy, tôi nghĩ đến Ella Fitzgerald và lời hát kinh điển của cô: "If the sun should desert the day, what would life be?" (Nếu mặt trời rời bỏ ngày mà đi, cuộc sống rồi sẽ ra sao?). Ngay lúc ấy, giữa cánh đồng tươi đẹp này, có lẽ chẳng ai nghĩ đến một ngày như thế. Bởi trong vẻ yêu kiều của một ngày bình yên, người ta có thể ngồi đây uống cả một buổi chiều.
Rong ruổi mãi rồi chúng tôi cũng tìm thấy hoa cải vàng khi lang thang đến một nẻo đê sông Đuống. Tôi nhẹ nhàng mở cánh cửa xe, xuýt xoa đôi tay vì luồng không khí lạnh trước mắt, rồi chầm chậm bước xuống chân đê, đi bộ qua mấy nẻo đường, là đã thấy hoa cải vàng. Điều đặc biệt là cánh đồng này không chỉ có hoa cải vàng mà còn có những luống mùi già xanh thẫm trổ hoa trắng li ti, như muốn nhắc rằng Tết sắp đến rồi.
Ai đã từng có dịp đối diện với cánh đồng hoa cải, sẽ hiểu được cảm giác bối rối của tôi khi suy nghĩ mãi chẳng thể tìm được từ nào diễn tả được màu vàng mê đắm của loài hoa thuần khiết này. Đơn thuần mà diễm lệ, chân quê mà mê đắm, mộc mạc mà lại rất đỗi tinh tế. Chưa có một loài hoa nào gợi lên nhiều ấn tượng, cảm xúc trái ngược nhau như vậy trong tâm thức tôi. Chắc đó cũng là lí do khiến tôi quyết tâm vượt ngàn dặm xa xôi từ Sài Gòn ra tận Hà Nội, để ngắm nhìn cho thảo cơn say mê.
Nhìn xa xa, làn sương mù trắng bạc vẫn lan tỏa khắp không gian. Đoạn đường đê vẫn vắng lặng bóng người, chiếc ô tô màu đỏ của tôi đơn độc đứng chờ giữa một chiều đông buồn. Ai đứng trên bờ đê lúc này, có cố gắng nhìn tôi, có lẽ cũng chỉ thấy một dáng hình nhỏ xíu giữa không gian bạt ngàn trước mắt. Tôi ngồi xuống bên luống cải, khẽ khàng hít hà mùi hương thanh tao của hoa.
Đó có lẽ một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của chuyến đi năm đó. Dẫu rằng, chỉ vài giờ đồng hồ nữa thôi, tôi sẽ quay về với một thế giới khác, ồn ào và náo nhiệt. Thế giới đó không có chỗ cho hoa cải vàng, cũng không có chỗ cho hơi lạnh mùa đông.
Lặng lẽ đứng nhìn màu vàng hoa cải, đứng giữa hơi lạnh của "hun hút gió đồng", tôi nghĩ về biết bao sắc vàng bản thân đã có dịp ngắm nhìn khi ghé thăm miền Bắc. Đó là màu vàng óng nuột của tơ tằm, màu vàng mật của quả thị chín cây, màu vàng đậm đà của những hạt thóc phơi trên bờ đê. Đồng quê miền Bắc phong phú, giàu có những màu vàng, khiến tâm hồn tôi lâng lâng suốt một buổi chiều, cứ ngỡ mình vừa thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ.
Dọc đường ra sân bay, tôi vẫn không thể rời mắt khỏi cửa xe. Qua sông Hồng, không gian càng trở nên bằng lặng hơn, lớp sương mù như dày thêm, khói sóng tỏa trên mặt nước. Tôi mấp máy môi nói lời tạm biệt một buổi chiều ngợp sắc hoa vàng như cổ tích. Để rồi khi quay trở về Sài Gòn đầy nắng gió, thi thoảng tôi vẫn ngẩn ngơ nhớ thương sắc vàng hoa cải giữa chiều đông Hà Nội, và tự hỏi: "Mùa hoa năm nay đã đến hay chưa?".
Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.