Ký ức Hà Nội: Nét bình dị giữa đất kinh kỳ

Phạm Thị Mỹ Liên (Quảng Nam) Thứ ba, ngày 13/06/2023 10:16 AM (GMT+7)
Tôi đến Hà Nội một ngày đầu hạ, lang thang cùng bạn qua những ngõ nhỏ và lại ngẩn ngơ với những gánh hàng rong...
Bình luận 0

Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến mang trong mình một vẻ đẹp dịu dàng, cổ kính nhưng cũng không kém phần hiện đại, trẻ trung. Chẳng phải tự nhiên mà những người con Hà Nội lại yêu nơi này đến như vậy!

Người ta yêu cái vẻ đẹp in đậm ký ức lịch sử của những con phố nghìn năm, cái vẻ nhộn nhịp, sôi động của một thành phố tấp nập, hay đơn giản người ta yêu Hà Nội qua những gánh hàng rong, những tiếng rao đêm khắc khoải. Tôi đến Hà Nội một ngày đầu hạ, lang thang cùng bạn qua những ngõ nhỏ và lại ngẩn ngơ với những gánh hàng rong.

Chẳng ai biết gánh hàng rong có từ bao giờ, chỉ biết nó gắn liền với sự phát triển, thăng trầm qua từng thời kỳ của Hà Nội. Sở dĩ gọi là gánh hàng rong là vì những người bán hàng ngày xưa thường sử dụng quang gánh để thuận tiện di chuyển. 

Với chiếc đòn gánh cong cong, những người phụ nữ tảo tần ấy bất kể nắng hay mưa, gánh trên vai những thứ thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt thường ngày của người dân. Và cứ như thế, chẳng biết từ lúc nào, mỗi khi nhắc về Hà Nội, người ta lại nhớ về những gánh hàng rong, như một cái gì đó rất đỗi bình dị, gần gũi và thân quen lắm.

Gánh hàng rong lưu động tiện lợi, chỉ cần dừng xe lại, đợi trong vài phút thực khách có thể mua vài món hàng. Hoặc ngồi lại chiếc ghế đẩu của gánh hàng rong bên vỉa hè, mọi người thưởng thức ẩm thực để cảm nhận sự giản dị, bình lặng của cuộc sống của đất Hà thành. Gánh hàng rong cùng tiếng rao thân thương góp phần tạo nên một nét độc đáo giữa Thủ đô sầm uất và hiện đại.

Ký ức Hà Nội: Nét bình dị giữa đất kinh kỳ - Ảnh 1.

Những gánh hàng hoa trên phố Hà Nội. Ảnh Doãn Nhàn.

Hầu hết người bán hàng đều là dân tỉnh lẻ hoặc vùng lân cận Hà Nội. Có lẽ do việc ruộng đồng không đủ trang trải cuộc sống, họ rủ nhau ra Hà Nội kiếm sống bằng những gánh hàng rong. Đằng sau chiếc quang gánh trĩu nặng ấy lại là một câu chuyện, một thân phận, một cuộc đời với biết bao trách nhiệm và giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở đấy ta thấy sự tần tảo của người phụ nữ Việt Nam, sự lo toan của những người cha hằn sâu vết chân chim. 

Hà Nội đẹp và thanh bình biết bao với những gánh hàng rong, với những tiếng rao trầm ấm vọng từng con phố, thoảng trong gió hương hoa nồng nàn. Những người xa quê vẫn lặng lẽ mưu sinh, vẫn ngày ngày rong ruổi khắp các con phố với mong muốn kiếm thêm để có sự trang trải cho gia đình. Với phương tiện chỉ đơn thuần là đôi quang gánh, chiếc xe đạp, những cái thúng, cái mẹt nhưng đựng trong đó lại là cả hương vị nồng nàn của tình thân.

Nhắc đến hàng rong thì không thể không nhắc đến những gánh hàng hoa, trên ấy rực rỡ những đóa cúc vàng hơn màu nắng, những sắc trắng tinh khôi của cúc họa mi hay phảng phất mùi hương thơm ngát làm say đắm lòng người của hoa bưởi. Dân Hà thành có thú chơi hoa. Chơi hoa thể hiện sự sang trọng, cuộc sống no đủ và sự tao nhã của người dân. Bởi thế gánh hàng hoa đã len lỏi vào đời sống người dân đô thị nơi đây từ rất nhiều năm rồi.

Theo bước chân của thời gian, Hà Nội dần chuyển mình thay áo mới. Những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm, những nhà hàng sang trọng, những quán cà phê lấp đầy đường phố. Thế nhưng, người ta vẫn không thể nào quên được hình ảnh đôi quang gánh quen thuộc cũng như những tiếng rao thân thương.

Mặc cho thành phố ngày càng đổi mới, những gánh hàng rong cứ thầm lặng làm nhiệm vụ của nó, trở thành sợi xích thời gian níu giữ lại những nét đẹp xưa cũ, tinh hoa văn hóa thấm đẫm cái hồn của người Tràng An. 

Ký ức Hà Nội: Nét bình dị giữa đất kinh kỳ - Ảnh 3.

Gánh hàng rong lưu động tiện lợi, chỉ cần dừng xe lại, đợi trong vài phút thực khách có thể mua vài món hàng. Ảnh: Nguyễn Đức.

Bạn tôi nói: những người con Hà Nội, dẫu có đi xa đến đâu, thì trong ký ức của họ, hình ảnh gánh hàng rong cùng những tiếng rao đã in dấu thật đậm, thật sâu. Để rồi, khi bỗng nghe đâu đó tiếng rao, lòng lại da diết nhớ về quê hương, để bỏ lại những tấp nập, bon chen, áp lực của cuộc sống, tìm về gánh hàng rong để nhớ về chút gì đó bình yên, dung dị.

Giữa cái nắng hè oi ả, dạo phố phường Hà thành mà được xúc miếng tào phớ chan nước đường pha vừa miệng, ướp hoa nhài tươi hoặc hoa bưởi dường như cái nắng hè kia đã rút lui tự bao giờ. Ngồi xuống chiếc ghế đẩu, tôi bắt đầu thưởng thức bát tào phớ ngọt lịm.

Ngày tháng cứ qua đi, gánh hàng rong Hà thành đã làm nên nét riêng không đâu có khiến nhiều người phải nao lòng mỗi khi tới mảnh đất ngàn năm này. Những gánh hàng rong tưởng chừng thoáng quan ấu cũng đủ để cái tên Hà thành sẽ thật sâu nặng trong ta, để rồi chưa đi thì mong chờ, đến rồi thì lưu luyến và khi vừa rời khỏi đã muốn quay lại.

Hình ảnh những cô bán hàng rong dáng vẻ mình hạc sương mai gầy guộc, bước đi nhẹ nhàng, nhanh nhẹn rong ruổi khắp phố phường gây nhiều nỗi ám ảnh về những số phận, những mảnh đời nặng gánh mưu sinh. Chợt nhận ra rằng đằng sau một Hà Nội phồn hoa vẫn còn những mảnh đời nhọc nhằn, cơ cực.

Trong tâm trí biết bao thế hệ người dân Thủ đô, những gánh hàng rong không chỉ là ký ức mà còn chứa đựng những nét văn hóa độc đáo với một sắc màu rất riêng. Sẽ ra sao nếu mai này trên đường phố vắng một tiếng rao đêm, vắng bóng hình ảnh người phụ nữ tảo tần chân quê mảnh mai gánh trên vai chiếc đòn gánh cong hai đầu như vành trăng khuyết, đem bốn mùa đến cho mọi người.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem