Dân Việt

Rối loạn tâm thần bị chẩn đoán nhầm thành suy nhược cơ thể, thần kinh

Bạch Dương 03/07/2023 12:09 GMT+7
90% người bệnh có các vấn đề về rối loạn tâm thần chưa được tiếp cận điều trị một cách chính thức. Một số trường hợp được chẩn đoán thành suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh…
Rối loạn tâm thần bị chẩn đoán nhầm thành suy nhược cơ thể, thần kinh - Ảnh 1.

Người dân nhận thuốc điều trị tâm thần tại trạm y tế Hiệp Phước. Ảnh: B.D

TS.BS Lại Đức Trường, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, trên thế giới cứ 8 người sẽ có 1 người mắc chứng tâm thần. Đặc biệt tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng tương đương mặt bằng chung trên thế giới.

Đáng chú ý, người dân dễ nhầm tưởng tâm thần là chứng rối loạn tâm thần nặng (điên loạn). Tuy nhiên những biểu hiện như lo âu, trầm cảm, loạn thần do rượu cũng được coi là rối loạn tâm thần. Năm 2020, do Covid-19, tỷ lệ lo âu và trầm cảm lần lượt 26% và 28%.

Tại Việt Nam, tâm thần phân liệt chỉ chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số nhưng trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần, lạm dụng rượu chiếm 5-10%. Số liệu cũng cho thấy khoảng 13-14% dân số Việt Nam gặp các vấn đề về rối loạn tâm thần, bao gồm rối loạn trong suy nghĩ, tình cảm và hành vi. Trong đó, trầm cảm và lo âu phổ biến nhất.

Thống kê cho thấy khoảng 90% người bệnh có các vấn đề về rối loạn tâm thần chưa được tiếp cận điều trị một cách chính thức. Một số trường hợp được chẩn đoán thành suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh…

Trong khi đó, theo thống kê năm 2020, có khoảng 1.000 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chủ yếu tập trung ở trung ương và các TP lớn, không tập trung ở các tuyến y tế cơ sở. Tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ đạt 0,99/100.000 dân; 2,89 điều dưỡng tâm thần/100.000 dân, 0,11 tư vấn tâm lý/100.000 dân. Trong khi đó, các tỷ lệ tương ứng trung bình của thế giới lần lượt là 1,7 - 3,8 - 1,4 trên 100.000 dân.

"Chuyên ngành tâm thần tại Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt thòi, hạn chế. Bệnh viện chuyên về tâm thần nhiều nơi còn yếu hơn rất nhiều so với trung tâm y tế quận, huyện. Nếu ở Úc, lương bác sĩ tâm thần cao gấp đôi chuyên ngành khác thì ở Việt Nam, không ai muốn theo đuổi chuyên khoa này vì thu nhập thấp", TS Trường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khoảng cách điều trị còn lớn, tâm lý trị liệu còn hạn chế vì bác sĩ chuyên khoa tâm thần chủ yếu tập trung ở các thành phố. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho phụ nữ, trẻ em… thiếu trầm trọng. Vì vậy, TS Trường khuyến nghị cần bảo đảm tăng cường các dịch vụ toàn diện như thuốc, tư vấn tâm lý, phục hồi chức năng, dịch vụ cho các rối loạn tâm thần thường gặp.

Bác sĩ Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng ở TP.HCM bao gồm Bệnh viện Tâm thần và 21 phòng khám tâm thần quận, huyện, 312 trạm y tế.

Thời gian tới, bệnh viện sẽ triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần về tới tận trạm y tế để bệnh nhân thuận tiện lấy thuốc và được chăm sóc bởi y tế cơ sở.