Gọi tên là Cái Mắt Lẻ, có lẽ bởi vì hình dáng của hòn đảo nhỏ trông như một con mắt khi nhìn từ trên cao. Bãi nhỏ, còn nguyên vẻ hoang sơ với bãi cát như dát vàng uốn lượn theo lớp sóng. Trên bãi còn có rừng ngập mặn là các bụi cây sú, vẹt lâu năm nhưng không cao hơn đầu người là mấy, chỉ có chúng mới mọc được trên đất ngập nước.
Mùa hè, Cái Mắt Lẻ là nơi tắm lý tưởng vì bãi cát thoải rộng, không hề có bất cứ vỏ ốc, vỏ hà nào nên thoải mái đi chân trần trên đó, cát tơi xốp ôm vào bàn chân.
Ông Quang Tiến, chủ một nhà bè ở ngay bến thuyền tiết lộ: “Người dân ở đây ngày nào cũng ra bắt cua, ốc, đào sá sùng. Còn du khách đến trải nghiệm bất cứ lúc nào trừ khi nước thủy triều dâng cao, luôn có dịch vụ thuyền và ăn uống tại chỗ”.
Vốn là dân đi biển khắp vùng vịnh này nhiều năm, ông Tiến đã nhìn ra vị trí độc đắc của Mũi Chùa và quyết định dựng nhà bè từ cách đây hơn 20 năm, để gia đình mình an cư tại đây. Giờ con trai ông, anh Tô Tuyên Quang, là người tiếp quản và phát triển công việc kinh doanh trên nhà bè người cha gây dựng.
Quang khẳng định: “Mùa hè, ra đây tắm, ngắm cảnh hoàng hôn, nghịch cát, mò ngao, bắt ốc, chơi cả ngày không muốn về!”. Thật vậy, đến đây vừa có thể bơi lội, vui đùa với sóng biển, chạy thỏa thích trên những vồng cát tơi xốp dưới chân, lại trải nghiệm cuộc sống địa phương.
Tất cả gói gọn trong chuyến đi ngắm biển hoang sơ mà ít nơi có được, Tiên Yên còn là một vùng đất đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa.
Hoàng hôn, đi thuyền trên sông nghe bóng chiều xuống thấy như đang ở “miền cổ tích” nào rất xa, thực ra Tiên Yên chỉ cách Hạ Long hơn 90km về phía đông bắc và nếu tính theo đường thủy thì xuôi thuyền máy nửa buổi là đã tới vịnh Bái Tử Long.
Nằm ở ngay khu vực cửa sông, mặt nước ven biển, Tiên Yên đa dạng nhiều sắc mầu, quanh biển Mũi Chùa vừa có rừng ngập mặn Đồng Rui, lại có thác Pạc Sủi, có con sông mang tên huyện chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Thị trấn Tiên Yên nhỏ nhắn, khác biệt với những đô thị khác ở Quảng Ninh dù không hề biệt lập về khoảng cách địa lý.
Có lẽ bởi vậy, thế mạnh của vùng huyện Tiên Yên là kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông quốc gia, gần thị trường tiêu thụ lớn, có nguồn nguyên liệu đầu vào về nông lâm sản tại địa phương.
Thị trấn cũ lâu dần thành cổ…
Tiên Yên trong lịch sử từng là một thương điếm nơi các tàu buôn quốc tế dừng nghỉ trước khi vào Phố Hiến, đã có nhiều ghi chép chứng minh điều này.
PGS, TS Hoàng Anh Tuấn, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trong bài viết “Hải cảng miền Đông Bắc và hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỷ XVII qua các nguồn tư liệu phương Tây” cũng đã đề cập đến “Vạn Ninh” và “chiến lược Tinnam” (tên gọi của Tiên Yên trong thư tịch cổ phương Tây), cho rằng Tiên Yên được người Hà Lan chọn để mở thương điểm thứ hai tại Đàng Ngoài trong những năm 60 của thế kỷ XVII, tuy nhiên không thành.
Theo ông, nghiên cứu của tác giả Tống Văn Lợi (Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng “Tinnam là biến âm của Tiên An hay Tiên Yên”.
Trong khi đó người Pháp và người Hà Lan trong các thư tịch cổ cũng đề cập “tỉnh Tenan có nguồn lợi chính là gạo”, có sự trùng khớp với thực tế là các vùng ruộng bậc thang trồng lúa nước của đồng bào dân tộc thiểu số các xã miền núi của Tiên Yên.
Đến những năm đầu thế kỉ XX, Tiên Yên từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa nơi các cơ quan hành chính đóng tại đây. Tháng 8/1954 giải phóng Tiên Yên, đây cũng là một trong những nơi Pháp rút sớm nhất miền bắc, nhưng chiến tranh nhiều năm tàn phá nên mảnh đất mãi vẫn cứ tiêu điều xác xơ.
Đến năm 1957 các cơ quan đầu não từ Tiên Yên chuyển về Móng Cái, để lại một loạt các công trình từng là cơ quan công quyền, mang kiến trúc độc đáo.
Gần mười năm trước tôi có dịp ghé thị trấn Tiên Yên, ông Cấn Đình Loan, nghệ sĩ nhiếp ảnh kì cựu của đất Tiên Yên nói với tôi rằng, nhiều người đến đây nghe giới thiệu là “cổ trấn”, thực ra theo ông, chỉ là phố cũ. Khi tìm kiếm tư liệu và hình ảnh về phố Tiên Yên trong văn bản cổ của nước ngoài cũng không nhiều, có chăng tìm được vài hình ảnh lẻ tẻ ghi lại toàn cảnh Tiên Yên từ kho ảnh của Pháp năm 1950 và một vài hình ảnh phố chính của tác giả Robert Tison, vài tấm ảnh không tên. Ông nhớ lại, trong những bức ảnh chụp thị trấn cách hơn 20 năm cũng vẫn bắt gặp nhiều ngôi nhà mái ngói âm dương.
Lúc đó, phố Tiên Yên chưa là “phố” như bây giờ. Thời gian qua đi, cơn lốc đô thị hóa cuốn đến bắt đầu thời kỳ xây dựng mới, kết quả là bây giờ Tiên Yên chỉ còn vài ba ngôi “nhà cổ” sót lại. Bây giờ, trên các tuyến phố đã mọc lên những ngôi nhà mới hoàn toàn, không còn hoặc thảng chỉ lẻ tẻ những nếp nhà cũ kiểu xưa.
Buổi tối, theo ông Tiến đi câu mực, ông có nhắc đến việc người dân ở đây đang trông chờ vào quy hoạch xây dựng huyện Tiên Yên. Quy hoạch đã được tỉnh Quảng Ninh công bố với chiến lược đến năm 2040, tầm nhìn năm 2050, khu vực Tiên Lãng sẽ phát triển trọng tâm đô thị mới, đô thị sinh thái ven sông và phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm giáo dục, y tế, khu liên hợp thể thao…
Rất nhiều kế hoạch mới tham vọng đang chờ đợi vực dậy một vùng đất “cũ”. Còn theo thống kê không chính thức, kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay đã có 1.500 lượt khách đến Mũi Lòng Vàng và bãi Cái Mắt Lẻ, đây còn là con số khá khiêm tốn so với các điểm nóng du lịch khác của tỉnh Quảng Ninh.
Đã có quy hoạch, cảnh xưa cũng đang dần mất, nhưng phố mới vẫn chưa làm tới, Tiên Yên vẫn cứ là một thị trấn cũ lâu dần thành cổ...
Sách Voyages and Discoveries của W.Dampier viết: “Mùa hè năm 1661, Batavia cử tàu Mekiskerken đi Đàng Ngoài với sứ mệnh thám hiểm Tinnam. Sau khi được triều đình Đàng Ngoài đồng ý, tháng 3/1662 người Hà Lan dong thuyền đi qua Hải Phòng ngược về mạn bắc, qua Hạ Long để tiến vào khu vực Vạn Ninh (Quảng Ninh)”.
Người Hà Lan và người Anh gọi khu vực Vạn Ninh (Quảng Ninh) là Tinnam (hoặc Tenam/Tenan). Trong phần mô tả địa lý của vương quốc Đàng Ngoài, W.Dampier cho rằng “tỉnh Tenan là tỉnh ở quá về phía đông nhất, giáp Trung Quốc về phía Đông Nam. Giáp đảo Hải Nam về phía Nam và phía Tây Nam... Tenan là một tỉnh nhỏ, nguồn lợi chính là gạo”.