Dữ liệu thống kê của PV Dân Việt cho thấy, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã có bước điều chỉnh mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm nay, cùng với đà trượt dài của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới sau dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây tỷ giá đã "nóng" lên, đặc biệt là tốc độ tăng thấy rõ hơn sau lần giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 vào hồi cuối tháng 6 vừa qua.
Chẳng hạn như tại Vietcombank, tỷ giá mua/bán đồng bạc xanh hiện đã tăng 120 đồng kể từ khi giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 (từ 19/6), trong đó từ cuối tháng 6 đến nay giá mua/bán USD tăng 60 đồng/USD. Tương tự, tại BIDV giá mua vào/bán ra USD cũng đã tăng lần lượt 135 đồng và 80 đồng/USD so với phiên giao dịch 19/6 và 30/6.
Đáng chú ý là khoảng cách giữa thị trường ngân hàng và thị trường chợ đen có sự chênh lệch đáng kể. Hiện tỷ giá bán ra trên thị trường chợ đen là 23.750 đồng/USD, thấp hơn 60 đồng/USD so với giá bán USD tại các ngân hàng như Vietcombank, BIDV,…
Đặc biệt, tính đến hôm nay 08/07, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lên mức 23.833 VND/USD, tăng 206 VND/USD so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 26 VND/USD.
Tính chung với cả tháng 6, giá bán USD tăng tương ứng khoảng 0,8%, đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2022. Theo giới phân tích, việc tỷ giá tăng lên được đánh giá là một tín hiệu cần phải chú ý trên thị trường.
Các chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hiện tại chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4 điểm % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6 điểm % đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng. Tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất VND cao hơn khoảng 0,3-1,4 điểm % so với lãi suất USD.
"Chênh lệch lãi suất nới rộng hiển nhiên sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), và tạo nên áp lực mất giá tiền đồng. Trong 3-6 tháng tới, chúng tôi nhận thấy có một số tiền đề có thể tăng thêm áp lực mất giá tiền đồng", các chuyên gia nhận định.
Theo dự báo đưa ra, mức xem xét tiếp theo đối với tỷ giá USD/VND là 24.500 đồng/USD. Các chuyên gia cũng lưu ý, tỷ giá USD/VND thậm chí có thể tăng vượt mức này nếu đồng USD tăng tốc mạnh nhưng áp lực có thể không mạnh bằng năm trước do năm nay Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát trong xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối đang được tích lũy trở lại.
Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích tại VnDirect cùng đưa ra nhận định, sức ép tỷ giá cuối năm sẽ phụ thuộc vào diễn biến lãi suất USD cũng như định hướng hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước. Bên cạnh đó, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 cũng sẽ góp phần làm tăng nguồn cung ngoại tệ.
Ông cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, mức độ dao động không quá 2% so với hồi đầu năm, cùng đó lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,5%/năm vào cuối năm.
Tại tọa đàm mới đây, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, tỷ giá thường chịu áp lực cao hơn vào quí 3 so với các thời điểm khác trong năm. Riêng từ tháng 6 và những ngày đầu tháng 7 thì đã có mức độ mất giá nhất định.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong điều kiện dư địa dù đỡ eo hẹp hơn, nhưng điều hành chính sách tiền tệ bên cạnh sự linh hoạt vẫn cần thận trọng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chưa nên thay đổi điều hành chính sách tỷ giá, mà tiếp tục duy trì như hiện tại. Với diễn biến hiện tại cùng với nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn, TS. Võ Trí Thành dự báo, tỷ giá năm nay sẽ tiếp tục được duy trì ổn định.