Chia sẻ tại Hội nghị online chủ đề "Kết nối hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số", do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức mới đây, ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp nhận định: "Phải thừa nhận chuyện khởi nghiệp bán hàng online đang là câu chuyện hot, phù hợp với lớp trẻ, thu hút rất nhiều người tham gia".
Thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam là có 4 mùa hoa trái, mùa nào cũng có sản phẩm đặc sản dồi dào, việc bán hàng onilne giải quyết được việc làm cho nhiều người, có thu nhập lớn, khai thác tốt lợi thế nông nghiệp vùng miền. Đặc biệt, nếu gắn với du lịch thì sẽ cực kì hiệu quả, giúp người tiêu dùng kết nối được với nông sản ở các vùng miền khác nhau.
"Ấn tượng của tôi là các hợp tác xã, chủ hộ, chủ trang trại có sản phẩm đặc thù riêng biệt đã ăn nhập với thị trường rất nhanh. Ví dụ một số thanh niên dân tộc thiểu số trên trên Bắc Kạn đã nhờ mạng kết nối được với thị trường, đưa nông sản từ miền núi về với đồng bằng và tiêu thụ rất tốt.
Thị trường online phù hợp với các bạn trẻ bởi tích hợp được nhiều tiện ích: Thanh toán, vận chuyển, so sánh sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các bạn đang đi đúng hướng nhưng có vẻ mới tập trung 3 vấn đề: sử dụng phầm mền; bán được hàng và thu hút nhiều người xem" - ông Hoàng Trọng Thủy nhận định.
Theo ông Thủy, trong quá trình bán hàng, một số bạn trẻ bị lúng túng trong khâu tìm nguồn hàng và xác định khách hàng chủ đích, do đó hầu hết việc bán hàng trên nền tảng số hiện nay mới là tổng hợp và bán nông sản, còn nông sản nhằm vào mục tiêu có chủ đích chưa được các bạn thực sự quan tâm.
Bên cạnh đó, khâu tương tác với khách hàng, giải quyết các vấn đề với khách hàng còn yếu mà mới tập trung bán hàng. Thiếu nhân lực giải đáp các vấn đề với khách hàng, khi thiếu vấn đề này thì tính truyền thông về mặt hàng sẽ bị hạn chế. Vì vậy việc phát triển thị trường, kết nối học tập và trao đổi của các bạn cũng còn khá khiêm tốn.
Về những vấn đề cần lưu ý để khởi nghiệp, kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số đạt hiệu quả cao, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh: Thứ nhất, hầu hết các bạn đều đang gặp khó khăn trong kiểm soát vận chuyển. Cách chủ động nhất là tự mình đảm nhiệm khâu đóng gói như thế nào cho chủ động, ví dụ vận chuyển hải sản mà không có thiết bị chuyên dùng thì chất lượng rất dễ xuống cấp.
"Tôi lấy ví dụ việc nông dân Hòa Bình bán cam, tùy từng địa điểm, đi xa hay gần mà đảm bảo việc đóng gói sao cho phù hợp, để hàng tới tay người tiêu dùng luôn giữ được chất lượng tốt nhất" - ông Thủy nêu.
Thứ 2, yêu cầu cao nhất đối với người tiêu dùng chính là sự chân thật. Hình ảnh sản phẩm khi các bạn quảng bá trên các kênh bán hàng phải luôn là những sản phẩm được chụp, quay từ sản phẩm thật sẽ giao cho khách.
Ngoài ra chúng ta nên có cách để cung cấp tới người tiêu dùng nguồn gốc của sản phẩm một cách rõ ràng, minh bạch, nhìn rộng ra đây chính là cách đối thoại với thị trường, tiệm cận gần hơn với cách bán hàng chuyên nghiệp.
Thứ 3, khi live các bạn thiếu tự tin là do chúng ta chưa chuẩn bị được tâm lý của mình, đương nhiên, các bạn đã bước vào vòng phát triển phải đối diện với nhiều mâu thuẫn mà khi chưas ẵn sàng về tâm lý sẽ dễ bị "sốc", dễ bị ảnh hưởng bởi những lời nói, phản ánh của khách hàng. Tôi cho rằng điều này cũng là bình thường do các bạn cũng mới bắt đầu thời gian ngắn, do đó, rất mong các bạn sẽ giữ được bản lĩnh, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện khâu bán hàng để có thể vượt qua được những thử thách, mâu thuẫn này.
"Thứ 4, hình như các bạn rất thiếu kịch bản phòng chống rủi ro. Nếu người khác lấy hình ảnh, video của các bạn thì các bạn sẽ mất hết tất cả những gì mình đã xây dựng. Vì vậy, cần phải có những kịch bản cho trường hợp này, mà một trong những cách hiệu quả nhất chính là chứng minh được nguồn gốc sản phẩm và có sự liên kết với các đầu mối bán hàng. Như vậy sẽ luôn đảm bảo nguồn hàng chính gốc, đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng cung cấp đủ tới tay khách hàng" - ông Thủy phân tích.