Mật ong gần đây được rất nhiều người ưa chuộng sử dụng. Nuôi ong lấy mật là một nghề có từ khá lâu đời ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình chỉ nuôi theo các biện pháp thủ công truyền thống nên chưa khai thác được hết hiệu quả từ bầy ong. Bên cạnh đoa, không phải người nuôi ong nào cũng nắm được các kỹ thuật cơ bản của quá trình nuôi ong.
Bởi vậy, trong số tuần này, chương trình Sổ tay Nhà nông sẽ cùng bà con tìm hiểu về kỹ thuật nuôi ong đem lại hiệu quả kinh tế cao.
SỔ TAY NHÀ NÔNG: Kỹ thuật chăm sóc ong mật đạt hiệu quả cao
Để có đàn ong chất lượng tốt, mang về hiệu quả kinh tế cao thì bà con phải chọn được giống tốt. Đàn ong mật phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, ong chúa dưới 6 tháng tuổi, không nhiễm bệnh ấu trùng, quân đậu kín hai mặt, bánh tổ mới. Trước khi bắt ong về nuôi, bà con nên tìm hiểu kỹ về đặc điểm, tính chất, khả năng sản xuất mật ong, khả năng thích nghi với môi trường của đàn ong.
Thức ăn của ong chủ yếu là phấn và mật hoa tự nhiên, do đó phải đặt thùng ong ở nơi có nguồn hoa phong phú. Trong quá trình nuôi ong bà con cần phải di chuyển qua nhiều địa điểm để ong dễ dàng tìm kiếm thức ăn.
Vào những thời điểm các mùa hoa đã hết, bà con cần bổ sung thức ăn như các loại phấn hoa vitamin, nước đường, bột đậu nành để đàn ong không bị đói dẫn đến bốc đàn và chết. Bà con hòa tan đường trong nước ấm để làm thức ăn bổ sung cho ong với tỉ lệ 1:1, sau đó để nguội và cho ong ăn trong 3 đến 4 buổi tối liên tiếp.
Các cầu ong sau một thời gian nuôi sẽ bị bẩn do tích chứa phân ong sẽ làm cho ong chúa không thể đẻ trứng vào được làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của đàn ong. Vì vậy cần phải thay cầu ong (hay bánh tổ ong) định kỳ. Bà con có thể mua những bánh tổ ong mới nhân tạo và đặt vào thùng đàn ong xây thành tổ rất nhanh.
Trong quá trình chăm sóc, bà con cần kiểm tra đàn liên tục để duy trì con ong chúa tốt cho mỗi đàn. Khi ong chúa già cần được thay thế bằng cách kích thích để đàn ong tự tạo ong chúa mới hoặc đưa mũ ong chúa tốt từ đàn ong khác sang. Ong chúa tốt có thân hình lớn, đẻ đều, đẻ nhiều trứng, tỷ lệ trứng thụ tinh cao. Khi đàn ong đã phát triển đông đúc, chủ động tạo thêm mũ chúa để đàn ong sớm sẻ thành 2 đàn một cách.
Bà con cần lưu ý đến giai đoạn tách đàn để phát triển thêm đàn ong, tăng khả nặng tạo mật. Tránh để ong tự chia đàn tự nhiên, như vậy sẽ làm giảm năng suất mật. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ong tách đàn tự nhiên thường do quá nhiều nguồn thức ăn, ong phát triển tốt, đông quân, không có chỗ cho ong chúa sinh sản hoặc do nguồn thức ăn kém, thưa quân, ong chúa không đủ khả năng sinh sản. Do vậy, việc quan sát để tách đàn ong rất cần thiết.
Bà con có thể tách đàn ong theo 2 hình thức:
Hình thức 1: Chia đàn ong ban đầu thành 2 đàn ong mới đặt song song với nhau cách đều vị trí ban đầu. Bà con nên tiến hành chia vào buổi chiều, sau khi vệ sinh sạch sẽ các thùng đặt cạnh đàn định chia, chia đều số cầu, số quân, số con (trứng, ấu trùng, nhộng) thức ăn về 2 đàn ong. Đặt 2 thùng ong song song với nhau về 2 bên và cách vị trí đàn cũ khoảng 20 – 30cm, cần biết rõ ong chúa ở đàn nào để đưa mũ chúa vào đàn không chúa. Quan sát ong đi làm về, nếu đàn nào về nhiều cần dịch ra xa và đặt đàn kia gần lại. Trường hợp ong vẫn về 1 đàn sau khi điều chỉnh cần đổi vị trí 2 đàn cho nhau. Chú ý nếu chia đàn sử dụng mũ chúa, khi chúa tơ đã tập bay thì không được điều chỉnh vị trí đàn chia nữa.
Hình thức 2: Chia đàn rời chỗ tức là bà con tách một phần đàn ban đầu sau đó chuyển đến chỗ mới cách vị trí đàn cũ khoảng 1 km trở lên.
Bà con mang thùng mới đặt cạnh đàn định chia. Tách 1 nửa hoặc một phần đàn bằng các cầu có mật vít nắp, phấn và con, quân phủ kín cầu cho vào thùng và đưa đến nơi có địa hình quang đãng. Nên để đàn có giới thiệu mũ chúa lại, trường hợp giới thiệu mũ chúa vào đàn chuyển đi nên giới thiệu mũ chúa sau khi đàn ong đã được chuyển đến nơi mới.
Trên đây là một số kỹ thuật chăm sóc đàn ong đơn giản, đem lại hiệu quả cao.
Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2,3,5,6 trên trang web Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.
Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com