Để làm muối trắng tinh khiết, diêm dân xã Bạch Long phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, phơi mình dưới cái nắng hè gay gắt trong nhiều giờ đồng hồ.
Diêm dân xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định phấn khởi vì giá muối năm nay cao hơn so với năm ngoái. Video: Lãng Hồng.
Đó là câu mà người dân xã Bạch Long nói với chúng tôi khi nhắc về câu chuyện nghề làm muối. Cái nghề mà người dân chỉ mong trời nắng, chứ không mong mưa. Hễ ngày nào, chương trình Dự báo thời tiết dự báo trời sắp có mưa dông kéo dài, sắc mặt họ thay đổi nhanh chóng. Mặt buồn rười rượi.
Cũng đúng thôi, vì mọi thu nhập chính của họ đều trông chờ vào ruộng muối. Có nắng là có thu nhập. Còn mưa dai, kéo dài thì mọi người chỉ biết nhìn nhau, luẩn quẩn trong góc nhà...
Theo người dân xã Bạch Long, năm nay thời tiết thuận lợi hơn so với năm ngoái. Trời nắng to, thời gian nắng kéo dài nên sản lượng muối thu về nhiều, hạt muối trắng và to đều.
Một buổi chiều đầu tháng 7, trời nắng như đổ lửa, khi cái nắng vẫn còn rát mặt, từng tốp người ở xã Bạch Long nuối đuôi nhau ra cánh đồng muối. Họ là những diêm dân lớn tuổi, còn bám trụ với nghề của cha ông để lại.
Dụng cụ đi làm, chỉ có chang gạt muối, xẻng và xe cút kít chở muối; kèm theo đó là những phồm nước, chai nước đá để giành uống những lúc giải lao, mệt nhọc.
Mùa này, cái nắng, gió biển không hề dễ chịu; nắng đến khô cát, rát chân. Do đó, ai nấy đều bảo hộ kín mít, từ đầu xuống chân; chỉ để hở đôi mắt để quan sát làm việc.
Tôi theo chân vợ chồng ông Nguyễn Văn Đức và bà Phạm Thị Oanh (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy) ra cánh đồng muối rộng 4 sào của gia đình ông bà trong cái nắng nóng như thiêu đốt.
Vừa ra tới ruộng, vợ chồng ông Đức, bà Oanh mỗi người một việc. Ông Đức thì thu dọn cát khô đưa vào hệ thống lọc, rồi múc nước nước biển vào ang bể để lọc nước mặn, bà Oanh thì dùng chang gạt gọn những hạt muối đã kết tinh trên những ô chạp thành đống cho ráo nước.
Vừa làm, ông Đức vừa tâm sự, nghề làm muối rất vất vả, sáng sớm tinh mơ khi nhiều người vẫn đang chìm trong giấc ngủ, thì vợ chồng ông đã phải ra đồng muối để múc những gầu nước mặn đã lọc từ hôm trước đổ vào các ô chạp; sau đó xúc từng xẻng cát mịn trải đều ra sân phơi (khoảnh đất phẳng - PV) với mục đích dùng ánh nắng mặt trời phơi khô để muối kết tinh trên hạt cát.
Mặt trời ló lạng, cũng là lúc ông bà thu dọn đồ đạc, trở về nhà nghỉ ngơi, dưỡng sức để chuẩn bị cho 1 buổi chiều cùng ngày "đằm" mình dưới cái nắng gắt. Ở Bạch Long, người dân thu hoạch muối lúc trời đang nắng đỉnh điểm nhất.
"Công đoạn làm muối ngày nào cũng như ngày nào. Sáng ra đồng sớm, tối muộn mới về nhà. Thời gian ở ngoài cánh đồng muối nhiều hơn ở nhà", ông Đức nói, rồi dùng vạt tay áo lau vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên đôi gò má đen sạm.
Buổi chiều hôm ấy, công việc chính của ông Đức là dọn cát phơi trên nền đất, múc nước biển vào hệ thống lọc để chắt lọc nước mặn và xúc muối lên xe cút kít để chở về nhà kho…
Chiếc áo bay ông Đức mặc thấm đẫm mồ hôi, hiện rõ trên lưng áo. Sau gần 2 tiếng làm quần quật trên cánh đồng muối, khi miệng khô, khát nước, ông Đức mới nghỉ tay vào bóng râm "hưởng" gió trời, tu một hơi dài nước lạnh.
Ông Đức nhẩm tính, cả ngày hôm nay, vợ chồng ông làm được khoảng 8 phương muối, tính ra là 2 tạ muối. Mỗi phương muối bán với giá dao động từ 55.000 - 60.000 đồng, như vậy vợ chồng ông thu về hơn 400.000 đồng/ngày.
"Với giá bán như trên thì vợ chồng tôi làm đã có thu nhập, cao hơn so với mọi năm. Tính kỹ ra thì ngày công làm muối tuy không bằng nhiều ngành nghề khác, nhưng với vợ chồng tôi, mỗi ngày thu về hơn 400.000 đồng/2 người là cũng tạm ổn rồi", ông Đức tâm sự.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) thông tin, nghề sản xuất muối biển của địa phương đã có khoảng 60 năm nay.
Thời hoàng kim, tổng diện tích sản xuất muối của toàn xã gần 250ha. Trong đó, giai đoạn từ năm 2005 - 2015 là khoảng thời gian nghề sản xuất muối của xã Bạch Long phát triển mạnh nhất.
"Thời điểm đó, mỗi năm, diêm dân xã Bạch Long sản xuất và cung ứng ra thị trường dao động từ 22.000 - 25.000 tấn muối biển", ông Quang cho hay.
Tuy nhiên, từ năm 2015 - 2018, nhiều người dân trên địa bàn xã không còn mặn mà với nghề sản xuất muối, nên diện tích sản xuất muối giảm nhanh.
Theo ông Quang, năm 2020, chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp lắng nghe ý kiến của người dân về nhu cầu sản xuất muối. Qua tổng hợp, có rất nhiều hộ dân mong muốn bám trụ với nghề (chiếm khoảng 26% diện tích, tương đương với gần 62ha); diện tích còn lại, các hộ không sản xuất muối mong muốn chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng màu, nuôi trồng thủy sản.
"Hiện toàn xã có khoảng 62ha sản xuất muối biển. Diện tích sản xuất muối này đã được địa phương quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung tại cánh đồng muối 2 và 3. Phấn đấu mỗi năm, sản lượng muối toàn xã đạt trên 5.000 tấn", lãnh đạo UBND xã Bạch Long chia sẻ.
Ông Quang lý giải, diện tích sản xuất muối của địa phương giảm mạnh, tập trung vào một số nguyên nhân sau do: Những năm qua, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều ngành khác (như công ty dày da, may mặc…) có thu nhập cao hơn so với làm muối.
Hai là, do giá muối phụ thuộc nhiều vào thương lái. Ba là, do biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường nên công việc sản xuất muối không ổn định, không đảm bảo thu nhập cho người dân…
Hiện nay, trên địa bàn xã Bạch Long có 6 công ty, doanh nghiệp chuyên thu mua muối với số lượng lớn cho bà con diêm dân; ngoài ra có một số tiểu thương ở ngoài địa phương thu mua muối với hình thức buôn bán lẻ (nghĩa là tiểu thương chỉ mua 2 - 3 tạ muối/lần rồi đem đi đổ mối ở những cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ - PV). Do đó, người làm muối ở xã Bạch Long không phải lo đầu ra.
Ông Quang bộc bạch, hai năm trở lại đây, giá muối có sự biến động, tăng mạnh, nên diêm dân rất phấn khởi. Nếu như, thời điểm xuất hiện đại dịch Covid-19, giá muối bán ra chỉ khoảng 800 đồng/kg, thì sang năm nay có thời điểm giá muối lên tới hơn 2.900 đồng/kg.
"Địa phương đang phối hợp với Công ty cổ phần Muối và Thương mại Nam Định sản xuất 1 ha muối sạch, nên chất lượng muối được cải thiện nhiều. Qua đó, nâng cao giá trị, chất lượng hạt muối biển của địa phương", ông Quang nói.
Nhờ được định hướng từ sớm, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đến nay trên địa bàn xã Bạch Long đã có 7 sản phẩm muối được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm OCOP, đạt hạng 3 sao.
Được biết, hoạt động sản xuất muối biển trên địa bàn xã Bạch Long diễn ra quanh năm; thời tiết đẹp, có nắng là diêm dân kéo nhau ra đồng làm muối. Hiện tại, thời điểm này đang là sản xuất chính vụ, cho năng suất và sản lượng muối cao nhất.