Cần nguồn nhân lực chuyên nghiệp
Hiên nay, diện tích hoa, cây kiểng của TP.HCM là 2.325ha; bao gồm: Hoa lan 370ha; hoa nền 645ha; kiểng, bonsai 575ha; mai 765ha. Giá trị sản xuất bình quân mỗi năm ngành hoa kiểng khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. TP.HCM đã mã hóa thông tin dữ liệu của 2.400 hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng.
Tuy nhiên, ngành hoa kiểng hiện còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định, từ xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất; chưa chủ động đuợc nguồn giống cây trồng, đặc biệt là các giống hoa, cây kiểng...
Năm 2021, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3560 về danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn thành. Trong đó, nghề kỹ thuật trồng hoa kiểng, hoặc nghề trồng và chăm sóc hoa lan có thời gian đào tạo 300 giờ; mức học phí 2 triệu đồng/người/khóa học.
Bà Nguyễn Thị Bé, chủ vườn lan Minh Dũng ở huyện Củ Chi là người có nhiều năm trong nghề trồng hoa lan. Bà Bé cho rằng, công tác đào tạo, phát triển đội ngũ nguồn nhân lực cho ngành trồng hoa kiểng là hết sức quan trọng.
Theo bà Bé, TP.HCM không thiếu nguời chơi hoa và người chơi hoa giỏi, nhưng nguời làm hoa chuyên nghiệp thì không nhiều. Đối với người chơi hoa, họ thường tập trung vào việc tìm hiểu và thưởng lãm vẻ đẹp của hoa. Hoa chỉ cần đẹp, thỏa mãn nhu cầu bản thân người chơi hoa là đủ. Vấn đề hiệu quả kinh tế ít được người chơi hoa chú trọng.
Trong khi đó, người làm hoa chuyên nghiệp phải quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Sản phẩm hoa không chỉ thỏa mãn bản thân người làm hoa, mà phải đáp ứng nhu cầu của thị truờng. "Vì thế người làm hoa phải không ngừng học hỏi, liên tục đổi mới, phải đi kịp và nhiều khi đón đầu nhu cầu thị truờng"-bà Bé nói.
TS Bùi Minh Trí (Truờng Đại học Nông lâm TP.HCM) cho rằng, người làm hoa phải nắm được sở thích của số đông hoặc của từng nhóm tiêu dùng cụ thể để định huớng làm nghề. Nghĩa là, nguời làm hoa chuyên nghiệp phải có kỹ năng quản lý và kinh doanh để tạo ra lợi nhuận và phát triển bền vững.
Vì thế, việc đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực cho nghề trồng hoa kiểng, hình thành đội ngũ những nguời làm hoa chuyên nghiệp ở vùng nông thôn phải được thực hiện một cách bài bản để góp phần nâng tầm nghề hoa kiểng TP.HCM.
Tổ chức hệ thống đào tạo nghề đa dạng
Theo TS Trí, ngành trồng hoa và cây cảnh cần đào tạo một số nhóm nhân lực chuyên nghiệp. Trước hết là TP.HCM đào tạo đội ngũ các chuyên viên chuyên nghiên cứu và phát triển các giống mới. Những nhân sự này có khả năng định hướng và đưa ra các chiến luợc kỹ thuật phù hợp để phát triển các giống hoa kiểng mới có chất luợng cao.
TP.HCM cần đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật về chăm sóc cây hoa kiểng. Nhóm nhân sự này giúp đảm bảo chất luợng sản phẩm và tăng cao hiệu quả sản xuất hoa kiểng. TP.HCM cần đào tạo đội ngũ quản trị sản xuất, là những cá nhân có kỹ năng về quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, kiểm soát chi phí; và nắm bắt xu huớng thị trường. Song song đó là đội ngũ nhân viên thị trường để giới thiệu nhanh chóng, rộng rãi sản phẩm tới thị trường- TSTrí gợi ý.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, phát triển hoa lan, cây kiểng phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, thúc đẩy thị trường tiêu thụ, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của thành phố trong việc phát triển ngành hoa kiểng.