Trong cuộc hội thảo văn hóa gần đây ở đại học Seoul (Hàn Quốc), tôi khá bất ngờ vì bài nghiên cứu của một học viên người Hàn Quốc về hàng rong tại Hà Nội.
Khi nhìn bức ảnh chụp cận cảnh một gánh hàng hoa rực rỡ sắc màu và gương mặt sáng bừng dưới nắng của cô bán hàng, lòng tôi không khỏi xao xuyến. Kí ức về những năm tháng tuổi thơ mải mê với biết bao gánh hàng rong ở Hà Nội, chợt trở về êm đềm mà da diết giữa một chiều mùa hạ ướt đẫm vì mưa ở xứ Hàn.
Ai đã từng trải qua một khoảng đời niên thiếu ở Hà Nội chắc hẳn sẽ không xa lạ với hình ảnh những gánh hàng rong xuất hiện trên khắp các con phố, ngõ hẻm. Có cảm tưởng vào bất kỳ mùa nào trong năm, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà, chúng ta cũng đều thấy thấp thoáng trên phố xá Hà Nội biết bao gánh hàng rong.
Ở mảnh đất Hà thành này, hàng rong không chỉ đơn thuần là những hàng hoá vật phẩm để mưu sinh mà sâu xa hơn nó trở thành chứng nhân của thời gian, kết nối kí ức của biết bao thế hệ. Người Hà Nội như bắt gặp chính họ ở một thời đã qua. Hà Nội có thể đổi thay theo nhịp sống tất bật. Nhưng những gánh hàng rong chẳng bao giờ đổi đời trong tâm tưởng người Hà Nội.
Bản thân tôi cũng có những kí ức khó quên bên gánh hàng rong ở Hà Nội. Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi sống cùng ông bà ở ngõ Tây Sơn, vốn là một góc phố hẹp nằm lặng lẽ giữa thủ đô Hà Nội. Cư dân chung quanh đều là viên chức hoặc công nhân, người buôn bán nên tương đối bận rộn.
Chắc cũng vì lẽ đó nên mỗi sáng khi thức giấc, chỉ cần khẽ khàng mở khung cửa sổ, thò đầu xuống phố, sẽ bắt gặp vô số hình ảnh tiếng gọi quen thuộc của các cô gánh hàng rong bán bánh giò, xôi…để dành làm quà điểm tâm.
Buổi trưa, buổi chiều là tiếng rao của cô bán bánh rán, chè đậu đen, bánh bột lọc. Và đương nhiên, ngoài các thức quà bánh, các cô các bà còn thường xuyên gánh rau củ, thịt cá…rao bán dọc phố.
Có những hôm giao mùa, trời Hà Nội se lạnh, lảng bảng mây mờ, khi mọi người còn đang yên giấc, văng vẳng từ đâu đấy đã nghe thấy những tiếng rao. Nhiều người Hà Nội vì lẽ đó mà thành thói quen xem những âm thanh ấy như tiếng chuông báo thức chuẩn bị một ngày mới.
Rồi khi những tiếng rao khản đặc cất lên nặng nề, lộ rõ dấu hiệu mệt mỏi sau một ngày bôn ba trên khắp mọi nẻo đường đó là khi trời bắt đầu xế chiều và nhá nhem tối.
Theo lời bà tôi kể lại, đa phần người bán hàng rong đều là dân từ các tỉnh hoặc vùng lân cận Hà Nội. Vốn dĩ việc ruộng đồng không đủ nên vào những ngày nông nhàn, họ thường rủ nhau ra thành phố kiếm sống bằng những gánh hàng rong.
Chắc cũng vì đời sống khó khăn, cố gắng gánh gồng buôn bán từng ngày nên đại đa phần những người bán rong rất chăm chỉ.
Người bán hàng rong thường vốn ít, không có tiền để thuê cửa hàng. Vì không có chỗ bán cố định nên dường như công việc của họ phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn.
Họ hiền lành, tỉ mẫn chiều chuộng khách hàng với hi vọng kiếm được đầy đủ miếng cơm, manh áo nuôi sống bản thân cũng như chắt chịu tiền bạc để gửi về cho gia đình. Đó cũng là lí do mà bà tôi khi mua hàng rong ít khi trả giá. Người bán nói giá bao nhiêu, bà sẽ nhẹ nhàng đưa tiền ra trả, đôi lần còn hào phóng cho họ thêm ít đồng về xe.
Khi thấy tôi có vẻ băn khoăn, bà mỉm cười hiền hậu giải thích: "Con đừng trả giá cò kè, "bớt một thêm hai" với những người bán rong. Gia cảnh họ đã quá khó khăn mới đến Hà Nội, chứ chẳng ai muốn bỏ quê lên phố. Bà cháu mình giúp họ thêm được đồng nào thì tốt đồng ấy, con nhé".
Mãi cho đến khi trưởng thành, khắc ghi lời bà dạy, tôi thường giữ thói quen biếu thêm ít tiền cho các ông bà, cô chú bán hàng rong. Dẫu chỉ là "của ít lòng nhiều" nhưng cũng ít nhiều an ủi được sự vất vả, tảo tần giữa cuộc gánh gồng mưu sinh của họ. Cũng bởi, có những người bán hàng rong nhìn đơn thuần như thế nhưng lại gánh cả trên vai một gia đình lớn cần chăm sóc, tương lai của nhiều đứa trẻ cần bận lòng.
Thi thoảng, có dịp quay về Hà Nội, bước ra phố vào những buổi ban mai, bắt gặp những chiếc xe đầy hoa trôi bồng bềnh trong làn sương hư ảo, lòng tôi không khỏi nao nao xúc động. Mùa nào, các bà các cô sẽ chọn đúng loại hoa đang bừng nở nhất để mang ra phố bán. Điều đặc biệt là những người bán hoa hiếm khi cất tiếng rao hay mời gọi quá mức với khách hàng.
Họ chỉ lặng lẽ chất đầy hoa lên xe rồi khẽ khàng đạp chầm chậm quanh phố phường nhưng vẫn tạo nên một sự kết nối lạ kỳ giữa họ và người yêu hoa. Có cảm tưởng những chiếc xe đạp cũ kỹ chở cả mùa đi trên phố với biết bao sắc màu và hương thơm của các loài hoa.
Kí ức về những gánh hàng rong ở Hà Nội còn gắn liền với vô số những món ăn ngon. Còn gì tuyệt vời hơn giữa trưa hè nắng nóng, nghe tiếng rao "tào phớ.... đây" thật đặc biệt lan dài trên phố, bọn trẻ con vốn chẳng ngại nắng, sẽ vội vã xin tiền bố mẹ, mua cho kỳ được món ăn thanh mát này.
Thật thú vị biết bao, giữa trưa hè oi nồng, được ngồi háo hức thưởng thức bát tào phớ màu trắng ngà, sóng sánh vị thơm ngào ngạt từ nước đường vàng, kể vui vài câu chuyện phiếm với chúng bạn. Hoặc kỳ diệu hơn như các cô bán nộm bò khô vốn chẳng cần rao hàng, chỉ với tiếng kéo "lách cách... lách cách" cũng đủ khiến biết bao người say mê món này nhận ra từ xa.
Rồi khi mùa thu khẽ khàng chạm ngõ, các cô hàng cốm nhẹ nhàng mang vào phố thức quà tinh tế của đất trời. Bao giờ cũng thế, bọn trẻ chúng tôi thường ngồi quanh chiếc bàn uống trà nhỏ của ông, nhón chân lấy từng nhúm cốm vòng xanh mướt thơm mùi hương lúa mới, khẽ khàng bỏ vào miệng, cảm tưởng như thấy cả hương trời đất đang lan tỏa quanh mình.
Thi thoảng vào những buổi tối mùa đông giá rét, cả gia đình quây quần ngồi quanh gánh hàng ngô nướng, khoai nướng với những lò than nhỏ bập bùng lừa trên vỉa hè để sưởi ấm, không quên hít hà mùi hương của trái bắp ngô non vừa nướng trên tay, thấy mọi giá rét trên đời phút chốc đều trở nên ấm áp.
Mãi cho đến tận hôm nay, khi dạo quanh các góc phố cổ ở Hà Nội, tôi vẫn thường xuyên bắt gặp hình ảnh các bà các chị ngồi nhàn tản hoặc đôi khi tranh thủ làm vài việc vặt trước bậc thềm nhà, đợi gánh hàng rong quen thuộc đi qua để mua hàng.
Người mua, kẻ bán trò chuyện thân tình đủ mọi điều trên đời. Họ hiểu rõ thói quen, tính nết của nhau như người nhà nên chẳng cần phải trả giá hay dò hỏi gì nhiều. Mùa nào thức nấy, người Hà Nội đôi khi chẳng cần bước chân ra chợ vẫn mua được vô số thức ngon lành nhờ những gánh hàng rong.
Hình ảnh về những gánh hàng rong trên khắp phố phường Hà Nội đã trở thành kí ức khó quên trong lòng tôi. Nhiều năm xa xứ, chẳng mấy khi được quay trở về vùng đất nơi bản thân đã từng sinh ra và lớn lên, lòng tôi vẫn hoài thương nhớ tiếng rao của những người bán hàng rong lan dài khắp các ngõ ngách của khu phố cổ.
Nhớ cả bóng dáng gầy liêu xiêu chầm chậm gánh hàng hoặc đạp xe ngang qua biết bao cung đường quen thuộc ở Hà Nội.
Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.