Phát biểu tại Hội thảo Phục hồi Tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 11/7 ở Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PSG.TS Trần Đình Thiên ví von: "Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, bản thân lại còn yếu, mà yếu lại phải chịu gió to, thậm chí toàn "gió độc" từ các xung đột của kinh tế quốc tế, tác động bên ngoài".
Đề cập cụ thể đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, điểm mấu chốt, căn cơ của nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng toàn nền kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, câu chuyện đầu tư công là chuyện quan trọng nhất bây giờ. Kết quả giải ngân hiện nay chỉ hơn 30%, quá thấp, trong khi các dự án lớn đều được phê duyệt theo quy hoạch nhưng đều vướng về chính sách, cơ chế thực hiện.
Theo ông Thiên, gỡ vướng về đầu tư công không chỉ gỡ bằng một thao tác tăng tổng cầu, chính sách nọ, chính sách kia mà phải nhận diện toàn bộ hệ thống giải ngân đầu tư công đang có vấn đề, trục trặc.
Theo ông Thiên: Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang đặc biệt khó khăn và chúng ta cần nhận diện cho đúng. Kinh tế đối mặt với khủng hoảng cơ cấu, đối mặt khủng hoảng cơ chế kinh tế. Sau 2-3 năm Covid-19, doanh nghiệp Việt kiệt quệ, nhưng chinh sách của chúng ta đưa ra lại không đúng, nửa vời.
"Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng có giải ngân được bao nhiêu đâu mà cứ bàn về các giải pháp. Bây giờ, doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng dựa vào đâu? Tôi lấy ví dụ, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang tăng vài chục %, còn doanh nghiệp thành lập mới có tăng song tốc độ giảm", ông Thiên nhấn mạnh: "Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là thật, "chết" thật! Còn tỷ lệ gia nhập thì chưa chắc là "thật" - tức là họ chưa tạo ra GDP, tăng trưởng, thậm chí có thể là nguy cơ doanh nghiệp ảo".
Ông Thiên cho rằng, chúng ta cứ bàn tăng trưởng bao nhiêu % và nêu khó khăn, thách thức. Nhưng phải nhìn vào thực tế, cứ nhìn doanh nghiệp khó khăn là biết ngay tăng trường sẽ là bao nhiêu.
"Chỉ số sử dụng lao động trong 6 tháng qua giảm mạnh, đặc biệt ở các tình công nghiệp như BÌnh Dương giảm 12,4%, Bắc Ninh giảm 8%… Như vậy, 6 tháng cuối năm, chúng ta lý giải nào về triển vọng của nền kinh tế", ông Thiên phân tích.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ví von: "Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, bản thân lại còn yếu. Mà yếu lại phải chịu gió to, thậm chí toàn "gió độc" từ các xung đột của kinh tế quốc tế, tác động bên ngoài.
Gợi ý về 6 tháng cuối năm cho kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Giai đoạn này là cơ hội cho Việt Nam nhận diện lại tất cả cấu trúc của nền kinh tế đang gặp khó khăn nghiêm trọng như: Năng lực thực sự của nền kinh tế, kết hợp doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại yếu kém, việc điều chỉnh cách thể chế chính sách.
Theo PSG.TS Trần Đình Thiên: "Thời gian qua, chúng ta mới chỉ cơ nới chính sách, không làm đột phá chính sách sẽ không giải quyết được gì. Lúc khó khăn đặc biệt như này, phải có giải pháp khác thường".
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trường Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM): Hơn 30 năm, đây là thời điểm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam. Chúng ta tìm mãi không thấy lối ra khỏi khó khăn. Theo tôi, những đánh giá nói chung của cơ quan Nhà nước dù đưa ra nhưng chưa sát và giải pháp chưa đúng, trúng với doanh nghiệp, người dân.
"Chúng ta hay vui mừng trước ánh sáng nhỏ, hài lòng với nó. Chính vì vậy, chúng ta không tìm được đường ra. Nền kinh tế có nhiều vấn đề quá, không biết giải quyết chỗ nào", ông Cung nói
Theo ông Cung, dừng hy vọng tư nhân đầu tư thứ họ không có lợi ích, không có ưu đãi chính sách. Còn về đầu tư công, đây là cái "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và kéo dài nhiều năm rồi và bây giờ chỉ trầm trọng hơn.
"Chính phủ có nhiều giải pháp, nhưng hoá giải được thì phải giải quyết vấn đề 'không ai muốn làm", nếu không thì vẫn rất chậm. Làm gì? nói thì dễ nhưng "làm thế nào?", "ai làm mới" thì mới là khó", ông Cung nói.
Chia sẻ cụ thể về dự án đầu tư công, ông Cung cho rằng: Tất cả dự án đầu tư công hiện nay đã có trong quy hoạch. Chúng ta cần triển khai ngay quyết định đầu tư, thực hiện đầu tư mà không cần chủ trương đầu tư nữa. Có những dự án đường vành đai 2, 3 chuyển ngay sang giai đoạn triển khai ngay đầu tư. Bỏ nhiều thứ đang kìm hãm, mạnh dạn bỏ đi.