Vụ án "Lệ Chi viên" được xem là một trong những vụ án gây tranh luận nhiều nhất trong sử Việt. Đằng sau việc vua Lê Thái Tông băng hà đột ngột ở tuổi 20 là án "tru di tam tộc" thảm khốc đối với công thần Nguyễn Trãi, người được hậu thế hết sức ngưỡng mộ. 22 năm sau án tru di, vua Lê Thánh Tông lên ngôi có đưa ra câu thơ giải oan cho Nguyễn Trãi, "Lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê", nhưng cũng chỉ là gỡ bỏ đi cái nỗi oan giết vua, chứ không đi vào chi tiết sự thật. Trong suốt hàng trăm năm qua, nhiều nhà sử học đều nghiên cứu về vụ án "Lệ Chi viên" và tranh luận về nỗi oan khuất của Nguyễn Trãi.
Cuốn "Đông A di sự" có ghi chép rằng ông ngoại của Nguyễn Trãi chính là quan tư đồ Trần Nguyên Đán, trụ cột của nhà Trần, rất giỏi về mệnh lý.
Về tài mệnh lý của Trần Nguyên Đán, "Đông A di sự" kể rằng ông từng xem lá số tử vi của thái thượng hoàng Trần Nghệ Tôn, thấy có Vũ Phá thủ mệnh, coi người thân như cừu thù, coi kẻ ác như ruột gan, chắc chắn sẽ nghe Hồ Quý Ly; lại thấy Hồ Quý Ly có Tử Phá thủ mệnh, biết y sẽ cướp ngôi, và nhà Trần mất. Khuyên can thượng hoàng nhiều lần mà không được, cuối cùng Trần Nguyên Đán quyết định kết làm thông gia với Hồ Quý Ly.
Đúng như dự đoán của Trần Nguyên Đán, năm 1399, Hồ Quý Ly cho thanh trừng 370 tướng lĩnh tôn thất nhà Trần, dẹp tan thế lực nhà Trần, năm 1400 thì lên ngôi vua. Tuy nhiên gia đình Trần Nguyên Đán không hề bị Hồ Quý Ly đụng đến, nhờ thế cháu nội và cháu ngoại của ông là Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi mới có điều kiện ăn học thành tài, sau này đều là anh hùng dân tộc.
Trần Nguyên Đán khi xem lá số của Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi biết 2 cháu mình sau này sẽ thành nghiệp lớn. Với Trần Nguyên Hãn thì ông không lo lắng lắm, nhưng ông lại rất lo cho Nguyễn Trãi. Sau khi xem lá số tử vi của Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán đoán biết rằng đây là lá số của anh hùng dân tộc, nhưng lại gặp phải họa đến ba họ, vì thế mà dặn Nguyễn Trãi cẩn thận rằng: "Chiếm thành thì lui binh", dù Trần Nguyên Đán biết rằng số mệnh khó lòng thay đổi được.
Nguyễn Trãi là người có công trong cuộc chiến chống lại quân Minh, ông là người cùng hoạch định các kế sách cho nghĩa quân Lam Sơn, và đã cùng quân Lam Sơn giành được thắng lợi hoàn toàn vào năm 1427.
Đầu năm 1428, dù chưa chính thức lên ngôi vua, Lê Lợi đã tổ chức đại hội để ban thưởng. Lúc đó, Nguyễn Trãi được ban tước Quan Phục hầu, chức danh đầy đủ của ông là "Tuyên phụng đại phu, Nhập nội hành khiển Môn hạ Hữu gián nghị đại phu, Đồng Trung thư lệnh sự, tứ Kim tử ngư đại, Thượng hộ quốc, Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi".
Trong đó đáng chú ý có "Tứ Kim ngư đại" là được ban cái túi thêu con cá vàng, một đặc ân đối với đại thần từ quan tam phẩm trở lên. "Thượng hộ quốc" là một huân hàm dùng để tặng cho người có công lao lớn. Quan phục hầu là phẩm tước gia ban mà cao nhất là Huyện Thượng hầu, cũng thời gian này được ban cho Lê Vấn, á Thượng hầu ban cho Lê Ngân, hai vị khai quốc công thần của nhà Lê. Tứ tính Lê Trãi là Nguyễn Trãi được đặc ân ban quốc tính, tức được đổi theo họ của nhà vua.
Với những chức tước nêu trên, ở thời điểm ngay sau chiến thắng, Nguyễn Trãi cũng có vị thế nhất định trong triều đình nhà Lê. Tuy nhiên sau đó không lâu, nhất là sau sự kiện tự trẫm mình của Trần Nguyên Hãn và cái chết của Phạm Văn Xảo, hai vị đại thần và là người thân thiết với Nguyễn Trãi, ông dần dần bị hạn chế quyền hành. Nguyễn Trãi chủ yếu chỉ được giao cho san định lễ nhạc, sử sách, ông từng hiệu đính nhã nhạc, định quy chế mũ áo…
Trong vương triều thì Nguyễn Trãi lại không hợp lòng nhiều người. Chẳng vậy mà trong lạc khoản bài văn bia soạn cho lăng mộ Lê Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), Nguyễn Trãi chỉ tự đề là: "Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển tri Tam quán sự, thần Nguyễn Trãi vâng soạn". Tam quán bao gồm Chiêu văn quán, Tập hiền viện và Sử quán, coi việc sưu tập điển tịch, đồ thư và soạn sử. Rõ ràng là Nguyễn Trãi chỉ đảm nhận những chức vị hết sức khiêm tốn. Ngay cả đặc ân ban quốc tính, cũng không thấy nêu ở đây.
Nhưng rồi sau đó, Nguyễn Trãi được Lê Thái Tông khôi phục quyền chức và được trọng dụng mà trong biểu tạ ơn năm 1439 ghi là "Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu gián nghị đại phu kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ, tri Tam quán sự, đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự, á đại trí tự, tứ quốc tính Lê Trãi". Như vậy, hầu như các chức tước cũ của Nguyễn Trãi đã được khôi phục.
Cuối năm 1437, Nguyễn Trãi thực hiện lời căn dặn của ông ngoại Trần Nguyên Đán xưa kia – "chiếm thành thì lui binh". Ông xin từ quan về quê nhà ở Côn Sơn.
Tuy nhiên vua Lê Thái Tông lúc bấy giờ tỏ ra rất xem trọng Nguyễn Trãi và cố mời ông lại ra làm quan cho triều đình. Năm 1439, Nguyễn Trãi được mời ra làm quan ban cho tước Vinh lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu Gián nghị Đại phu kiêm Hàn Lâm viện Học sĩ Tri Tam quán sự Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự.
Ngày 27 tháng 7 âm lịch năm 1442 vua Thái Tông đi tuần về miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời vua ngự ở chùa Côn Sơn. Đến ngày 4 tháng 8 âm lịch vua đi chơi ở "Lệ Chi viên" (vườn Vải), xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức thì bất ngờ băng hà.
Nguyễn Trãi cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ bị bắt vì nghi mưu sát vua. Ngày 12 tháng 8 âm lịch năm 1442 triều đình tôn thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên ngôi vua.
Ngày 16 tháng 8 âm lịch triều đình khép Nguyễn Trãi vào tội giết vua và bị "tru di tam tam tộc".
Xoay quanh vụ án "Lệ Chi Viên"
Về vụ án "Lệ Chi viên", "Đại Việt sử ký toàn thư" chép:
Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn Vải huyện Gia Định1688, bỗng bị bạo bệnh rồi băng.
Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về.
Ngày mồng 6 về tới kinh, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát táng. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.
…
Ngày 16 tháng 8 (tức ngày 19 tháng 9 năm 1442), giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến 3 đời.
Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy.
Tuy nhiên, sau này rất nhiều nhà sử học đặt nghi vấn về việc này và cố công tim hiểu vụ án "Lệ Chi viên".
Các nhà nghiên cứu Phan Duy Kha, Đinh Công Vĩ, Lã Duy Lan đã trình bày lại kết quả nghiên cứu của mình trong cuốn sách "Nhìn lại lịch sử" xuất bản năm 2003. Dưới đây xin được nêu ra một góc nhìn của các tác giả mà không bàn luận đúng sai.
Trước khi mất, vua Lê Thái Tông đã truất ngôi thái tử của Nghi Dân để phong cho Bang Cơ. Bang Cơ là con của bà phi Nguyễn Thị Anh. Thời điểm này một bà phi khác là Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông) mang thai, Nguyễn Thị Anh đã tìm cách hãm hại khiến bà Ngọc Dao bị giam ở lãnh cung. Tuy nhiên vợ chồng Nguyễn Trãi lại hết lòng bảo vệ, xin vua tha cho bà Ngô Thị Ngọc Dao.
Xin được rồi, vợ chồng Nguyễn Trãi lại tiếp tục đưa bà Ngọc Dao ra tá túc tại chùa Huy Văn (nay ở đường Chùa Bộc, Hà Nội) và đã sinh hoàng tử Tư Thành ở đấy vào ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (dương lịch 24/8/1442). Sau đó lại đưa mẹ con bà Ngọc Dao về tá túc tại một ngôi chùa ở Từ Liêm (hiện chùa mang tên Thánh Chúa, nằm trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tên chùa là do vua Lê Thánh Tông đặt khi mới lên ngôi, ý nói nơi đây vị chúa thánh minh đã từng tá túc; việc này văn bia ở hai ngôi chùa trên có ghi lại). Tiếp theo Nguyễn Trãi mới đưa mẹ con bà Ngọc Dao ra trú ở vùng An Bang (nay là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh), nơi ông trị nhậm với cương vị Ngự sử Đông Bắc đạo.
Việc làm của vợ chồng Nguyễn Trãi khiến họ trở thành cái đinh trong mắt hoàng hậu Nguyễn Thị Anh.
Hơn nữa lúc bấy giờ, có nhiều lời đồn đại rằng Bang Cơ không phải là con của vua Lê Thái Tông, vì Nguyễn Thị Anh đã mang thai trước khi vào cung. Các nhà nghiên cứu nói trên đã tìm được cuốn gia phả họ Đinh là "Ngọc phả họ Đinh" của thái sư Đinh Liệt, trong có chép bài thơ nói về chuyện này:
Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa,
Bất thức hà nhân chủng bảo đa.
Chủ kháo Tống khai vi linh dược,
Cựu binh tân tửu thịnh y khoa.
"Nhung tân" đọc lái là Nhân Tông, tức ý chỉ thái tử Bang Cơ, "Thịnh Y" tức là Thị Anh (tất nhiên đây chỉ là giải nghĩa phiên âm sang tiếng Việt, còn cách đọc chính xác phải là phát âm tiếng Hán Nôm). Bài thơ trên được dịch như sau:
Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa
Dòng máu ai đây quý báu à?
Núp bóng Thái Tông làm linh dược
Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha
Việc này ngoài vợ chồng Nguyễn Trãi, Đinh Phúc và Đinh Thắng, còn có vài đại thần khác có thể đã biết như Thái sư Đinh Liệt, Thái uý Trịnh (Lê) Khả và con là Trịnh (Lê) Quát (bởi được ban quốc tính), Tư khấu Trịnh Khắc Phục và con là Phò mã Đô uý Trịnh Bá Nhai. Chính cái biết rõ này là mầm mống tai vạ về sau cho Nguyễn Trãi và tộc họ của ông cùng các vị trên.
Khi nhà vua đi tuần miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi đón vua về ngự ở Côn Sơn. Lúc này, ở địa vị của mình, Nguyễn Thị Anh thực sự lo sợ rằng gốc gác của thái tử bị tiết lộ, khiến con mất ngôi báu, khiến bà ta và gia tộc bị tội đại hình. Đứng trước áp lực đó, Nguyễn Thị Anh đã tìm cách giết vua Lê Thái Tông tại địa phận của Nguyễn Trãi để dễ dàng đổ oan cho ông, một mũi tên trúng nhiều mục đích: diệt trừ hậu hoạn, giành ngôi báu cho con, giành lấy quyền lực nhiếp chính do thái tử chưa đầy 2 tuổi.
Nhưng chỉ diệt Nguyễn Trãi thôi là chưa đủ với Nguyễn Thị Anh, "Đại Việt sử ký toàn thư" chép:
Tháng 9, ngày 9, [năm 1442] giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng, vì khi Nguyễn Trãi sắp bị hành hình có nói là hối không nghe lời của Thắng và Phúc.
Có lẽ hai hoạn quan Đinh Thắng và Đinh Phúc (là người ghi chép những chuyện cụ thể ở nội cung) đã khuyên Nguyễn Trãi sớm nói cho vua biết thái tử không phải con vua, nhưng Nguyễn Trãi đã chần chừ không thực hiện. Sau khi hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh giết Đinh Phúc, Đinh Thắng, lại tiếp tục bắt giam Thái sư Đinh Liệt (Đại Việt sử ký toàn thư không nêu lý do):
Mùa thu, tháng 7 [năm 1443] bắt giam Thái phó Lê Liệt (Đinh Liệt).
Mãi đến tận 5 năm sau là Mậu Thìn, Thái Hoà năm thứ 6 (1448), mới thả:
Mùa hạ, tháng 6 tha cho Lê Liệt ra khỏi lao hầm. Vì cớ bọn người là Lê (Trịnh) Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan, tám người làm trạng tâu khẩn khoản xin nới phép rộng ơn.
Nếu theo thuyết này thì vụ án "Lệ Chi viên" chính là do bà Nguyễn Thị Anh dàn dựng. Sau này vua Lê Thánh Tông, người minh oan cho Nguyễn Trãi cũng có thể đã biết, nhưng nhà vua vì thể diện của triều đình, của nội bộ hoàng tộc mà không muốn làm to chuyện ra, đành phải giữ kín.
Tháng 8 năm 1464, sau 22 năm, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước hiệu là Tán Trù bá, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan.
Nhiều cuộc khảo cứu và tọa đàm khoa học đã được tổ chức nhằm minh oan cho cả bà Nguyễn Thị Lộ dựa trên cách lập luận này. Dựa vào những kết quả thu lượm được, một số nhà nghiên cứu, dưới sự chủ biên của nhà giáo Hoàng Ðạo Chúc, đã biên soạn thành cuốn "Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên" (xuất bản năm 2004).