Ngày 11/7, TAND TP.Hà Nội đã đưa 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" ra xét xử sơ thẩm.
Trong vụ án này có 54 bị cáo, bị xét xử về các tội Môi giới hối lộ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) đánh giá cao quyết tâm xử lý tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm của Đảng, Nhà nước mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc điều tra, đưa ra xét xử vụ án đặc biệt phức tạp như vụ "chuyến bay giải cứu".
"Vụ án này nghiêm trọng không chỉ bởi số tiền rất lớn mà còn bởi bối cảnh các bị cáo thực hiện hành động phạm tội. Trong khi cả thế giới hỗn loạn, lo lắng, chết chóc vì Covid-19, hàng ngàn người Việt Nam ở nước ngoài lo lắng bảo vệ sinh mạng của mình, tìm mọi cách trở về quê hương, một bộ phận cán bộ có chức, có quyền lại lợi dụng hoàn cảnh, trục lợi trên xương máu của đồng bào", ông Cương bức xúc.
Theo ông, đây là một vụ án rất phức tạp, khó điều tra nhưng các cơ quan chức năng đã làm rất quyết liệt đã thể hiện hai điều. Đầu tiên là sự quyết tâm của Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
"Vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều là cán bộ lãnh đạo, việc điều tra qua nhiều khâu nhưng vẫn được đưa ra xét xử trong thời gian ngắn, điều đó cho thấy quyết tâm của Đảng, quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nếu không có quyết tâm này thì vụ "chuyến bay giải cứu" khó có thể sớm đưa ra ánh sáng", ông Cương đánh giá.
Ông Cương ghi nhận sự nỗ lực, đánh giá cao nghiệp vụ của các cơ quan tư pháp gồm lực lượng công an, kiểm sát, tòa án. Đây là điều đặc biệt thứ hai. Vụ án này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, số người tham gia đông, phạm vi rộng cả trong và ngoài nước, gồm một số cơ quan, ban ngành của cả Trung ương và địa phương, để đưa được các đối tượng ra tòa đòi hỏi chứng cứ thuyết phục nên quá trình điều tra sẽ rất gian nan.
Vẫn theo ông Cương, bên cạnh đó, vai trò của truyền thông, báo chí đã góp phần rất lớn trong cuộc đấu tranh, tạo áp lực là điều kiện để cơ quan tư pháp làm việc.
Quá trình đấu tranh, điều tra, truy tố, đưa vụ án "chuyến bay giải cứu" ra xét xử tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song theo ông Lê Văn Cương, từ vụ án này, phải nhìn nhận hệ thống giám sát quyền lực của ta còn có "lỗ hổng".
Đã từng đến và tìm hiểu ở những quốc gia được coi là có Nhà nước trong sạch nhất thế giới như Singapore, Thụy Điển, Phần Lan, New Zeland… tướng Cương đưa ra nhận định các nước này đều có điểm chung là quyền lực của quan chức, công chức được giám sát rất chặt chẽ.
Nhìn lại thực tế ở Việt Nam, ông Cương cho rằng do giám sát quyền lực không chặt nên quan chức, công chức thường lợi dụng để thực hiện hành vi sai phạm, biến công quyền thành tư quyền để mưu lợi cho cá nhân, gia đình, hội nhóm. Đó là những biểu hiện của tha hóa quyền lực.
Từ vụ án "chuyến bay giải cứu", theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, cơ quan của Đảng, nhà nước cần phải rà soát lại việc giám sát quyền lực, giao quyền lực cho cán bộ ở đâu thì có hệ thống giám sát quyền lực đến đấy.
Đồng thời, ông nhấn mạnh, những cán bộ trong vụ án này đã tha hóa chứ không thể đổ lỗi cho cơ chế.
"Đổ lỗi cho cơ chế là ngụy biện. Tại sao có những cụ già ở Nghệ An, Thanh Hóa mang cả con gà, quả bí đi ủng hộ những người ở trên tuyến đầu chống Covid-19, hình ảnh đẹp đến thế, trong khi những quan chức kia ăn bổng lộc của nhà nước mà tham lam, phạm tội rồi đổ lỗi do cơ chế?", ông Cương đặt câu hỏi.
Với tư cách là một công dân, ông Cương đề nghị cơ quan tư pháp trong quá trình xét xử hết sức công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
"Những cán bộ này phần lớn được nhà nước ưu đãi, có lương bổng, có chỗ làm việc tử tế mà lợi dụng chức vụ, trục lợi trên sự nguy khốn của đồng bào, tôi nghĩ cần vận dụng tối đa tình tiết tăng nặng, đúng pháp luật và cẩn thận trong vận dụng tình tiết giảm nhẹ", ông Cương nêu ý kiến.