Bộ Công an xây dựng Luật Dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 11/07/2023 06:30 AM (GMT+7)
Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân để xây dựng hồ sơ Luật Dẫn độ.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Bộ Công an, sau 14 năm thực hiện, Luật Tương trợ tư pháp đã bộc lộ những hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dẫn độ.

Cụ thể, dẫn độ chỉ là một trong 4 lĩnh vực mà Luật Tương trợ tư pháp điều chỉnh (gồm tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù). Trong khi đó xu thế chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay là xây dựng riêng Luật Dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng. 

Trong khi đó, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia… đều đã ban hành luật riêng về dẫn độ. Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước.

Một số nội dung của Luật Tương trợ tư pháp chưa phù hợp với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Đặc biệt, liên quan đến việc áp dụng hình phạt tử hình, hiện một số quốc gia (nhất là nhiều nước châu Âu) không quy định hình phạt tử hình.

Do đó, khi xử lý các yêu cầu dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội.

Tuy nhiên, vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự là một vấn đề rất lớn, phức tạp, chưa được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công an, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nắm bắt được việc các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ, đã bỏ trốn đến các quốc gia này và hy vọng rằng nếu bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình.

Bộ Công an xây dựng Luật dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài - Ảnh 2.

Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (ảnh nhỏ góc trái) đang bỏ trốn, bị INTERPOL đưa vào danh sách truy nã đỏ

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi pháp luật về dẫn độ phải là khuôn khổ pháp luật đồng bộ, hiện đại, phù hợp với thực tiễn và xu thế quốc tế, tạo thuận lợi tối đa cho hợp tác tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về dẫn độ là yêu cầu khách quan nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động dẫn độ.

Trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, quá trình đàm phán, ký các hiệp định song phương về dẫn độ và thực tiễn triển khai thực hiện công tác dẫn độ cùng với các quy định pháp luật trong nước; sau khi tham khảo các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, học giả, Ban soạn thảo đã xác định được các chính sách quan trọng cần được đánh giá tác động, cụ thể là:

Chính sách 1: Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; nội luật hóa quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; luật hóa những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong dẫn độ.

Chính sách 2: Hoàn thiện quy trình, thủ tục thực hiện dẫn độ.

Chính sách 3: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong thực hiện dẫn độ.

Bộ Công an cho biết đã gửi dự thảo Báo cáo đánh giá tác động và hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ để lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và Công an các đơn vị, đại phương. 

Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động cũng đã được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem