Ngày 11/7, thông tin từ Công an TP Thanh Hóa cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Ngọc Hà (SN 1985) để điều tra, làm rõ về hành vi trộm cắp tài sản.
Theo điều tra, ông Đỗ Ngọc Hà là giảng viên, có trình độ tiến sĩ, giữ chức phó trưởng bộ môn, giảng dạy tại khoa Nông lâm ngư nghiệp, trường Đại học Hồng Đức.
Ngày 23/6, do nợ nần nên ông Hà đã chuẩn bị máy cắt khóa, búa... để ở phòng làm việc với ý định trộm cắp tài sản.
Tối cùng ngày, lợi dụng đêm tối, trời mưa và những người trong cơ quan đi dự sự kiện, ít người qua lại nên ông Hà đến trường lấy dụng cụ phá khóa, đột nhập vào phòng kế toán lấy trộm gần 130 triệu đồng và 1 máy tính xách tay.
Sau khi trộm cắp được tài sản, ông Hà thuê xe ôm đến nhiều địa điểm khác nhau để tiêu hủy vật chứng, còn số tiền trộm cắp được mang đi trả nợ.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc cán bộ lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản của cơ quan không phải là hiếm gặp.
Nhưng vụ việc này xảy ra trong chính môi trường giáo dục, hành vi không phải lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, mà là thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản. Vì thế cần phải lên án mạnh mẽ.
Theo luật sư Đồng, việc đối tượng chiếm đoạt tài sản một cách lén lút, có sự chuẩn bị dụng cụ để ở phòng làm việc và lợi dụng trời mưa to, khu nhà không có người qua lại nên đối tượng đến trường, lén phá khóa cửa phòng kế toán lấy trộm gần 130 triệu đồng và một máy tính xách tay.
Hành vi trên đã có đủ dấu hiệu của tội "Trộm cắp tài sản" quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành định giá tài sản mà đối tượng trộm cắp là chiếc máy tính để cộng dồn vào số tiền 130 triệu, làm căn cứ xử lý trước pháp luật.
Trường hợp nếu bị chứng minh có tội, và tài sản trộm cắp có giá trị từ 2 đến dưới 50 triệu đồng, đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm quy định tại khoản 1, Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015.
Còn nếu tài sản trộm cắp từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 2 đến 7 năm theo quy định tại khoản 2, Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015.
Nói thêm về tội danh, luật sư Đồng cho biết, pháp luật quy định trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý.
Hành vi phạm tội này có mang tính chất chiếm đoạt tài sản nhưng sự chiếm đoạt ở đây được thực hiện bằng hành vi lén lút, lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của cá nhân, tổ chức quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan như chen lấn, xô đẩy...nhằm tiếp cận cá nhân, tổ chức để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Tội trộm cắp tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ đó là tài sản thuộc sở hữu của người khác chứ không phải tài sản vô chủ, nhận thức rõ việc mình chiếm đoạt tài sản đó là vi phạm pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện và mong muốn chiếm đoạt được tài sản.
Đặc biệt, chỉ những giá trị tài sản bị trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm tội trộm cắp tài sản. Nếu tài sản trộm cắp có trị giá dưới 2 triệu đồng, phải kèm theo các điều kiện khác.