Voọc đen má trắng được phát hiện ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn).
Cụ thể, vừa qua, Trạm Kiểm lâm Nà Dường tổ chức tuần rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và phát hiện 1 cá thể nghi voọc đen má trắng với các đặc điểm: Đuôi dài, thân lông màu đen, hai bên má trắng. Cá thể này xuống bìa rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ để kiếm ăn, khi phát hiện người liền bỏ lên núi đá.
Do địa hình cách xa, rừng rậm rạp nên tổ công tác đã không kịp quay, chụp hình ảnh về cá thể nghi Voọc đen má trắng này.
Sau khi cá thể nghi voọc đen má trắng này chạy lên núi đá, hướng phía cá thể đi lên có nhiều tiếng kêu vọng lại, nghi là các cá thể trong đàn báo hiệu cho nhau.
Ông Lê Xuân Diệu, Hạt trưởng, Phụ trách Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết, nhận được tin báo từ Trạm Kiểm lâm Nà Dường, lãnh đạo Ban quản lý đã chỉ đạo xác minh sự việc.
Qua xác minh, một số hộ dân trong thôn Nà Lẹng, xã Văn Lang, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho biết, quá trình đi làm nương thỉnh thoảng có thấy đàn voọc khoảng 5 - 6 con và đã xuất hiện từ khoảng tháng 4. Thậm chí có người còn được chứng kiến một cá thể voọc chạy đuổi theo xe máy của người đi đường.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết, qua thời gian theo dõi, thăm nắm tình hình, trưa 10/7, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã phát hiện, chụp ảnh, quay video cận cảnh đối với một cá thể voọc và xác định chính xác là loài voọc đen má trắng. Đây cũng là lần đầu tiên voọc đen má trắng được phát hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.
Ngay khi phát hiện, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã phối hợp với UBND xã Văn Lang (huyện Na Rì) tổ chức tuyên truyền tới người dân trên địa bàn xã và chỉ đạo Trạm Kiểm lâm Nà Dường tăng cường tuần tra, nhất là khu vực có voọc đen má trắng xuất hiện. Đồng thời, tổ chức cắm biển cấm săn bắt động vật hoang dã, tuyên truyền người dân không xua đuổi cũng như có hành vi gây tổn hại đến các cá thể voọc đen má trắng.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã tập trung xây dựng kế hoạch để bảo vệ đối với loài linh trưởng hiện đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao này.
Được biết công tác bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ những năm gần đây được thực hiện rất tốt. Để đảm bảo cho công tác điều tra số lượng cũng như khoanh vùng bảo vệ các cá thể Voọc đen má trắng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Ban Quản lý rất cần được hỗ trợ về nguồn lực, thiết bị và cả sự phối hợp của các Viện nghiên cứu, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã trong nước cùng tham gia.