Sáng 12/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 24 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phiên họp diễn ra trong 2,5 ngày, cho ý kiến về 7 nội dung quan trọng.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, trong giai đoạn 2019-2021, chúng ta đã thực hiện rất tốt công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Ông cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Tại phiên họp này, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết sẽ có căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030.
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ dẫn số liệu báo cáo của 63 địa phương cho thấy trong giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến cả nước có khoảng 33 huyện và khoảng 1.327 xã thuộc diện bắt buộc sáp nhập.
Con số này chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu. Kinh phí thực hiện sáp nhập huyện, xã của tỉnh, thành do ngân sách địa phương bảo đảm.
Đồng thời ngân sách trung ương hỗ trợ một lần khoảng 1.323 tỷ đồng cho các địa phương nhận bổ sung cân đối, với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi xã giảm khi sáp nhập giai đoạn 2023 - 2030.
Liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy và áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, cơ quan thẩm tra thấy, các quy định trong dự thảo đã thể hiện đúng tinh thần kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ phiên họp thứ 23 và kiến nghị của nhiều địa phương.
Cụ thể là có ưu tiên nguồn lực, chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý, đặc thù cho các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; không cắt giảm ngay, đồng loạt các chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ đặc thù áp dụng với người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Ngoài ra, trong Ủy ban Pháp luật, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo nghị quyết quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp đơn vị hành chính.
Điều này để bảo đảm thực hiện đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị là "quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp".
Về kinh phí thực hiện chủ trương sáp nhập huyện, xã giai đoạn tới, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa quy định rõ khoản ngân sách trung ương hỗ trợ được sử dụng cho những nhiệm vụ chi nào trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, chưa thể hiện rõ đây là khoản hỗ trợ bổ sung cân đối cho địa phương hay hỗ trợ có mục tiêu.
Thêm nữa, dự thảo nghị quyết đã quy định "kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm" sẽ dẫn tới trùng lắp trong bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi (gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản).
Để phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng giữa các địa phương, nhất là các địa phương thu ngân sách Nhà nước còn khó khăn, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định theo hướng: Ngân sách trung ương hỗ trợ cho các tỉnh, TP trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và tối đa không quá 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm để đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Các tỉnh, TP trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách khi có nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương sẽ lập dự toán và thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ kèm căn cứ để các địa phương lập dự toán.
Cho rằng, việc quy định ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, TP trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách là cần thiết, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách để chỉnh lý quy định của dự thảo nghị quyết.
"Khoản hỗ trợ một lần từ ngân sách trung ương cho các địa phương để sử dụng trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo nguyên tắc bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và tạo thuận lợi nhất cho địa phương; nội dung nào không tiếp thu thì cần có giải trình cụ thể", Ủy ban Pháp luật nêu.