Sáp nhập xã, huyện: Vấn đề lãng phí trụ sở và chi phí xã hội cần phải tính toán kỹ

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 25/05/2023 13:02 PM (GMT+7)
Theo Đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong (An Giang), ngoài những điểm tích cực, trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện, cần xem xét nhiều vấn đề xung quanh.
Bình luận 0

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết những tháng cuối năm có nhiệm vụ rất lớn khi phải tiếp tục sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp.

Trong đó, theo bà Trà, hiện nay cấp trung ương đang làm rất quyết liệt, cố gắng giảm 135 đơn vị sự nghiệp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Bởi hiện nay số lượng đơn vị sự nghiệp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rất lớn.

Cụ thể, cơ cấu lại toàn bộ hệ thống trường nghề thuộc các bộ để giải quyết được trọn vẹn toàn bộ tinh gọn, giảm bớt tầng nấc. Tăng cường vai trò quản lý vĩ mô của các bộ, giảm quản lý trực tiếp với các đơn vị sự nghiệp.

Thông tin về nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bà Trà cho biết, đến nay trên cơ sở báo cáo của các địa phương, sẽ phải tiếp tục sắp xếp 35 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.300 đơn vị hành chính cấp xã cho giai đoạn 2023 - 2025, nhưng tập trung chủ yếu là 2023 - 2024.

Bà Trà nêu rõ đây là việc phải tập trung quyết liệt vì đây là chủ trương của Bộ Chính trị, có kết luận số 48 và tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để tập trung thực hiện.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) ghi nhận những mặt tích cực của chủ trương sáp nhập một số địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phong, ngoài những mặt mạnh, điểm tích cực như giảm biên chế, giảm kinh phí hành chính thì còn có những vấn đề bất cập ở chính các huyện, xã sau sáp nhập. Trong đó, nổi lên vấn đề dôi dư trụ sở khi 2-3 xã sáp nhập làm một.

"Ở các thành phố lớn, các địa phương phát triển thì việc chúng ta bán, đấu giá còn dễ, nhưng ở các địa phương vùng sâu, vùng xa thì việc bán, đấu giá không hề dễ.

Nếu chúng ta có dịp khảo sát sẽ thấy hiện nay những công sở bỏ hoang, không sử dụng, lãng phí, xuống cấp rất nhiều. Tôi cho rằng Chính phủ phải có khảo sát, thống kê đầy đủ xem lãng phí từ đây là bao nhiêu", ông Phong nói.

Sáp nhập xã, huyện: Vấn đề lãng phí trụ sở và chi phí xã hội cần phải tính toán kỹ - Ảnh 2.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang): Sáp nhập các đơn vị hành chính cần phải tính toán chi phí xã hội một cách đầy đủ hơn. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Bên cạnh đó, đại biểu Phong băn khoăn chi phí xã hội mà người dân phải bỏ ra sau sáp nhập có cao hơn không. Ông Phong dẫn chứng các xã miền núi có đặc điểm dân số thưa thớt, diện tích rất rộng, khoảng cách từ đầu xã đến cuối xã đến vài chục km là bình thường. Sau sáp nhập xã thì người dân đến làm thủ tục hành chính phải đi xa hơn, học sinh đến trường với quãng đường xa hơn.

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ thông tin ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, nhiều thủ tục người dân vẫn phải đến cơ quan hành chính cấp xã, cấp huyện thì mới làm được.

"Chi phí xã hội đối với người dân ở các xã, các huyện được sáp nhập tăng lên như thế nào? Có được thống kê hay không hay là chúng ta chỉ nghĩ rằng đỡ chi phí cho nhà nước, còn tăng chi phí cho người dân thì lại là câu chuyện khác?", ông Phong nêu câu hỏi và đề nghị khi sáp nhập các đơn vị hành chính, nhất là cấp xã cần phải tính toán chi phí xã hội một cách đầy đủ hơn.

Trước đó, Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm những nơi đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định.

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có 52 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 7,38%) và 1.037 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 9,78%) có cả 2 tiêu chuẩn về dân số và diện tích tự nhiên chưa đạt 70%, thuộc diện phải sáp nhập trong 3 năm tới.

Cũng trong giai đoạn này, các đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định cũng phải sắp xếp.

Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định cũng thuộc diện sáp nhập.

Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026-2030 gồm những huyện, xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn quy định.

Đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định cũng thuộc diện sáp nhập trong giai đoạn 2026-2030.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem