Hiện nay, giá dịch vụ y tế bao gồm 4 yếu tố: Thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. Do đó, theo Bộ Y tế, khi lương cơ sở được điều chỉnh, tiền lương cho nhân viên y tế tăng thì giá dịch vụ y tế cũng cần được điều chỉnh theo.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh để đưa phần "lương tăng" (310.000 đồng- PV) vào dịch vụ y tế cần được xây dựng cụ thể cho từng dịch vụ.
Theo đại diện một Bệnh viện, với mức điều chỉnh chỉ riêng phần tăng lương thì giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ không tăng nhiều, chưa thể gỡ khó cho các bệnh viện trong khi giá dịch vụ y tế hiện đã quá lạc hậu. Đối với người có thẻ BHYT, với mức đồng chi trả cao nhất là 20% viện phí thì mức tăng này không đáng kể.
Trong khi đó, 3/7 yếu tố cấu thành viện phí vẫn chưa được đưa vào trong giá viện phí hiện nay, bao gồm: Sửa chữa lớn tài sản cố định; Khấu hao tài sản; Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.
"Các bệnh viện công dù được cấp đất, cấp cơ sở vật chất ban đầu nhưng sau đó sửa chữa cần phải tự bỏ tiền. Chúng tôi cũng đang làm công tác đào tạo, "cầm tay chỉ việc" cho các bệnh viện tuyến dưới, cấp kinh phí cho y bác sĩ nghiên cứu khoa học, nâng cao tay nghề…
Tuy nhiên các chi phí này lại chưa được tính vào viện phí. Đó là nguyên nhân khiến nhiều bệnh viện thu không đủ bù chi, không thể có tiền mua sắm máy móc, sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh", vị này phân tích.
Nhận định về giá dịch vụ y tế hiện nay, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT hiện nay đã được xây dựng 20 năm là quá lỗi thời. Ví với dịch vụ siêu âm hiện nay tại bệnh viện có giá 49.500 đồng/lượt, nhưng các cơ sở y tế tư nhân "tính đúng tính đủ" đã thu tới 200.000-300.000 đồng/lượt…
Với nguồn thu viện phí "thu không đủ chi" như vậy, thì các bệnh viện công khó duy trì và phát triển chuyên môn phục vụ người bệnh được tốt.
"Vấn đề tất yếu phải tính đúng, tính đủ giá viện phí, từ đó các bệnh viện mới có điều kiện phát triển phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh và ngày càng giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Đồng thời, từng bước tự chủ về tài chính, phát triển chuyên môn kỹ thuật, nhất là các kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh", PGS Cơ nhận định.
Trước đó, TS Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai nhận định, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định hiện hành mới tính trên cơ sở 4/7 yếu tố cấu thành giá và đã lỗi thời, thu không đủ bù chi nên cần điều chỉnh giá các dịch vụ kỹ thuật song hành cùng với quy định giá khám và giường bệnh yêu cầu.
"Muốn có các điều kiện bảo đảm chất lượng thì quỹ BHYT phải thanh toán đủ chi phí cho các dịch vụ cơ bản đó. Nếu chỉ mua BHYT với mức thấp thì không thể có những kỹ thuật cao như mong muốn. Do đó, nên có các gói BHYT phù hợp với các mức phí khác nhau" - ông Hùng gợi ý.
Hiện Bộ Y tế đang cho triển khai xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám bệnh của gần 10.000 dịch vụ y tế, tiến tới điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ.
Dự kiến, danh mục này sẽ được ban hành và áp dụng tại các cơ sở y tế công lập, khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ 1/1/2024.
Tại Hội thảo tập huấn triển khai xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh vừa diễn ra, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, kết cấu của giá khám bệnh chữa bệnh hiện nay mới gồm các chi phí trực tiếp (lương, phụ cấp, thuốc, sinh phẩm y tế, điện nước…), còn các chi phí gián tiếp như chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị chưa được đưa vào.
Theo Thứ trưởng, hiện Bộ Y tế đang cùng các bệnh viện phối hợp hoàn thiện việc xây dựng danh mục định mức kinh tế kỹ thuật của gần 10.000 kỹ thuật y tế. Đây là cơ sở để điều chỉnh giá các dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ.
"Sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi tiền túi của người dân. Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, tính đến năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành danh mục có 18.244 kỹ thuật trong khám chữa bệnh. Căn cứ vào cơ sở danh mục kỹ thuật được ban hành, Bộ Y tế đã ban hành hơn 1300 hướng dẫn chẩn đoán điều trị và hơn 7.500 quy trình kỹ thuật.
Đồng thời trên cơ sở đó đã xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và giá các dịch vụ kỹ thuật (mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế).
Tuy nhiên, nhiều dịch vụ y tế đã bị trùng lặp nên Bộ Y tế Bộ Y tế đã sắp xếp lại còn gần 10.000 dịch vụ y tế.
Theo PGS Cơ, Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế giao nhiệm vụ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho hơn 5.000 kỹ thuật ở 14 chuyên khoa đầu ngành (Thần kinh, Hô hấp, Nội tiết, Tiết niệu, Tiêu hóa, Tạo máu và lympho, Cơ xương khớp, Y học hạt nhân- hóa trị- xạ trị, Phục hồi chức năng, Tâm thần, Hóa sinh, Dị ứng và miễn dịch lâm sàng, Điện quang, Vi sinh… )
PGS Cơ cho biết, đây là khối lượng công việc khổng lồ. Để làm dược điều này, nhóm kỹ thuật của Bệnh viện phải xây dựng danh mục kỹ thuật, xây dựng quy trình kỹ thuật chuyên môn, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. Từ đó, mới có cơ sở để áp giá theo định mức đó.
"Ví dụ, chúng tôi phải tính toán một ca phẫu thuật ruột thừa cần bao nhiêu nhân lực: bác sĩ mổ chính, bác sĩ phụ, bác sĩ gây mê, phẫu thuật trong thời gian bao lâu, sử dụng thuốc, vật tư dùng trong cuộc mổ, sử dụng máy nội soi loại gì… để ra được định mức kinh tế kỹ thuật. Từ định mức kinh tế kỹ thuật đó, chúng tôi mới tính ra giá của kỹ thuật là bao nhiêu", PGS Cơ cho biết.
Theo BHXH Việt Nam, trong năm 2022, số người tham gia BHYT là 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số. Với quy định hiện nay, người dân tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh, tùy theo đối tượng phải đồng chi trả viện phí ở mức 0%, 5% và 20%, trong đó người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi... đồng chi trả 0% và người cận nghèo, người về hưu... chi trả 5%.
Với mức viện phí tăng, mức đồng chi trả cũng sẽ tăng, tuy nhiên với mức đồng chi trả thấp, các chuyên gia nhận định sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người cận nghèo.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá khi viện phí tính đúng tính đủ, người dân khi đi khám chữa bệnh sẽ không cần bỏ quá nhiều tiền túi như hiện nay. Hiện, theo đánh giá của chuyên gia tài chính y tế của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, người dân Việt Nam vẫn phải bỏ gần 40% tiền túi khi đi đi khám chữa bệnh là quá cao.
Chiều 11/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Y tế, một số bộ, ngành, địa phương về lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế đề xuất, từ ngày 1/7/2023, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được thực hiện theo sự thay đổi của mức lương cơ bản từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh là vấn đề lớn. Bộ Y tế đang trong quá trình xin chủ trương, định hướng để xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh, đồng bộ với các yếu tố chi phí, định mức kinh tế kỹ thuật cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh;
Đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện, khắc phục những tồn tại, bất cập về phác đồ điều trị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo nhóm bệnh,…; bổ sung những chi phí đầu tư giúp giảm chi trả của người bệnh như sổ y bạ điện tử, thiết lập cơ sở dữ liệu y tế dùng chung, không in phim chiếu, chụp…
Theo Phó Thủ tướng, việc tính đúng, tính đủ cùng lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh là nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập tự chủ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm chế độ, chính sách để "giữ chân" cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, chúng ta có thêm các nguồn vốn tập trung đầu tư cho cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp để có hình thức văn bản pháp lý phù hợp để thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh tương ứng với việc tăng lương cơ bản.
"Bộ Y tế phải có kế hoạch truyền thông kỹ lưỡng, toàn diện về điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh sau khi tăng lương cơ bản, từ chủ trương, chính sách, cơ sở pháp lý đến các nguồn kinh phí từ ngân sách, bệnh viện, BHYT… dành cho các chi phí tăng thêm, bảo đảm tăng lương nhưng người bệnh không tăng chi phí chi trả", Phó Thủ tướng nói.