Từ cuối 2022 đến nay, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn trong tình trạng khó khăn dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố làm cho thanh khoản thị trường chậm lại, các chủ đầu tư co cụm không còn ra mắt nhiều dự án như trước.
Theo báo cáo số liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn của Sở Xây dựng TP.HCM, trong quý II vừa qua, thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đó là dự án chung cư quy mô 650 căn hộ (phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức) của chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và kinh doanh Bất động sản Phương Nam.
Ngoài ra, 2 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng với tổng quy mô 2.061 căn và 8 dự án được xác nhận đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, cung ứng 6.313 căn nhà ra thị trường. Về dự án nhà ở xã hội, cả quý II, TP.HCM chỉ có 1 dự án được cấp phép, không có dự án nào đủ điều kiện bán cũng như hoàn thành xây dựng.
Sở Xây dựng cho rằng đối với 8 dự án được xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê nhà ở hình thành trong lai của quý II đều là những dự án được đầu tư xây dựng từ những năm trước và đến quý này mới hoàn tất thủ tục huy động vốn. Do đó, số liệu vẫn chưa đánh giá đúng tình hình thực tế của thị trường bất động sản hiện nay.
Theo thông tin từ lãnh đạo đơn vị Cushman & Wakefiel Việt Nam về thị trường căn hộ quý II, nguồn cung căn hộ xuống mức kỉ lục khi chỉ đạt khoảng 970 căn, giảm 90% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất từ năm 2019 đến nay.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Định giá, nghiên cứu & tư vấn (CBRE), cho hay, 6 tháng đầu năm, nguồn cung căn hộ chào bán tiếp tục sụt giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn số lượng căn hộ mở bán mới đến từ phân kỳ tiếp theo của các dự án đã mở bán giai đoạn trước, chiếm tới 65% tổng nguồn cung mới trong 6 tháng đầu năm. Riêng trong quý II không có dự án mới nào được mở bán.
Như vậy, có thể thấy, nhìn chung nguồn chung nhà ở tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa khởi sắc, trong khi nhu cầu chỗ ở của người dân là rất lớn.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt khoảng 27m2 vào năm 2025, đạt khoảng 30m2 vào năm 2030 nhưng hiện nay chỉ mới đạt khoảng 25,6m2.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch VNO Việt Nam đánh giá, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM khan hiếm thời gian qua là do sự trì trệ trong quá trình hoàn thiện pháp lý và thủ tục triển khai mở bán dự án.
Theo đó, từ đầu năm 2023, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái, chính sách để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án. Dù nguồn cung chưa được cải thiện, các chính sách cũng đã có những tác động nhất định đến thị trường, giúp khôi phục lượng giao dịch, tăng thanh khoản.
Cụ thể, Sở Xây dựng cho biết, về lượng giao dịch bất động sản, trong quý vừa qua, TP.HCM có tổng cộng 6.313 giao dịch. Trong đó, 5.834 giao dịch căn hộ chung cư và 479 giao dịch nhà ở thấp tầng.
Cushman & Wakefield Việt Nam cũng ghi nhận lượng giao dịch mua bán hoàn thành trong quý vừa qua đã khởi sắc khi đạt 1.352 giao dịch, tăng 4% theo quý. Lượng hấp thụ này tương đương với 30,5% trên tổng rổ hàng sơ cấp tính đến quý II là 4.440 căn. Theo đó, giá sơ cấp trung bình trong quý vừa qua đã giảm 1% so với quý I, đạt xấp xỉ 3.217 USD/m2, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái, thị trường bất động sản TP.HCM trong quý II/23 có sự phục hồi nhẹ. Các chỉ số như tỷ lệ tăng trưởng, doanh thu bán hàng, vốn đầu tư nước ngoài, tác động tích cực đến ngành xây dựng… đều được cải thiện.
Lý giải nguyên nhân thị trường bất động sản TP.HCM có sự phục hồi, sở này cho hay do cơ quan chức năng đã có những động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý của từng dự án, nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động, điều chỉnh danh mục đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm, tính toán lại giá bán và đưa ra phương thức thanh toán linh hoạt hơn.
Dự báo về thời gian tới, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng quý III là giai đoạn hành lang pháp lý vẫn đang được hoàn thiện và các doanh nghiệp bất động sản phải giải quyết những khó khăn nội tại.
Chia sẻ với Dân Việt, bà Nguyễn Thanh Thảo (nhà đầu tư bất động sản) cho biết bản thân rất mong chờ vào giai đoạn 6 tháng cuối năm, thị trường nhà ở TP.HCM sẽ phục hồi sau thời gian tê liệt. "Giới đầu tư đã nhận thấy nhiều dấu hiệu, chuyển biến tích cực từ mặt chính sách, tín dụng cũng như tâm lí người mua từ đầu quý II. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng các tháng cuối năm, thị trường sẽ được hâm nóng để hoạt động giao dịch, mua bán nhà đất được sôi nổi trở lại", bà Thảo cho hay.