Cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn vốn, giải cơn khát mua nhà cho người dân
Cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn vốn, giải "cơn khát" mua nhà cho người dân
Gia Linh
Thứ ba, ngày 11/07/2023 11:30 AM (GMT+7)
Việc nhiều dự án bất động sản tại các địa phương đủ điều kiện để tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đã mở ra nhiều hy vọng bổ sung nguồn cung lớn cho thị trường nhà ở.
Bất động sản khan hiếm nguồn cung mới vì thiếu vốn
Thời gian qua, dưới ảnh hưởng của thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh "chết trên đống tài sản" vì thiếu hụt dòng tiền. Không có tiền mặt để giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp bị tê liệt. Nhiều công trình xây dựng phải "tắt đèn" vì không có kinh phí xây dựng.
Hệ lụy, nguồn cung nhà ở trên thị trường vốn đã thiếu hụt vì vấn đề pháp lý nay lại càng khan hiếm hơn. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân thì ngày một tăng cao khiến giá nhà bị đẩy leo thang. Giấc mơ an cư trở nên xa tầm với nhiều người lao động, từ đó ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, an ninh xã hội địa phương.
Chị Thanh Huỳnh (30 tuổi, nhân viên truyền thông) chia sẻ do không có nhiều vốn nên sau khi lập gia đình để mua nhà xây sẵn, chị đang tìm kiếm các dự án căn hộ hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, các dự án đang xây dựng tại TP.HCM và khu vực lân cận bị chậm tiến độ rất nhiều.
Cá biệt, một số dự án bị vướng pháp lý phải ngưng trệ, nằm "treo cẩu" nhiều năm vì vấn đề thiếu vốn. Trước tình hình trên, chị Huỳnh cho biết mình đang lưỡng lự, chưa dám xuống tiền mua dự án nào vì lo ngại khả năng bị chôn vốn nếu mua phải dự án "chết lâm sàng".
Trong khi đó, anh Nguyễn Cường (môi giới một công ty bất động sản) cho biết thị trường hiện nay đang thiếu hụt các dự án mới. Nhiều tháng qua, công ty của anh không có hàng mới để bán, chủ yếu nhận kí gửi các sản phẩm nhà ở của người dân. Anh Cường cũng mong thị trường sớm khởi sắc để công ty môi giới còn kinh doanh hiệu quả.
Đánh giá về những khó khăn của thị trường hiện nay, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng vướng mắc pháp lý và khó khăn về nguồn vốn chính là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Chính những khó khăn này đã đẩy các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh "chết trên đống tài sản" vì thiếu tiền mặt, thiếu thanh khoản nghiêm trọng.
Ngoài ra, một số đơn vị phải tạm dừng hoạt động đầu tư, thi công dự án do thiếu dòng tiền. Để tồn tại, doanh nghiệp phải tìm cách tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được người mua, phải cắt giảm nhân lực, giảm lương...
Cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc nhiều dự án tại các địa phương đủ điều kiện để tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã mở ra nhiều hy vọng bổ sung nguồn cung lớn cho thị trường nhà ở.
Theo đó, UBND TP.HCM vừa công bố danh mục các dự án (đợt 1 năm 2023) đủ điều kiện để các ngân hàng duyệt vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ của Chính phủ.
Cụ thể, báo cáo UBND TP.HCM, Sở Xây dựng cho biết đã nhận được 6 đề nghị của các chủ đầu tư đầu tư có nhu cầu vay vốn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó có 3 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, bao gồm: Công ty Cổ phần Bất động sản Nguyễn, Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành và Công ty Cổ Phần Đức Mạnh. Ngoài ra, 1 chủ đầu tư dự án cho công nhân thuê là Công ty Cổ phần ThuThiemGroup. Ngoài ra, 2 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư của Công ty Cổ phần Đức Khải Tân Bình và Công ty Cổ phần địa ốc DOWNTOWN cũng nhằm trong danh sách trên.
UBND TP.HCM cho biết các dự án nêu trên đã đáp ứng các tiêu chí và điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Sở Xây dựng TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM các đợt tiếp theo khi có dự án đủ điều kiện, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng vừa công bố danh mục 4 dự án phát trên địa bàn tỉnh đề xuất được vay ưu đãi gói tín dụng 12.000 tỷ. Các dự án gồm: Chung cư nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An do Công ty TNHH Kinh doanh và Phát triển nhà Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, dự án khu nhà ở xã hội An Sinh thuộc Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ (giai đoạn 1, tại phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư.
Dự án tiếp theo là khu nhà ở xã hội liền kề thuộc dự án Khu nhà ở thương mại Thuận Lợi 2 (thị xã Bến Cát) của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi. Và cuối cùng, dự án khu nhà ở xã hội liền kề thuộc dự án Khu dân cư Cầu Đò (xã An Điền, thị xã Bến Cát) cũng của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết đây là các dự án đáp ứng điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Ông H.V.T (giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM) chia sẻ, việc tiếp cận được nguồn vốn từ gói vay 12.000 tỷ sẽ là "phao cứu sinh" giúp các doanh nghiệp như "nắng hạn gặp mưa rào", giải cơn khát dòng tiền. Bên cạnh đó, các dự án được cấp tín dụng này đều đã đáp ứng các điều kiện về pháp lý, đảm bảo tiến độ xây dựng. Từ đó bổ sung nguồn cung nhà ở, giải quyết nhu cầu an cư cho người dân, người lao động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.