Thường thì đám cưới được coi là thời điểm tràn đầy niềm vui, tiếng cười và hạnh phúc khi cô dâu chú rể bước vào cuộc sống mới. Tuy nhiên, với những cô dâu thuộc dân tộc Tujia ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, họ phải khóc ít nhất 1 tiếng/ngày trong suốt một tháng trước khi trở thành vợ chồng.
Phong tục khóc cưới đã tồn tại từ rất lâu tại nhiều vùng phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, và nổi tiếng trong thời kỳ nhà Thanh (1644 - 1911). Mặc dù không còn phổ biến như trước đây, nhưng người dân vẫn coi phong tục này là một nghi lễ cưới hỏi quan trọng.
Theo kênh CGTN, dân tộc Tujia là dân tộc lớn thứ 8 trong số 56 dân tộc tại Trung Quốc, có dân số hơn 8 triệu người, phần lớn sinh sống ở miền trung và tây nam đất nước.
Các cụ già kể lại rằng mỗi cô dâu đều phải khóc trong đám cưới. Nếu không làm như vậy, cô dâu sẽ bị hàng xóm coi thường và trở thành trò cười trong làng. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp cô dâu bị mẹ đánh vì không khóc trong lễ cưới. Đặc biệt, thông qua tiếng khóc, người Tujia có thể đánh giá giá trị và trí tuệ của cô dâu.
Theo China Daily, ở phía tây tỉnh Tứ Xuyên, phong tục khóc cưới được gọi là "Zuo Tang" (Ngồi trong hội trường). Thông thường, cô dâu bắt đầu khóc một tháng trước ngày cưới. Khi đêm buông xuống, cô dâu đi vào hội trường và ngồi khóc trong khoảng một giờ. Mười ngày sau đó, mẹ cô dâu cũng sẽ khóc cùng con gái. Sau đó, đến lượt bà của cô dâu "tham gia". Nếu cô dâu có chị em hoặc cô dì, họ cũng phải khóc cùng cô dâu.
Theo quan niệm, việc cô dâu khóc sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho cuộc hôn nhân. Tiếng khóc của cô dâu được biểu đạt qua những lời than buồn. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều cô dâu đã khóc vì bị ép buộc kết hôn và than vãn về cuộc hôn nhân không hạnh phúc sắp tới.
Phần mắng chửi bà mối là một phần quan trọng và đáng chú ý trong phong tục khóc cưới. Trước đây, trong xã hội cổ, phụ nữ không có quyền tự quyết định về hôn nhân, mà tất cả đều do bà mối và cha mẹ sắp đặt. Do đó, các cô dâu thường mắng chửi bà mối trước khi lên xe hoa. Điều này cũng được thể hiện trong các vở kịch và nghệ thuật dân gian khác tại Trung Quốc.
Ở nông thôn, nơi môi giới hôn nhân vẫn đóng một vai trò quan trọng, các cô dâu tiếp tục nguyền rủa khi thực hiện phong tục khóc cưới. Tuy nhiên, các bà mối cũng không sợ bị mắng chửi. Vì nếu không bị mắng, điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ không thoát khỏi những vấn đề không may mắn.
Nhiều cô gái trẻ chỉ mới 15 hoặc 16 tuổi đã được huấn luyện để khóc, chuẩn bị cho đám cưới trong tương lai. Họ luyện tập với bạn bè để đảm bảo không mắc sai lầm vào ngày khóc chính thức trước ngày cưới.