Hàng trăm người sống ven đầm Thị Nại, đặc biệt là ở các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), dùng ghe, sõng bơi ra đầm vớt rong câu về phơi khô. Rau câu phơi khô bán cho thương lái làm nguyên liệu chế biến thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hồng, ở thôn Dương Thiện, xã Phước Sơn, bộc bạch: Mùa vớt rong câu có thể bắt đầu từ tháng 5, nhưng thường là từ tháng 6 trở đi, lúc này rong kết nhiều và thu hoạch đều cho đến khi lũ về, khi đó nước đầm bị ngọt hóa và sẽ hết rong.
Sau khi vớt, rong câu được người dân trên sườn đê khu Đông ở đầm Thị Nại, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ảnh: X.T
Tầm 3 - 4 giờ sáng hằng ngày, vợ chồng tôi tranh thủ lúc nước triều xuống, chèo thuyền ra đầm vớt rong, đến quãng 8 giờ là thuyền đầy ắp rong câu.
Đem rong trải lên mặt đê phơi chừng 2 nắng là khô, có thể đem bán, đầu vụ giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, đến lúc rộ giá chỉ còn 6.000 đồng/kg rong khô. Mỗi ngày vợ chồng tôi có thể kiếm được 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng nhờ bán rong câu.
Còn vợ chồng anh Phan Văn Bình, ở thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận đang phơi rong trên mặt đê, bày tỏ: Vào mùa rong, hằng ngày tôi cùng vợ đi vớt kiếm tiền cũng đủ trang trải cuộc sống, chi phí cho con học hành.
Vất vả là phải ngâm mình dưới nước để vớt rong, đôi khi cũng bị ngứa ngáy lắm, rong chuyển về còn phơi phóng, nhưng được cái có bao nhiêu rong câu thương lái cũng mua hết.
Theo ông Lương Văn Tâm, Bí thư chi bộ thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) bà con sống ven đầm Thị Nại không những chuyên đánh bắt, nuôi trồng thủy sản mà còn có những nghề phụ, như vớt rong câu, cào don dắc, bắt vẹm xanh, bắt hàu, đánh bắt thủy sản bằng nghề truyền thống chồ rớ, lưới… nên nếu siêng năng là có thu nhập tốt quanh năm.
Được biết, rong câu thường chế biến thành sương sa, đây là món ăn thanh mát, có chứa một lượng lớn chất xơ, đạm, vitamin, bổ sung các dưỡng chất vi lượng cần thiết cho cơ thể. Rong câu còn dùng để nấu chè, nấu xu xoa, giải nhiệt rất tốt.