Dân Việt

Bão số 1 mạnh cực đại trong 24 giờ tới, là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây

L.V.S 16/07/2023 17:16 GMT+7
Cập nhật tin bão số 1 mới nhất: Bão số 1 mạnh cực đại trong 24 giờ tới, đây có thể sẽ là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây.

Cập nhật tin bão số 1 mới nhất

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 1 có thể là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây. Miền Bắc khả năng mưa lớn do bão từ ngày 18/7.

Cụ thể theo thông tin mới cập nhật nhất cách đây vài phút của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 510km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 14.

Bão số 1 mạnh cực đại trong 24 giờ tới, là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây - Ảnh 1.

Bão số 1 mạnh cực đại trong 24 giờ tới, là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây. Ảnh: NCHMF

Dự báo diễn biến bão số 1 (trong 24 đến 72 giờ tới):

Thời điểm dự báo

Hướng, tốc độ

Vị trí

Cường độ

Vùng nguy hiểm

Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng)

16h/17/7

Tây Tây Bắc, 15-20 km/h. Bão có khả năng mạnh thêm

20,4N-111,5E; trên vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 410km về phía Đông Đông Nam

cấp 12, giật cấp 15

17,0-22,0N; 109,0E-117,5E

Cấp 3: phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông

16h/18/7

Tây Tây Bắc, khoảng 15-20 km/h

21,3N-107,8E; trên vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh-Thái Bình

cấp 10, giật cấp 13

Phía Bắc vĩ tuyến 19,0N; phía Tây kinh tuyến 114,0E

Cấp 3: phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông và Bắc vịnh Bắc Bộ

04h/19/7

Tây Tây Bắc, khoảng 15-20 km/h và suy yếu dần

21,8N-106,1E; trên khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ

cấp 6-7, giật cấp 8-9

Phía Bắc vĩ tuyến 19,0N; phía Tây kinh tuyến 110,0E

Cấp 3: Khu vực phía Đông Bắc Bộ, Bắc vịnh Bắc Bộ

16h/19/7

Tây Tây Bắc, khoảng 15 km/h và suy yếu dần thành vùng áp thấp

22,1N-104,1E; trên khu vực vùng núi Bắc Bộ

< cấp 6

 

 

 Dự báo tác động của bão số 1

Trên biển:

Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội.

Từ chiều và tối ngày 17/7, Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 13-14.

Trên đất liền:

Từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12-13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Nước dâng, sóng lớn:

Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 5,0-7,0m.

Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ có sóng biển cao 3,0-5,0m. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định sóng biển cao 2,0-4,0m.

Ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình có nước dâng do bão từ 0,5-0,8m. Nguy cơ ngập úng ở khu vực trũng thấp tại ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển trong trường hợp bão đổ bộ vào thời điểm triều cường (chiều tối ngày 18/7).

Mưa lớn:

Từ đêm 17/7 đến ngày 20/7, ở Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm; Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to 100-200mm, có nơi trên 300mm. Mưa ở Bắc Bộ còn có thể kéo dài.

Dông, lốc xoáy:

Đề phòng nguy cơ xuất hiện giông, lốc, sét ở rìa xa hoàn lưu của bão.

Dự báo, tối và đêm 17/7, bão số 1 khả năng đổ bộ vào khu vực phía bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sau thời điểm này, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi xuống vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam vào khoảng chiều và đêm 18/7.

Ông Hưởng lưu ý, cũng có khả năng bão số 1 khi vượt qua khu vực đảo Lôi Châu (Trung Quốc), có thể đổi hướng di chuyển lệch hơn về phía nam và mở rộng vùng ảnh hưởng xuống khu vực các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa. Kịch bản này có xác suất thấp nhưng vẫn cần phải lưu ý đề phòng. Trọng tâm mưa do bão số 1 ở miền Bắc là ngày 18/7.

“Dự báo trong 24-48h tới, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h và có khả năng mạnh thêm. Đến khoảng tối và đêm 17/7, bão đổ bộ vào khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu, sau đó di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi xuống Vịnh Bắc Bộ. Khoảng chiều và đêm 18/7, bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Đây là kịch bản tương đối thống nhất của các trung tâm dự báo quốc tế và Việt Nam”, ông Hưởng cho biết.

Về tác động của bão đến đất liền, cơ quan khí tượng cho biết các dự báo xa còn có nhiều khả năng xảy ra. Nhận định ban đầu cho thấy bão số 1 khả năng gây gió mạnh nhiều nơi ở khu vực ven biển. Đây có thể là cơn bão mạnh ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây.

Ngoài ra, ngay từ khi bão số 1 còn ở rất xa ngoài biển, trên đất liền có thể xuất hiện dông, lốc, sét ở rìa xa bão. Người dân đặc biệt lưu ý, mưa lớn và gió mạnh ở trên đất liền sẽ xảy ra từ rạng sáng 18/7 đến ngày 21/7. Trọng tâm mưa là ngày và đêm 18/7.

Chuyên gia đồng thời cảnh báo mưa lớn xảy ra sau nhiều ngày mưa dông và nắng nóng liên tiếp khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tăng cao từ ngày 18/7 ở Bắc Bộ. Trọng tâm cần đề phòng là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.

"Rất khó để cảnh báo được chính xác cụ thể vị trí xảy ra sạt lở, vì vậy kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo lực lượng xung kích ở các địa phương thường xuyên rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở trên địa bàn để thông báo cho các hộ dân lưu ý, phòng tránh", theo cơ quan khí tượng.

Chủ động ứng phó với bão và mưa lũ có thể xảy ra sau bão

Ngày 15/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 05/CĐ-QG gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Ngoại giao; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí.

Bão số 1 mạnh cực đại trong 24 giờ tới, là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây - Ảnh 3.

Các tàu neo đậu quanh khu vực cảng cá Tân Sơn (huyện Thái Thụy) để tránh trú bão. Ảnh tư liệu: Thế Duyệt/TTXVN

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 15/7, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc biển Đông đã mạnh lên thành bão số 1 (tên quốc tế là TALIM). Hồi 13 giờ ngày 15/7, vị trí tâm bão ở cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 880km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo, bão tiếp tục mạnh lên với cường độ mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 (ngày 17/7) và đi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10-11, giật cấp 13 (ngày 18/7). Đây là cơn bão đầu tiên năm 2023 có cường độ mạnh và dự kiến đổ bộ vào khu vực Bắc Bộ.

Để chủ động ứng phó với bão số 1 và mưa lũ có thể xảy ra sau bão, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) được xác định từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,5 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá, tổ chức quản lý chặt chẽ các phương tiện, tàu thuyền ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền tại nơi neo đậu; tuỳ theo diễn biến thực tế của bão tại địa phương để chủ động tổ chức cấm biển (kể cả với tàu vận tải, tàu du lịch).

Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, khách du lịch lưu trú trong thời gian bão đổ bộ và trên các đảo.

Vùng đồng bằng và ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa chủ động sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ cao ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công; tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho hàng, các công trình cột tháp cao, hệ thống lưới điện; rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

Khu vực miền núi phía Bắc chủ động sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản; kiểm tra, rà soát, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn tàu cá, nuôi trồng thủy sản; an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công; bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Bộ Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện và hạ du khi xả lũ, nhất là các thủy điện nhỏ; sẵn sàng khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải; chỉ đạo khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính.

Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng, kịp thời đưa tin về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.

Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.